Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới hệ thống y tế thông minh, hiện đại

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi hoạt động, từ quản trị bệnh viện đến quản lý hồ sơ bệnh án, từng bước xây dựng một hệ thống y tế thông minh, hiện đại và chuyên nghiệp.

Bệnh án điện tử – Bước đột phá trong chuyển đổi số y tế

Một trong những bước tiến nổi bật trong lộ trình chuyển đổi số ngành y là việc triển khai bệnh án điện tử (BAĐT). Đây là hệ thống quản lý toàn diện thông tin sức khỏe của người dân trong suốt quá trình khám chữa bệnh, bao gồm thông tin cá nhân, tiền sử bệnh, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, đơn thuốc… được lưu trữ và cập nhật liên tục bằng phương tiện điện tử.

Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới hệ thống y tế thông minh, hiện đại - ảnh 1
TS Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế thẩm định bệnh án điện tử tại Bệnh viện Nhi Hà Nội

Không chỉ giúp giảm tải giấy tờ, tiết kiệm chi phí, BAĐT còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh, y bác sĩ và toàn bộ hệ thống y tế. Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn – một trong những đơn vị tiên phong triển khai thí điểm từ năm 2021 – bệnh án điện tử đã được tích hợp với các hệ thống như nhận diện khuôn mặt, xác thực danh tính bằng căn cước công dân gắn chip và thẻ bảo hiểm y tế.  

Nhờ đó, bệnh nhân chỉ cần xác thực một lần duy nhất, những lần khám sau không cần mang theo giấy tờ, tiết kiệm thời gian làm thủ tục và nâng cao trải nghiệm khám chữa bệnh. Việc triển khai BAĐT tại BVĐK Xanh Pôn không chỉ giúp giảm tải áp lực cho nhân viên y tế mà còn nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, góp phần hiện đại hóa hệ thống y tế Thủ đô.

Triển khai đồng bộ tại các bệnh viện công lập

Tại BVĐK Đức Giang, Giám đốc Nguyễn Văn Thường cho biết, BAĐT giúp tiết kiệm thời gian cho cả bác sĩ lẫn người bệnh. Chỉ với vài thao tác trên máy tính, bác sĩ đã có thể truy cập toàn bộ lịch sử điều trị của bệnh nhân, giúp việc chẩn đoán và ra quyết định điều trị nhanh chóng, chính xác. Quy trình ra viện cũng được rút ngắn, thanh toán diễn ra thuận lợi và minh bạch hơn.  

Tương tự, BVĐK Vân Đình (huyện Ứng Hòa) đã triển khai đồng bộ phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), hệ thống xét nghiệm (LIS), lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS), ứng dụng bệnh viện (App), tạo nền tảng vững chắc cho việc vận hành bệnh án điện tử, hướng tới mô hình bệnh viện thông minh.

Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới hệ thống y tế thông minh, hiện đại - ảnh 2
Người dân đến khám bệnh tại BVĐK Đức Giang

Tính đến nay, đã có 11/42 bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội hoàn tất triển khai BAĐT, gồm: BVĐK Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, BVĐK Đông Anh, Vân Đình, Hòe Nhai, Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức và Bệnh viện Nhi Hà Nội – đạt tỷ lệ 26,2%. Đáng chú ý, 100% cơ sở y tế công lập của thành phố đã thực hiện tiếp đón bệnh nhân bằng căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh VNeID, thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế.

Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc – bao gồm cả cơ sở công lập và ngoài công lập – đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh án điện tử, đảm bảo hoàn thành trước 30/9/2025 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ứng dụng AI, Telehealth và thực tế ảo trong khám chữa bệnh

Không dừng lại ở bệnh án điện tử, ngành y tế Thủ đô còn triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) tại 5 bệnh viện lớn: Bệnh viện Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung Bướu Hà Nội, BVĐK Xanh Pôn và Thanh Nhàn. Đồng thời, việc giao ban trực tuyến giữa Sở Y tế và các đơn vị khám chữa bệnh với hàng trăm điểm cầu cũng được tổ chức thường xuyên, góp phần đảm bảo điều hành linh hoạt và hiệu quả.

Đặc biệt, một số cơ sở y tế như BVĐK Xanh Pôn và Đức Giang đã bước đầu thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán và điều trị. Cụ thể, AI được sử dụng trong phân tích phim X-quang ngực, nội soi tiêu hóa, và nhận diện khuôn mặt bệnh nhân tại khu tiếp đón. Ngoài ra, một số đơn vị đang thử nghiệm ứng dụng thực tế ảo (VR) trong điều trị tâm lý và phục hồi chức năng cho người bệnh.

Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới hệ thống y tế thông minh, hiện đại - ảnh 3
Người bệnh đến khám bệnh tại BVĐK Đống Đa được quản lý bằng phần mềm

Theo TS.BS Nguyễn Đình Hưng – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội – chuyển đổi số trong y tế là xu thế tất yếu, mang lại lợi ích cho cả người dân lẫn ngành y. Việc triển khai BAĐT song song với hồ sơ sức khỏe điện tử không chỉ giúp quản lý toàn diện sức khỏe người dân mà còn tạo ra một hệ sinh thái dữ liệu y tế lớn (Big Data).  

Dữ liệu này sẽ là cơ sở quan trọng cho việc phân tích, dự báo dịch bệnh, hoạch định chính sách và điều hành y tế thông minh trong tương lai. Hà Nội hiện cũng đang triển khai thí điểm sổ sức khỏe điện tử, kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, làm giàu cơ sở dữ liệu y tế dùng chung, hướng tới một môi trường làm việc số, minh bạch, thuận tiện, phục vụ tốt hơn cho người dân.

Tin cùng chuyên mục

Sữa giả hoành hành: Lộ bất cập trong công bố sản phẩm thực phẩm

Sữa giả hoành hành: Lộ bất cập trong công bố sản phẩm thực phẩm

(PNTĐ) - Vừa qua, vụ sản xuất và buôn bán sữa bột giả quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã gây chấn động dư luận. Vụ việc này làm dấy lên nhiều câu hỏi về hiệu quả của chính sách "tự công bố sản phẩm" và những lỗ hổng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
Bệnh viện Ba Vì nâng tầm chuyên môn Nội khoa

Bệnh viện Ba Vì nâng tầm chuyên môn Nội khoa

(PNTĐ) - Ngày 9/4, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì phối hợp với Hội Nội khoa thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học chuyên ngành Nội khoa với chủ đề: “Bệnh viêm loét dạ dày và viêm gan do vi rút”. Sự kiện là bước đi quan trọng nhằm tăng cường trao đổi chuyên môn, cập nhật kiến thức y học hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Điều trị thành công bệnh nhân cao tuổi tắc động mạch phổi cấp biến chứng sốc

Điều trị thành công bệnh nhân cao tuổi tắc động mạch phổi cấp biến chứng sốc

(PNTĐ) - Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Hữu Nghị, vừa điều trị thành công một bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp có biến chứng suy hô hấp và rối loạn huyết động (sốc). Nhờ áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, bệnh nhân đã được tái thông mạch phổi kịp thời, tránh được các biến chứng nguy hiểm.
BV Ung Bướu Hà Nội và AstraZeneca Việt Nam ký kết hợp tác, nâng cao chất lượng điều trị ung thư

BV Ung Bướu Hà Nội và AstraZeneca Việt Nam ký kết hợp tác, nâng cao chất lượng điều trị ung thư

(PNTĐ) - Mới đây, BV Ung Bướu Hà Nội và Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam đã có buổi ký kết hợp tác trong mở rộng nghiên cứu và điều trị ung thư. Đây là bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác chuyên sâu trong nghiên cứu, sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư, đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ y tế.