Nỗi lo di chứng “hậu Covid-19”

Chia sẻ

Được công bố khỏi Covid-19 không có nghĩa bệnh nhân đã khỏe mạnh hoàn toàn. Thực tế, rất nhiều bệnh nhân sau khi xuất viện vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn về sức khỏe, đặc biệt là tình trạng lo âu, trầm cảm. Bởi vậy, bệnh nhân và gia đình người bệnh cần chú trọng việc điều trị “hậu Covid-19”, tránh gặp phải di chứng không mong muốn.

ThS.BS Calvin Q Trịnh Quang Anh (bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng TP Hồ Chí Minh) hướng dẫn bài tập mở lồng ngực, kiểm soát nhịp thở cho bệnh nhân Covid-19 Ảnh: BVCCThS.BS Calvin Q Trịnh Quang Anh (bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng TP Hồ Chí Minh) hướng dẫn bài tập mở lồng ngực, kiểm soát nhịp thở cho bệnh nhân Covid-19 Ảnh: BVCC

Gia tăng tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần

Khảo sát của bệnh viện Chợ Rẫy trong 4 ngày với 32 mẫu, đánh giá tình trạng sức khỏe tinh thần của bệnh nhân mắc Covid-19 tại các khoa điều trị ở bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức cho thấy: 20% bệnh nhân bị trầm cảm, 53,3% mắc rối loạn lo âu và 16,7% bị stress. Quá trình khảo sát và tư vấn, hỗ trợ điều trị tâm lý cho các bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện còn chỉ ra rằng, 66,7% bệnh nhân từng thở oxy dòng cao, bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy có tỷ lệ trầm cảm, rối loạn lo âu. Có 67% số bệnh nhân mong muốn được điều trị tâm lý trong suốt quá trình điều trị bệnh.

Dù chưa có những đánh giá tổng quát trên diện rộng, nhưng thực tế đây là tình trạng chung của bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị ở các bệnh viện. ThS.BS Nguyễn Thu Hường - Trưởng đơn nguyên chống dịch (bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, Hà Nội) chia sẻ: Đến nay bệnh viện đã tiếp nhận phản ánh và hỗ trợ điều trị cho không ít bệnh nhân gặp vấn đề tâm lý nặng kéo dài sau khi đã điều trị khỏi Covid-19. Mới đây nhất là một bệnh nhân nam (24 tuổi, trú tại Hà Nội), quay trở lại bệnh viện sau 1 tháng được công bố khỏi Covid-19.

Thời điểm nhập viện, qua kiểm tra cho thấy nam bệnh nhân hoàn toàn không gặp phải tổn thương thực thể. Tuy nhiên, trước đó bệnh nhân thường xuyên thấy trong người mệt mỏi, cảm giác khó thở, cảm giác lo lắng, bồn chồn. Khai thác thêm tiền sử điều trị Covid-19 thì thấy khi mắc Covid-19, bệnh nhân phải điều trị can thiệp máy thở, nằm trong đơn vị hồi sức tích cực. Nhận định triệu chứng của bệnh nhân liên quan tới sức khỏe tinh thần, là di chứng của việc bị ám ảnh bởi tiếng máy móc, hình ảnh người bệnh xung quanh phải lọc máu, tiếng máy móc… bác sĩ bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn đã mời tham vấn tâm lý hỗ trợ. Sau một thời gian động viên, hướng dẫn và trị liệu tâm lý, nam bệnh nhân đã dần giải tỏa, từng bước “hòa nhập” lại với cuộc sống thường ngày.

Chủ động chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tuấn - Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, tổn thương tâm lý và tinh thần tưởng chừng là chuyện nhỏ nhưng thật ra rất nghiêm trọng, làm cuộc sống của bệnh nhân trở nên tệ hơn ngay cả khi tổn thương thực thể không có hoặc có nhưng không nghiêm trọng quá mức. Khắc phục tình trạng trên, ngay khi gặp phải sự lo lắng và căng thẳng quá mức, trước tiên người bệnh hãy chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân với người mình tin tưởng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này không thuyên giảm mà trở nên nặng hơn, dẫn tới rối loạn lo âu, mất ngủ thường xuyên… thì cần tới gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn, điều trị sức khỏe tâm thần, đồng thời có giải pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt lên.

Bên cạnh đó, ThS.BS Ngô Thị Kim Oanh - bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, việc được tiếp tục hỗ trợ trong sinh hoạt, ăn uống, tập luyện là rất cần thiết đối với quá trình phục hồi cả thể chất và tinh thần của người bệnh trong giai đoạn điều trị “hậu Covid-19”. Trong quá trình hồi phục, việc đồng hành cùng người bệnh cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt khi người bệnh phải trải qua một thời gian dài cách ly/tự cách ly.

Cụ thể, người bệnh cần duy trì thời gian nghỉ ngơi hợp lý: Hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày hoặc nằm tĩnh lại khiến cơ thể trì trệ; Khuyến khích vận động nhẹ như đi bộ, đạp xe chậm, tập dưỡng sinh… Người bệnh cũng nên tiếp xúc với ánh nắng ít nhất 30 phút/ngày vào buổi sáng sớm hoặc chiều để điều hòa nhịp sinh học của cơ thể; Hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại/thiết bị điện tử liên tục trong ngày khiến hệ thần kinh mệt mỏi; Khuyến khích tham gia các hoạt động thư giãn như: đọc sách, báo.

Với người đã hoàn thành thời gian tự cách ly, nên thường xuyên tham gia các hoạt động cùng với người thân như chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa, để sớm quay lại trạng thái sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt ở người lớn tuổi, việc trò chuyện cùng người thân trong gia đình sẽ giúp họ giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau nhiễm bệnh.

Bệnh nhân Covid-19 sau khi được về nhà có thể thực hiện bài tập thở theo 4 bước (mỗi bước duy trì trong thời gian từ 4-6 giây) dưới đây:

Chuẩn bị: Tư thế nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông (không phải ở thắt lưng) cao thấp tùy sức. Tay trái để trên bụng, tay phải để ở ngực.

Bước 1: Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và căng.

Bước 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giơ một chân giao động qua lại, rồi hạ chân xuống.

Bước 3: Thở ra, tự nhiên, thoải mái, không kiềm thúc.

Bước 4: Nghỉ, thư giãn, chân tay nặng ấm, chuẩn bị trở lại bước 1.

Đối với người có triệu chứng khó thở, hụt hơi, nên có người thân bên cạnh khi tập luyện, tập chậm và không gắng sức khi tập.

Duy trì thời gian tập từ 15 - 30 phút/ngày. Trước khi tập, có thể kết hợp các bài tập kéo giãn cơ, khởi động khớp như: Động tác xem xa xem gần, sờ đất vươn lên, đạp xe đạp tại chỗ… tập kèm với dụng cụ như khăn hoặc gậy để kéo giãn hết tầm vận động của khớp

 THẢO HƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...
Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam 2024: Truyền cảm hứng thực hiện lối sống lành mạnh

Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam 2024: Truyền cảm hứng thực hiện lối sống lành mạnh

(PNTĐ) - Hưởng ứng ngày Sức khoẻ thế giới với thông điệp "Sức khoẻ của tôi, quyền lợi của tôi", vừa qua, báo Sức khoẻ đời sống phối hợp với Herbalife Việt Nam tiếp tục tổ chức chường trình ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 2. Thông qua chương trình, ban tổ chức mong muốn lan tỏa mạnh mẽ tinh thần dinh dưỡng khoa học - vận động hợp lý, đồng thời truyền cảm hứng và cổ vũ người dân thực hiện lối sống ngày càng năng động, lành mạnh.