Sa tử cung có gây vô sinh?
PNTĐ-Em năm nay 25 tuổi, đã có gia đình và một bé trai. Mới đây đi khám phụ khoa định kỳ, bác sĩ thông báo em có dấu hiệu bị sa tử cung... Mong bác sĩ tư vấn giúp.
Em năm nay 25 tuổi, đã có gia đình và một bé trai. Mới đây đi khám phụ khoa định kỳ, bác sĩ thông báo em có dấu hiệu bị sa tử cung. Em đọc trên mạng và thấy cảnh báo bệnh có thể dẫn đến vô sinh. Em rất muốn hiểu thêm về bệnh sa tử cung cũng như cách điều trị. Mong bác sĩ tư vấn giúp.
Bùi Bích Ngọc (Tp. Bắc Giang)
Tử cung đang ở vị trí bình thường di chuyển xuống phía dưới theo âm đạo, miệng cổ tử cung hạ xuống đến mức dưới gai xương chậu thì gọi là sa tử cung. Hiện nay, bệnh sa tử cung của các chị phụ nữ ngày càng tăng lên, không phân biệt độ tuổi. Bệnh có nhiều dạng nhiều loại, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh sa tử cung, như: do chị e phụ nữ có quan hệ sớm và thường xuyên sau khi phá thai hoặc sinh đẻ, bị viêm loét cổ tử cung lâu ngày không được chữa trị, do bị viêm nhiễm phụ khoa vì vệ sinh vùng kín không được sạch, lạm dụng hóa chất, quan hệ không được an toàn, do bị rối loạn nội tiết. Nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ có nhiều biến chứng khác nhau và gây nguy hiểm.
Triệu chứng và biểu hiện chủ yếu trên cơ thể của bệnh sa tử cung là: vật sưng từ âm đạo thoát ra khi lao động, làm việc nặng, đi lại hoặc đứng lâu càng thấy rõ rệt; đau mỏi ở lưng và thắt lưng, có cảm giác như sụt xuống; triệu chứng bệnh ở hệ thống tiết niệu, thường kèm theo bị bệnh ở bàng quang và đường niệu thoát ra; đại tiện khó khăn; chất tiết ra ở âm đạo tăng nhiều.
Bệnh sa tử cung không những có thể làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống hằng ngày của người bệnh mà bệnh còn có thể gây ra những biến chứng như: làm giảm chất lượng đời sống tình dục nên làm mất đi hạnh phúc, gây vô sinh, dẫn đến ung thư, nguy cơ sẩy thai. Để không phải có những hậu quả của bệnh sa tử cung, chị em phụ nữ cần phải phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường để đến chuyên khoa khám và điều trị kịp thời. Ở mức độ nhẹ, bạn có thể can thiệp bằng các bài tập đặc biệt để rèn luyện cho bề mặt khung xương chậu. Nếu bệnh ở thể nặng, bạn cần được chỉnh lại dạ con bằng phẫu thuật do bác sĩ phụ khoa đảm trách. Trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị bạn phẫu thuật cắt bỏ dạ con.
BS Nông Thúy Ngọc