Tiền mất, tật mang vì… thực phẩm chức năng

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Không thể phủ nhận vai trò của thực phẩm chức năng (TPCN) với sức khỏe con người. Tuy nhiên, làm sao để TPCN phát huy được lợi ích, thị trường TPCN đi vào hoạt động hiệu quả thực chất lại là một bài toán khó. Để giải quyết cần có sự vào cuộc và nỗ lực của tất cả các ban, ngành, doanh nghiệp và người dân, với giải pháp đồng bộ từ quy định pháp lý tới công tác sản xuất, tiền kiểm, hậu kiểm, thanh kiểm tra...

Tiền mất, tật mang vì… thực phẩm chức năng  - ảnh 1
Lực lượng chức năng kiểm tra, thu hồi nhiều sản phẩm TPCN kém chất lượng Ảnh: TTXVN

Luật phải theo kịp thực tế
Nhận định về thị trường TPCN hiện nay, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay: TPCN là một sản phẩm vô cùng phổ biến, được quảng cáo, mua bán rất nhiều trên thị trường. Quản lý lĩnh vực này, từ năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thực phẩm (bổ sung năm 2018), trong đó có đề cập đến công tác quản lý TPCN nhưng việc kiểm tra, xử lý không hề dễ dàng, bởi chưa có Nghị định hướng dẫn.

Ngoài ra, pháp luật cũng có các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh TPCN như: Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, mức xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh thực phẩm chức năng chưa đủ sức răn đe so với mức lợi nhuận khổng lồ các doanh nghiệp kiếm được.

“Để tự bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng nên tìm hiểu và biết cách tận dụng các quy định của pháp luật. Căn cứ khoản 2, Điều 9, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng có nghĩa vụ thông tin cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
 
Theo Điều 80 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Quản lý thị trường, Công an nhân dân, Thanh tra... Như vậy, khi phát hiện ra những sai phạm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm chức năng, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình cũng như ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân này, người tiêu dùng cần thông tin kịp thời đến những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt trên” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng phân tích.
 

Bởi vậy, vì lợi nhuận, nhiều đơn vị, cá nhân kinh doanh bất chấp bị xử phạt để sản xuất sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm có hại, không đúng với tiêu chuẩn đã công bố. Một số sản phẩm khi kiểm tra trên thị trường có thành phần, tỷ lệ không giống tiêu chuẩn công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, thậm chí chứa những chất gây hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Không ít doanh nghiệp lợi dụng các nền tảng mạng xã hội chưa được quản lý chặt chẽ để quảng cáo, bán sản phẩm chưa được công bố, sản phẩm là TPCN nhưng chưa được kiểm tra, kiểm nghiệm; sử dụng hình ảnh dược sĩ, bác sĩ, bộ đội, công an, tạo niềm tin với người dùng để tuồn bán sản phẩm kém chất lượng với mức giá “trên giời”… nhưng thường chỉ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt thấp cùng biện pháp bổ sung là gỡ bỏ nội dung quảng cáo.

“Do đó, các nhà làm luật cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về TPCN như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh quảng cáo quy định Điều 26 Luật Quảng cáo năm 2012 không chỉ bó hẹp bởi hình thức ghi âm, ghi hình; quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, ghi nhãn sản phẩm. Bởi lẽ, cùng với sự phát triển công nghệ số vượt bậc như hiện nay, việc các hình thức quảng cáo TPCN ngày càng trở nên đa dạng, tinh vi, tập trung chính là yếu tố đánh vào quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Nhưng một số hình thức quảng cáo chưa nằm trong phạm vi điều chỉnh khiến công tác quản lý, phát hiện hành vi sai trái trong hoạt động kinh doanh TPCN rất khó được kiểm soát. 

Đồng thời, chế tài xử lý vi phạm cần điều chỉnh theo hướng nghiêm khắc hơn, mang tính răn đe, mức tiền phạt cao và quy định biện pháp khắc phục hậu quả; xem xét truy cứu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, biện pháp buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp do thực hiện hành vi phát hành tài liệu, ấn phẩm, thông tin, truyền thông về thực phẩm chức năng không chính xác, không đúng sự thật” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng kiến nghị.

Nâng cao ý thức của người dân, tránh tiếp tay “làm loạn” thị trường TPCN
Nhằm quản lý thị trường TPCN, đặc biệt vấn nạn hàng giả, hàng nhái, những năm qua các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều kế hoạch để tăng cường, phát hiện, xử lý gian lận thương mại.

Tuy nhiên, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, sản xuất, buôn bán hàng giả là TPCN nói riêng dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân, thành lập công ty liên danh, liên kết trong và ngoài nước, hình thành đường dây, ổ nhóm lớn để sản xuất và buôn bán hàng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. 

Đề xuất tại hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Hiện trạng và giải pháp”, ông Trần Đức Đông - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nêu ý kiến: Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán hàng giả, trong đó có sản phẩm TPCN, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng cần chủ động phối hợp, nắm tình hình, nhận diện vấn đề phức tạp, xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả. Đặc biệt, nâng cao ý thức toàn dân là một giải pháp hữu hiệu trong việc hỗ trợ cơ quan thực thi nhiệm vụ. 

Theo quy định, từ 1/7/2019, cơ sở sản xuất TPCN phải đạt tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành tốt) mới được tiếp tục sản xuất. Đây là bước để thanh lọc, loại trừ những cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, thực tế thị trường TPCN vẫn rất “bát nháo” mà một phần nguyên nhân đến từ thói quen tiêu dùng, mua thuốc không theo đơn, mua hàng online, dùng sản phẩm theo lối truyền miệng của đại bộ phận người dân.

Để đảm bảo an toàn, theo tư vấn của nhiều chuyên gia, trước khi quyết định chọn mua và sử dụng loại TPCN nào, người tiêu dùng nên đặt ra một số câu hỏi: Thành phần mang lại hiệu quả chức năng của sản phẩm là gì, có sẵn tự nhiên trong thực phẩm hay do bổ sung vào? Hiệu quả của sản phẩm ra sao, có nghiên cứu nào xác nhận lợi ích này không? Nhà sản xuất có phải là một công ty có tiếng tăm tốt, đáng tin cậy không? Trên nhãn có ghi hàm lượng các thành phần trong thực phẩm là bao nhiêu không? Thành phần bổ sung vào thực phẩm thế nào, có những thực phẩm nào ảnh hưởng đến sự hấp thu thành phần chức năng này không? Đặc điểm dinh dưỡng của TPCN có phù hợp với mục tiêu sức khỏe mà người sử dụng mong muốn không? So sánh giá cả của TPCN với thực phẩm thông thường, giá có tương xứng với thành phần chức năng mang lại lợi ích cho người sử dụng không?

Đặc biệt người tiêu dùng cần có kiến thức để phân biệt TPCN chính hãng và hàng giả, hàng nhái. Về phương pháp, đại diện Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam khuyên rằng, cách phân biệt phổ biến nhất là qua mã vạch. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần quét mã UPC của TPCN các thông tin của sản phẩm sẽ hiện ra rõ ràng. Sản phẩm chính hãng sẽ có tem chống hàng giả.

Nếu là hàng chính hãng nhập khẩu có tem phụ ghi rõ đơn vị nhập khẩu và tem chống hàng giả do Bộ Công an cấp. Đồng thời, sản phẩm phải qua kiểm duyệt của cơ quan chức năng và hợp pháp về tiêu chuẩn được phép lưu thông trên thị trường; không nên mua theo đường xách tay, vì không thể đảm bảo nguồn gốc TPCN, rất khó để có người đứng ra chịu trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ngành y tế Hà Nội dự kiến hiến tặng 1.800 đơn vị máu trong năm 2024

Ngành y tế Hà Nội dự kiến hiến tặng 1.800 đơn vị máu trong năm 2024

(PNTĐ) - Theo kế hoạch phối hợp của Sở Y tế và Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, dự kiến trong năm 2024, các cán bộ, viên chức, người lao động đang công tác tại các đơn vị y tế thành phố sẽ tham gia hiến máu tình nguyện theo 2 đợt; số lượng hiến dự kiến là 1.800 đơn vị máu. Thông điệp của chương trình hiến máu năm nay là “Blouse trắng - Trái tim hồng”, “Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống”.
Hiểu biết về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt

Hiểu biết về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt

(PNTĐ) - Ngày Thalassemia thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 8/5, là  cơ hội để giúp những người mắc bệnh này sống khỏe mạnh hơn, lâu hơn và hiệu quả hơn thông qua chia sẻ kiến thức, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức có mục tiêu và giáo dục chất lượng về bệnh Thalassemia.
​  Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

​ Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

(PNTĐ) - UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn về tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. Theo đó, để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, Sở Y tế theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch trên địa bàn thành phố; có giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại; tham mưu UBND thành phố các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố kịp thời, phù hợp, không để dịch lây lan, bùng phát.