Người phụ nữ 65 tuổi nhiễm giun đũa chó mèo: Cảnh báo nguy cơ từ thú cưng trong nhà

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bệnh nhân N.L, nữ, 65 tuổi, đến từ Quảng Ninh, có tiền sử tăng huyết áp. Trước khi nhập viện, bà xuất hiện các triệu chứng đau bụng vùng thượng vị, đi ngoài nhiều lần, cơn đau kéo dài và ngứa da suốt hơn một tháng. Trước đó, bệnh nhân đã điều trị tại bệnh viện địa phương và có cải thiện, nhưng bệnh tái phát sau một thời gian ngắn.

Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ ghi nhận gia đình bà nuôi một con chó lớn (nặng khoảng 25kg). Đáng chú ý, con chó này từng có dấu hiệu nôn ra sán, nhưng gia đình không chú ý và vẫn tiếp xúc trực tiếp với thú cưng mà không sử dụng biện pháp bảo vệ như găng tay hay giày dép khi dọn dẹp. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiễm ký sinh trùng của bệnh nhân.  

Ban đầu, bà L bị đau bụng dữ dội, đi ngoài liên tục từ chiều đến tối (khoảng 4 giờ), với số lần đi ngoài lên tới 25-26 lần. Phân có dạng lỏng, nước và bột, cho thấy dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột nghiêm trọng. Sau khi nhập viện tuyến cơ sở, bệnh nhân được điều trị triệu chứng.

Người phụ nữ 65 tuổi nhiễm giun đũa chó mèo: Cảnh báo nguy cơ từ thú cưng trong nhà   - ảnh 1
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thăm khám cho người bệnh.

Tuy nhiên, tại đây, bà xuất hiện các tổn thương ngoài da như sẩn ngứa và các đường hằn tròn trên tay, thân mình, kèm dấu hiệu sán di chuyển dưới da. Do tình trạng bệnh phức tạp, bà L được chuyển đến Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.  

Tại đây, bà L được chỉ định làm xét nghiệm và cho kết quả dương tính với sán lá gan lớn (*Fasciola hepatica*) và giun đũa chó mèo (*Toxocara spp*). Xét nghiệm cho thấy chỉ số IgE – một dấu hiệu phản ứng dị ứng của cơ thể – tăng vọt lên 1.652 IU/mL, cao gấp hơn 16 lần mức bình thường (dưới 100 IU/mL), cho thấy cơ thể bệnh nhân đang phản ứng mạnh với ký sinh trùng.

Đồng thời, bạch cầu ưa axit của bệnh nhân tăng lên 12,7% (so với mức bình thường 2-8%), phản ánh tình trạng viêm nhiễm do giun sán. Các triệu chứng ngứa kéo dài cùng kết quả xét nghiệm cho thấy sự hiện diện của giun sán trong cơ thể.  

Hiện tại, sau một tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân đã ổn định. Nếu sức khỏe tiếp tục cải thiện, bà L sẽ được cấp đơn để điều trị ngoại trú và cần tái khám ít nhất ba lần trong vòng sáu tháng để theo dõi hiệu quả điều trị cũng như nguy cơ tái nhiễm.  

Từ trường hợp ca bệnh trên, TS.BS Trần Thị Hải Ninh - Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo: Để phòng ngừa bệnh giun đũa chó mèo, người nuôi thú cưng cần đặc biệt lưu ý: Tẩy giun định kỳ cho chó, mèo để ngăn ngừa nhiễm bệnh. Vệ sinh môi trường sống của thú cưng, dọn dẹp sạch sẽ khu vực chúng sinh hoạt. Khi tiếp xúc với vật nuôi, đặc biệt khi dọn phân, cần sử dụng găng tay và giày dép để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.  

Giặt rửa sạch sẽ quần áo và dụng cụ sau khi tiếp xúc với thú cưng hoặc các khu vực có nguy cơ nhiễm giun. Thường xuyên lau sàn nhà bằng các dung dịch sát khuẩn. Tẩy giun định kỳ cho người mỗi 6 tháng, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn.  

"Chúng ta cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như thú cưng. Đây là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh giun đũa chó mèo, bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình và cộng đồng" – TS. Ninh nhấn mạnh.  

 

Tin cùng chuyên mục

Quận Long Biên: Tiếp tục nhân rộng mô hình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi

Quận Long Biên: Tiếp tục nhân rộng mô hình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi

(PNTĐ) - Ngày 13/3/2025, Trung tâm Y tế quận Long Biên phối hợp với UBND phường Bồ Đề tổ chức hội nghị tiếp và làm việc với đoàn công tác Nhật Bản thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" giai đoạn 2022 - 2025.
Tà áo dài hồng – nét chấm phá duyên dáng trong môi trường quân y

Tà áo dài hồng – nét chấm phá duyên dáng trong môi trường quân y

(PNTĐ) - Trong không gian bệnh viện, giữa sự nghiêm túc và kỷ luật của ngành Quân y, tà áo dài hồng nổi bật với một vẻ đẹp đặc biệt thật dịu dàng giống như những nữ cán bộ nhân viên Phòng Khoa học Quân sự (Bệnh viện TWQĐ 108) – thầm lặng và bền bỉ, dịu dàng nhưng mạnh mẽ, đơn giản nhưng không hề dễ dàng.
8/3 yêu thương cho người bệnh thalassemia

8/3 yêu thương cho người bệnh thalassemia

(PNTĐ) - Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vừa phối hợp với Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam và các đơn vị thiện nguyện tổ chức chương trình "8/3 để yêu". Đây không chỉ là một hoạt động ý nghĩa tôn vinh phụ nữ mà còn là dịp đặc biệt để những nữ bệnh nhân tan máu bẩm sinh (thalassemia) và người chăm sóc có cơ hội khoác lên mình tà áo dài duyên dáng, tự tin tỏa sáng và hòa nhập cộng đồng.
Bé 3 tuổi suýt nguy kịch vì nuốt phải thuốc diệt chuột: Cảnh báo nguy cơ và biện pháp phòng tránh

Bé 3 tuổi suýt nguy kịch vì nuốt phải thuốc diệt chuột: Cảnh báo nguy cơ và biện pháp phòng tránh

(PNTĐ) - Chỉ trong vòng 15 phút sau khi phát hiện bé N.M (3 tuổi, ở Hà Nội) cho vào miệng một nắm thóc trộn thuốc diệt chuột, gia đình đã nhanh chóng sơ cứu và đưa bé đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Khi nhập viện, bé có dấu hiệu mệt mỏi, quấy khóc - những biểu hiện ban đầu cho thấy độc tố bắt đầu tác động đến cơ thể, làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời.