Nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đảm bảo sức khỏe người dân Thủ đô

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Y tế cơ sở giữ vai trò then chốt trong việc quản lý sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại địa phương. Phát huy những kết quả đạt được, ngành y tế Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh giám sát dịch bệnh, cải thiện dịch vụ y tế cơ sở, và bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Theo báo cáo tại hội nghị giao ban công tác chuyên môn về y tế cơ sở quý IV/2024, đồng thời triển khai phương hướng và nhiệm vụ năm 2025, tổ chức ngày 20/1 vừa qua, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Hà Nội cơ bản được kiểm soát.

Thành phố duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh, không ghi nhận các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A/H5N1, Ebola, bệnh do vi rút Marburg hay bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh Covid-19 cũng được kiểm soát hiệu quả với số ca mắc thấp và không ghi nhận trường hợp tử vong.

Nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đảm bảo sức khỏe người dân Thủ đô - ảnh 1
Y tế cơ sở góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Nhiều dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng và liên cầu lợn có số ca mắc giảm. Một số bệnh khác như sởi, ho gà và não mô cầu có ca mắc tăng nhưng đều ghi nhận rải rác, không có ổ dịch lớn. Thành phố cũng không ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại hay ca mắc bệnh bạch hầu.

Về công tác khám chữa bệnh, tại 30 trung tâm y tế quận, huyện và thị xã, hiện có 55 phòng khám đa khoa và 494/579 trạm y tế (chiếm 85,3%) tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong năm 2024, tổng số lượt khám, chữa bệnh đạt trên 2,8 triệu lượt, trong đó hơn 2,6 triệu lượt thuộc diện bảo hiểm y tế. 

Các trạm y tế và phòng khám đa khoa trên địa bàn thành phố cũng thực hiện tốt công tác quản lý sức khỏe cộng đồng, bao gồm khám, điều trị bệnh thường gặp và các bệnh mạn tính như tăng huyết áp và đái tháo đường. Qua đó, gần 1,93 triệu người từ 18 tuổi trở lên được sàng lọc nguy cơ sức khỏe, với nhiều trường hợp được tư vấn và can thiệp kịp thời.

Đến nay, 573/579 xã, phường, thị trấn của thành phố (tương đương 98,96%) đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Quyết định 1300/QĐ-BYT. Toàn thành phố có 27 quận, huyện, thị xã đạt tỷ lệ 100%. Một số xã chưa đạt tiêu chí thuộc quận Cầu Giấy, huyện Chương Mỹ và huyện Mỹ Đức do các trạm y tế tại đây đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có hơn 80.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó ngành y tế quản lý hơn 46.000 cơ sở. Thành phố tiếp tục triển khai các chương trình điểm về an toàn thực phẩm tại 100% phường, thị trấn và trên 60 tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã.

Nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đảm bảo sức khỏe người dân Thủ đô - ảnh 2
TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại hội nghị.

Các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người và bếp ăn tập thể tại trường học được duy trì và nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng quản lý thực phẩm trên địa bàn.

Trong năm 2024, ngành y tế Hà Nội đã hoàn tất việc chuyển giao các trung tâm y tế từ Sở Y tế về UBND các quận, huyện và thị xã quản lý. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ y tế được phối hợp chặt chẽ, đảm bảo nâng cao năng lực chuyên môn và tổ chức.

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2025,  TS. Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay: Sở sẽ tiếp tục tập trung giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động dự báo và ứng phó hiệu quả trước mọi diễn biến. Ông cũng yêu cầu đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất và trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch.

Đồng thời, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại trạm y tế và phòng khám đa khoa, tăng cường thu hút người bệnh tham gia khám bảo hiểm y tế. Công tác quản lý sức khỏe tại địa phương theo nguyên lý y học gia đình, đặc biệt đối với các bệnh không lây nhiễm, cũng cần được chú trọng.

TS. Trần Văn Chung cũng lưu ý tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội xuân năm 2025. Hoạt động giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Tin cùng chuyên mục

Ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại CDC Hà Nội

Ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại CDC Hà Nội

(PNTĐ) - Công đoàn ngành Y tế Hà Nội vừa phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, tổ chức lễ ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại đơn vị. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động ngành Y tế Thủ đô.
Cảnh giác những thói quen tuy nhỏ nhưng đang cướp đi giấc ngủ của bạn mỗi đêm

Cảnh giác những thói quen tuy nhỏ nhưng đang cướp đi giấc ngủ của bạn mỗi đêm

(PNTĐ) - Chị D - một nhân viên văn phòng 40 tuổi ở Hà Nội, từng có giấc ngủ lý tưởng, bỗng chốc rơi vào địa ngục mất ngủ triền miên. Lý do không chỉ là áp lực công việc, mà còn vì chị đã phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo tưởng chừng đơn giản, và cho rằng "chỉ là mất ngủ chút thôi, ai mà chẳng gặp".
Cam kết quốc gia về kế hoạch hóa gia đình

Cam kết quốc gia về kế hoạch hóa gia đình

(PNTĐ) - Sáng ngày 9/6, tại Hà Nội, Hội thảo phổ biến cam kết tham gia chương trình Kế hoạch hóa gia đình toàn cầu đến năm 2030 đã được Cục Dân số (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức, nhằm thúc đẩy quyền của mọi người trong việc tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản một cách an toàn và theo lựa chọn cá nhân.
Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba và hành trình đem lại nụ cười cho 60 trẻ em

Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba và hành trình đem lại nụ cười cho 60 trẻ em

(PNTĐ) - Từ ngày 2 - 3/6/2025, gần 60 trẻ em mang dị tật vùng mặt đã được khám sàng lọc và chỉ định phẫu thuật miễn phí trong khuôn khổ chương trình phẫu thuật khe hở môi - vòm miệng, do Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba phối hợp với Tổ chức Operation Smile và Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì tổ chức.