Tết của bác sĩ... trực cấp cứu

Bài và ảnh: LÝ THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày Tết, không khí bên ngoài nhộn nhịp bao nhiêu thì sự khẩn trương, tập trung của y, bác sĩ bên trong Khoa Cấp cứu cũng… cao độ bấy nhiêu. Vì thời điểm ấy, mọi bệnh nhân đều được tiếp nhận qua “cánh cửa” cấp cứu; và chỉ khi không thể “trì hoãn”, tức là tình trạng nghiêm trọng lắm họ mới buộc phải đến bệnh viện.

Căng mình nơi “đầu sóng, ngọn gió” 

Chiều muộn ngày cuối tuần, khi vừa chuyển xong một bệnh nhân nhẹ lên khoa Thần kinh, rồi chuyển một bệnh nhân khác bị suy hô hấp, phải thở máy sang khoa Hồi sức để điều trị, bác sĩ (BS) Vũ Quỳnh Anh - khoa Cấp cứu (BV Hữu Nghị) lại tay năm, tay mười kiểm tra xét nghiệm máu của các bệnh nhân khác đang theo dõi trong khoa. Sau khi giải thích để người bệnh rõ tình hình sức khỏe của mình, BS Quỳnh Anh thông tin kỹ lưỡng cho họ về việc đã được điều trị những gì tại khoa Cấp cứu, tiếp theo sẽ được điều trị ở khoa nào… 

Rất nhanh sau đó, BS Quỳnh Anh lại chăm chú hoàn thiện thủ tục hành chính, liên hệ khoa điều trị để chuyển bệnh nhân lên. Mọi việc phải diễn ra nhanh và chuẩn xác, đề phòng bệnh nhân cấp cứu mới có thể vào bất cứ lúc nào. “Nếu mọi thứ suôn sẻ, bệnh nhân ổn định, mình và đồng nghiệp có thể luân phiên, tranh thủ ăn tối lúc 7 giờ. Chẳng may gặp ca cấp cứu, bữa ăn sẽ phải lùi lại vô thời hạn, có thể là 9-10 giờ tối, thậm chí nửa đêm. Khi ấy, mọi người ăn để lấy sức chứ không còn thấy ngon nữa” - BS Quỳnh Anh kể.

Nhưng đó là câu chuyện của một ngày bình thường. Vào dịp Tết, y, bác sĩ phải căng mình gấp hai, gấp ba vì số bệnh nhân nặng tăng lên rất nhiều. Chẳng thế mà khi nói tới công việc ngày Tết ở khoa Cấp cứu - nơi vẫn được ví là “đầu sóng, ngọn gió” của bệnh viện, BSCKII Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng Khoa Cấp cứu (BV Hữu Nghị) chia sẻ chân tình: “Ngày Tết có lẽ là dịp bác sĩ cấp cứu dễ tủi thân nhất, đặc biệt với bác sĩ nữ. Thời điểm ấy, ở những khoa điều trị bệnh mạn tính, nếu không còn bệnh nhân nặng thì có thể được nghỉ hoặc tần suất làm việc giảm đi nhiều. Nhưng Khoa Cấp cứu thì ngược lại, ngoài điều trị bệnh nhân nặng đang ở giữa lằn ranh “sinh tử”, còn phải gánh vác cả nhiệm vụ điều trị tạm thời, thành “trạm trung chuyển” cho những bệnh nhân không quá nặng”. 

Tết của bác sĩ... trực cấp cứu - ảnh 1
 BS Khiêm thăm khám cho một bệnh nhân điều trị tại Khoa Cấp cứu.

“Đây là khoa duy nhất trong bệnh viện không bao giờ được báo hết giường, không bao giờ được phép từ chối bệnh nhân. Trong khi đó, một kíp trực của khoa Cấp cứu chỉ từ 1-2 bác sĩ, 4 điều dưỡng. Nếu bệnh nhân ồ ạt vào khoa cùng một lúc, áp lực với các bác sĩ tăng lên rất nhiều lần, đôi khi phải tạm dừng thủ thuật đang làm cho bệnh nhân này để ưu tiên cứu bệnh nhân khác khẩn cấp hơn. Ấy là chưa kể những lúc người nhà bệnh nhân vì chưa hiểu rõ công việc của bác sĩ nên thiếu thông cảm, gây áp lực bằng nhiều cách: Dùng bạo lực, dọa gọi tới đường dây nóng, rồi gọi cho cấp cao hơn trong bệnh viện... Nhiều tình huống đến bác sĩ nam còn “toát mồ hôi”, chưa nói bác sĩ tới nữ” - BS Khiêm chia sẻ.

Nhắc đến nữ bác sĩ, BS Khiêm cho biết thêm: Khoa Cấp cứu của BV Hữu Nghị hiện có 32 nhân sự, trong đó gần 20 nhân viên nữ. Làm ở khoa Cấp cứu đã vất vả, với các chị em, sự vất vả còn nhân lên nhiều lần. “Khổ nhất có lẽ là những lúc con ốm vì vẫn phải để con ở nhà cho chồng chăm sóc, còn mình vào viện chăm người bệnh. Làm ở khoa Cấp cứu, nam nữ bình đẳng, do đặc thù công việc là lịch rất dầy nên một khi đã có phân công sẽ rất khó nghỉ, trừ khi nhờ hay đổi được lịch cho người khác”. 

Đó cũng là điều BS Vũ Quỳnh Anh chứng kiến và được nghe các chị đồng nghiệp tâm sự trong suốt 5 năm gắn bó với Khoa Cấp cứu. “Bản thân mình cũng vậy, chứng kiến nhiều cuộc “chia lìa” luôn muốn được ở bên chăm sóc cho người thân. Có điều “dao sắc không gọt được chuôi”, đặc thù công việc khiến thời gian dành cho gia đình của mình bị hạn chế. Đôi lúc áp lực, vất vả quá, mình cũng có dao động. Nhưng rồi mỗi khi cấp cứu thành công một ca bệnh, nhận được lời cảm ơn của bệnh nhân mình lại được tiếp thêm động lực. Nhất là trong giờ phút sinh tử, niềm vui ấy đáng quý lắm.

“Trong nghề thường nói có qua Cấp cứu mới giỏi được, nhưng có dại mới ở lại cấp cứu vì vất vả quá. Công việc ở đây đòi hỏi trên một mức so với khoa lâm sàng về sự nhanh nhẹn, quyết đoán và yêu nghề, thông cảm với bệnh nhân. Không mấy ai yêu nghề vừa vừa mà trụ lại được ở Khoa Cấp cứu. Với bác sĩ nữ, đó còn là sự hy sinh rất đáng trân trọng” - BS Khiêm bộc bạch.

Hạnh phúc khó diễn tả bằng lời

Đến giờ, có một kỷ niệm mà BS Quỳnh Anh không thể nào quên, mỗi lần nhắc tới vẫn thấy xúc động. Kỷ niệm ấy diễn ra đúng vào đêm 30 Tết Nhâm Dần 2022. 

“Khi đó mình đang cố định tay bị gãy cho một bác bệnh nhân, thì có một chị đưa bố vào viện cấp cứu trong tình trạng ngừng tim. Chị ấy khóc rất nhiều vì lo sợ, vì ân hận rằng không đưa bố vào từ sáng khi ông có biểu hiện đau tức vùng ngực. Kíp bác sĩ và điều dưỡng hôm đó cũng có 6 người, tất cả cùng nhau dồn sức, người ép tim, người lấy thuốc, người đặt đường truyền dịch, máy móc… Áp lực với cả kíp khi ấy rất lớn vì tình trạng bệnh nhân vô cùng xấu, tiên lượng nặng, tỷ lệ cấp cứu thành công rất thấp. Chưa kể bên ngoài con gái bệnh nhân khóc rất nhiều. May mắn và nhờ nỗ lực của cả kíp, sau 15 phút ép tim, hồi sức, bệnh nhân đã có mạch trở lại. Nhìn lên đồng hồ thấy vẫn chưa qua Giao thừa, mọi người ai cũng thở phào, nghẹn ngào xúc động. Quả thật, nếu hôm đó bệnh nhân không qua khỏi, đó chắc chắn sẽ là đêm Giao thừa và cũng là cái Tết rất buồn với tất cả anh chị em trong khoa. Nhưng điều đó đã không xảy ra” - BS Quỳnh Anh nhớ lại.

Tết của bác sĩ... trực cấp cứu - ảnh 2
 BS. Hoàng Quỳnh Anh (ngoài cùng bên phải) cấp cứu cho một bệnh nhân cao tuổi.    Ảnh NVCC

Hay trường hợp có một cụ già vào viện trong tình trạng không đi lại được, chất lượng cuộc sống không còn, mọi thứ xem như chấm hết. Tết hay ngày gì cũng chẳng còn vui vẻ nữa. Nhưng sau một thời gian được chăm sóc, điều trị tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân đi lại được, đôi chân dần phục hồi, đến khi sức khỏe ổn định còn quay trở lại khoa để thăm, nói lời cảm ơn bác sĩ. Những giá trị ấy là không thể đong đếm được, là động lực để các bác sĩ nuôi dưỡng lòng yêu nghề, nỗ lực hơn với công việc. Và ngày Tết, niềm vui, niềm hạnh phúc càng được nhân lên.

Với các nữ bác sĩ, điều dưỡng cũng vậy, sở dĩ gắn bó được với khoa Cấp cứu chính bởi những giá trị đặc biệt ấy. Như chia sẻ của BS Quỳnh Anh: Nghề y phải yêu nghề, yêu bệnh nhân mới làm và vượt qua được. Càng khó khăn, vất vả, mình càng phải nâng tình yêu và đề cao tính nhân văn của nghề lên thêm một chút nữa. Nếu chỉ xác định nghề y là một nghề để kiếm sống như bao nghề khác, thì đương nhiên, theo quy luật của cuộc sống, sẽ chẳng mấy ai muốn làm công việc vất vả như ở Khoa Cấp cứu. 

“Nhiều khi trong những lúc rảnh rỗi, các bác sĩ cũng hay ngồi với nhau, tâm sự về công việc của mình, nhưng chẳng mấy khi than phiền vì ai cũng xác định rõ trách nhiệm của bản thân. Càng khó khăn càng phải đoàn kết, sẻ chia. Và Tết là dịp để sự gắn kết ấy thêm bền chặt” - BS Quỳnh Anh nói. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...