Nguy cơ đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam rất lớn

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trước những diễn biến nghiêm trọng của dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia, mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đây là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, dù Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên nguy cơ bệnh này xâm nhập vào nước ta là rất lớn.

Nguy cơ đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam rất lớn - ảnh 1
Bộ Y tế họp trực tuyến, bàn giải pháp ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ ngay sau khi WHO công bố tình trạng khẩn cấp của bệnh này Ảnh: Hoàng Bích

WHO tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp với bệnh Đậu mùa khỉ 
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, thế giới ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Trên cơ sở cân nhắc các xu hướng về dịch tễ học mới nổi, sự lây lan quốc gia, WHO tuyên bố đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ đã đáp ứng các tiêu chí theo điều lệ y tế quốc tế và đã tuyên bố đây là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.

BS Socorro Escalante - quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: Theo điều lệ y tế quốc tế có 5 yếu tố cân nhắc để xác định đợt bùng phát dịch này có phải là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu không. Thứ nhất, về thông tin được các quốc gia cung cấp, dữ liệu cho thấy virus lây lan rất nhanh ra nhiều nước mà chưa từng thấy virus trước đó. Trong giai đoạn từ ngày 1/1-20/7, hơn 14.500 ca mắc (ca bệnh có thể và đã được khẳng định) được báo cáo với WHO từ 72 quốc gia ở tất cả 6 khu vực. Đây là sự gia tăng đáng kể từ trên 3.000 ca tại 47 quốc gia vào đầu tháng 5.

Thứ hai, đợt bùng phát này đã đáp ứng 3 tiêu chí để công bố tình trạng khẩn cấp y tế gây quan ngại quốc tế. Cụ thể, đợt bùng phát dịch này được coi là một sự kiện bất thường, là một yếu tố nguy cơ y tế công cộng cho các quốc gia thông qua sự lây lan bệnh trên toàn cầu và có khả năng cần sự phối hợp quốc tế trong quá trình đáp ứng dịch. Thứ ba, các tư vấn của Ủy ban khẩn cấp trong trường hợp này chưa có sự đồng thuận. Thứ tư, các nguyên tắc về mặt khoa học, các bằng chứng, các thông tin có liên quan hiện nay đều cho thấy chưa đủ, còn nhiều điều chúng ta chưa biết về bệnh này. Thứ năm, các yếu tố nguy cơ với sức khỏe con người và sự lây lan quốc tế cũng như khả năng tác động đến sự gián đoạn lưu thông hàng hóa dịch vụ và con người trên toàn cầu.

Ngay sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế cũng tổ chức họp khẩn cấp, đồng thời ngày 29/7 đã ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người". Theo đó, đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả nặng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong. 

Việt Nam: Làm gì để chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn ủ bệnh từ 6-13 ngày (dao động từ 5-21 ngày). Trong giai đoạn này, người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm. Giai đoạn khởi phát của bệnh kéo dài từ 1-5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân; kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này. 

Đặc biệt ở giai đoạn toàn phát, thường gặp sau sốt từ 1-3 ngày, đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da. Phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục. Tiến triển ban: Tuần tự từ rát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao), sau đó thành mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong), mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng), đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo. Kích thước tổn thương da: Trung bình từ 0,5-1cm. Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thường có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thường da lớn.  

Cuối cùng là giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác. 

Bộ Y tế hướng dẫn, ca bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ gồm 2 trường hợp. Thứ nhất là ca bệnh có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau: Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh có thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh; có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng. Thứ hai là có bệnh cảnh lâm sàng nghi bệnh đậu mùa khỉ.  

Đối với đậu mùa khỉ, hiện nay việc điều trị triệu chứng là chủ yếu; kết hợp biện pháp đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý; sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch...) theo khuyến cáo của WHO và các quy định của Việt Nam. 

Về vấn đề vắc-xin phòng bệnh, quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, WHO không khuyến cáo sử dụng vắc-xin tiêm đại trà cho người dân. Một số vắc-xin đã được đăng ký lại để được phép sử dụng trong trường hợp việc tiêm chủng cần được thực hiện.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...