Kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2023)

“Trái tim hồng” sau tấm blouse trắng

Bài và ảnh: THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Những năm gần đây, câu chuyện “chảy máu chất xám” nhân lực ngành y vẫn luôn khiến nhiều người trăn trở. Đâu đó có nhân viên y tế nghỉ việc vì lương thấp, hay dịch chuyển từ khu vực này sang khu vực khác. Nhưng vẫn còn rất nhiều y bác sĩ đang tận hiến, gắn bó với nghề bằng tất cả đam mê, tâm huyết, trách nhiệm…

Nữ bác sĩ 25 năm đau đáu với nghề
Nằm cách trung tâm huyện Ba Vì (Hà Nội) hơn 2km, Minh Châu thường được gọi với tên “xã đảo”, vì là xã duy nhất của thành phố Hà Nội nằm ở bãi giữa sông Hồng. Từ trung tâm huyện, muốn tới Trạm Y tế (TYT) xã Minh Châu buộc phải lên đò, qua sông. Buổi ngày, do phục vụ việc đi lại của học sinh và người dân, đò tương đối nhiều chuyến; nhưng càng về tối số chuyến càng thưa thớt. Cũng bởi điều kiện đi lại khó khăn nên bao năm qua, TYT xã là nơi người dân tìm đến đầu tiên nếu gặp bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe. Và, trong câu chuyện của bà con nơi đây khi kể về TYT, ai cũng vui vẻ nhắc tới BS Lê Thị Lộc (SN 1977) - BS hạng III, Trạm trưởng TYT xã.


Năm 1999, sau khi tốt nghiệp y sĩ sản nhi tại Trung cấp Y Hà Tây, BS Lộc lựa chọn trở về làm việc tại Minh Châu. Từ những ngày đầu thực tập không lương, đến nay, BS Lộc đã có 25 năm gắn bó, tâm huyết với TYT xã, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của Trạm cùng nỗ lực từng giờ của mỗi nhân viên y tế nơi đây. 

Kể lại những ngày đầu tiên ấy, BS Lộc tâm sự: “Thời điểm tôi về Trạm, ở đây mới có 4 cán bộ y tế. Lúc ấy điện còn chưa có, đỡ đẻ vẫn phải dùng đèn dầu, đèn pin, nhà nào lịch sự lắm thì có đèn măng-xông; nước kéo từ giếng lên chứ không sẵn vòi xả như bây giờ”.

Sau này, tới năm 2003, chị thi đỗ Y Thái Bình và được TYT tạo điều kiện để đi học, nâng cao trình độ chuyên môn. Đến 2007 chị tốt nghiệp. Thời điểm đó, nhiều bạn bè cùng khóa ngỏ ý rủ và khuyên chị nên tìm kiếm cơ hội việc làm ở thành phố hay khu vực trung tâm, nơi có điều kiện kinh tế phát triển hơn.

 “Quả thật cơ hội có nhưng bản thân tôi luôn tâm niệm rằng mình sinh ra và lớn lên ở xã đảo, gắn bó và hiểu rõ hơn ai hết mọi khó khăn của người dân nơi đây. Bây giờ, gia đình, người dân quê mình đang rất thiếu, rất cần bác sĩ. Nếu mình là công dân địa phương còn không muốn trở về, lại chuyển đi phục vụ người nơi khác… thì không nỡ, mà nếu đi chắc hẳn sẽ rất day dứt” - BS Lộc tâm sự.

Nhưng trở về đồng nghĩa với việc BS Lộc phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi TYT thiếu thốn mọi thứ, từ nhân lực tới vật lực; trong khi thu nhập của nhân viên y tế cơ sở còn hạn chế. Chưa kể Minh Châu là địa phương có những vấn đề tương đối đặc thù, thậm chí phức tạp do có nhiều người dân trước đó đi đãi cát, tìm vàng, lúc về lại trở thành con nghiện, người bệnh HIV. Việc theo dõi, điều trị, quản lý những người này là một thử thách lớn nhưng cũng không làm khó được một bác sĩ tận tâm, tận hiến như chị.

“Trái tim hồng” sau tấm blouse trắng - ảnh 1
BS Lê Thị Lộc kiểm tra sức khỏe cho người dân tại TYT xã Minh Châu.

BS Lộc kể: “Nhiều lúc vui tôi vẫn hay nói tếu rằng, mình quá nể mình khi sáng nào cũng vậy, mở mắt ra là được đón tiếp hơn 30 “anh hùng hảo hán” một thời - những người từng nghiện ma túy, nay đang điều trị bằng cách uống methadone thay thế đều đặn mỗi ngày tại TYT xã. Ban đầu mọi người cũng ngại, chúng tôi phải đến từng nhà vận động, ngày nào cũng nhắn tin động viên, hỏi han. Vừa cổ vũ tinh thần, vừa phải cẩn thận theo dõi diễn biến sức khỏe, dò từng liều thuốc cho phù hợp với mỗi người… Ngày trước nếu gặp họ ngoài đường, có khi mình phải né, khép nép đi qua vì sợ. Nhưng bây giờ, họ đã trở về như một người bình thường; biết chăm lo, yêu thương gia đình, vợ con; lao động, kiếm tiền chân chính và sống có ích cho xã hội. Minh Châu nhờ vậy không còn ám ảnh với nạn trộm cắp như trước, an ninh trật tự được tăng cường, an sinh xã hội của xã cũng ngày một tốt hơn. Mình cũng thấy vui vì đã cống hiến được chút sức mọn, là công dân có ích của quê nhà”.

Và bao nhiêu năm qua, BS Lộc vẫn rất tâm huyết với nghề. 25 năm gắn bó với Trạm là từng ấy năm chị đau đáu làm sao để quyền lợi và sức khỏe của người dân trong xã được đảm bảo, có điều kiện khám chữa bệnh như các địa phương khác.
 

Xuyên suốt câu chuyện của mình, BS Lộc nhắc đi nhắc lại về những mong muốn ấp ủ bấy lâu nay: “Tôi chỉ mong TYT được quan tâm hơn, có nhiều hơn bác sĩ chuyên khoa ở các bệnh viện về tăng cường, khám chữa bệnh cho bà con; hoặc TYT xã có thêm những khóa đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn; tốt hơn nữa là bổ sung chỉ tiêu biên chế cho TYT xã vì lực lượng y bác sĩ của Trạm quá mỏng; đích đến cao nhất là chất lượng sống, sức khỏe cho người dân”.

Nỗ lực đem tới “nụ cười trọn vẹn” cho trẻ thơ
Cũng là nguyện vọng mang tới những điều tốt đẹp cho bệnh nhân nhưng mối lương duyên gắn bó với nghề y lại đưa BS Nguyễn Trung Nghĩa (SN 1988) đến với khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba. Đó là nơi anh được thực hiện ước mơ đem tới nụ cười trọn vẹn cho những trẻ em không may bị hở môi hàm ếch, dị tật vòm miệng.


“Trái tim hồng” sau tấm blouse trắng - ảnh 2
BS Nguyễn Trung Nghĩa (bên trái) trong một ca phẫu thuật “tìm lại nụ cười” cho bệnh nhi dị tật môi, vòm miệng.

BS Nghĩa tâm sự: “Bố tôi cũng là một bác sĩ phẫu thuật hàm mặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba. Lúc nhỏ, khi mới 6-7 tuổi tôi thường được theo chân bố tới viện. Thời ấy, nhìn các bạn nhỏ như mình bị hở môi hàm ếch, tôi chưa hiểu gì nhiều, chỉ thấy rất thương các bạn. Nhưng sau này lớn lên, những hình ảnh ấy vẫn vướng vít không nguôi trong tâm trí. Vì vậy, khi có duyên đi theo ngành y, tôi đã rất trăn trở và từng nói với bố rằng mình muốn giống như ông, giúp được nhiều trẻ em khắc phục những khuyết tật không may trên gương mặt, để không còn nỗi lo, sự tủi hờn”.

Đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba đã có hơn 30 năm triển khai các chương trình phẫu thuật nụ cười nhân đạo, miễn phí. Trung bình mỗi năm bệnh viện thực hiện 4-5 chương trình, đợt đông nhất lên đến hơn 100 bệnh nhân. Trong hành trình ấy, BS Nghĩa đã tham gia 30 chương trình. Điều khá đặc biệt ở anh là không chỉ chịu khó cóp nhặt kỹ năng, kiến thức chuyên môn qua từng ca mổ, anh còn rất tỉ mỉ, để tâm tới từng hoàn cảnh của mỗi bệnh nhân khi họ đến với mình. 

Đau đáu với mong ước ấy nên từ khi chính thức làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, không chỉ hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện, hiến máu nhân đạo mà với tâm thế một hậu bối sau rất nhiều đời của khoa Phẫu thuật hàm mặt, BS Nghĩa đã nỗ lực không ngừng để học hỏi từ những người thầy, người anh trong lĩnh vực tạo hình, răng hàm mặt, thẩm mỹ có trình độ cao, không ngại khó ngại khổ, hăng hái xin tham gia các chương trình mổ nhân đạo cho trẻ em. 

 “Trong các ca mổ được tham gia, tôi hay kể với đồng nghiệp câu chuyện về gia cảnh của những người bệnh đang nằm trên bàn phẫu thuật. Có anh chị từng tò mò hỏi rằng sao tôi biết tường tận về cuộc sống của bệnh nhân như vậy. Sở dĩ tôi tìm hiểu vì muốn được thấu hiểu, sẻ chia với bệnh nhân của mình, ngoài giúp đỡ về chuyên môn, biết đâu còn có thể hỗ trợ họ về vật chất, động viên về tinh thần. Bởi hầu hết những người đến với chương trình phẫu thuật nhân đạo đều có hoàn cảnh khó khăn, mỗi gia đình lại là một câu chuyện khác nhau” - BS Nghĩa chia sẻ.

Để rồi chính nhờ sự gần gũi, sẻ chia ấy đã góp phần lan tỏa, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn biết tới chương trình phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em hở hàm ếch của bệnh viện. Một trong số đó là những em bé ở Mèo Vạc, Hà Giang. Vào một ngày đẹp trời của năm 2022, thông qua giới thiệu từ bạn bè, chị Phạm Thị Nhan - một nhà từ thiện người bản địa đã gọi tới số điện thoại của BS Nghĩa, chia sẻ về một số cháu bé người Mông bị dị khe hở môi, khe hở vòm tại Mèo Vạc. Không lâu sau cuộc gọi kết nối, một chuyến xe thiện nguyện đầy hy vọng đã đưa các bé từ những xã vùng cao như Tà Lùng, Lùng Chinh, Sơn Vĩ ở Mèo Vạc, Hà Giang tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba phẫu thuật, bắt đầu hành trình dài tìm lại nụ cười trọn vẹn.

“Hành trình ấy hẳn vô cùng gian nan với nhiều ông bố, bà mẹ và cả các cháu. Nhưng ngày ra viện, nhìn vào đôi mắt những đứa trẻ và cả bố mẹ chúng, thấy được trong đó ngập tràn niềm vui, hy vọng về sự đổi thay của một cuộc đời sau này, tôi và các bác sĩ của viện hiểu và tự hào rằng hành trình ấy đã thành công. Và đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc, động lực để chúng tôi - những người khoác trên mình tấm áo blouse trắng tâm huyết hơn với nghề, tiếp tục nỗ lực cống hiến với ước muốn được chăm sóc, giúp đỡ thêm nhiều người bệnh khó khăn” - BS Nghĩa trải lòng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Quận Thanh Xuân tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số

Quận Thanh Xuân tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số

(PNTĐ) - Mới đây, Ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển quận Thanh Xuân đã tổ chức Điểm tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số và Kỷ niệm 63 năm ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2024) với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”.
Vụ cháy quán cà phê tại Hà Nội:  2 nạn nhân phải chuyển vào khu hồi sức đặc biệt

Vụ cháy quán cà phê tại Hà Nội: 2 nạn nhân phải chuyển vào khu hồi sức đặc biệt

(PNTĐ) - Ghi nhận tại bệnh viện E, trong số 4 bệnh nhân sau vụ cháy được đưa đến, hiện có 2 bệnh nhân nữ đã được chuyển vào khu hồi sức đặc biệt. Hai người này có dấu hiệu khó thở, nghi ngờ ngộ độc khí CO2 và đang được kiểm tra để xác định xem có bị bỏng đường hô hấp hay không.