Hà Nội: Nửa đêm, cứu 9 người mắc kẹt trong đám cháy

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sự việc xảy ra vào khoảng 23h16 ngày 23/7/2022 tại căn nhà số 433 đường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Các lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã giải cứu thành công 9 người mắc kẹt trong đám cháy đến nơi an toàn.

Theo thông tin từ Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), khoảng 23h16 ngày 23/7/2022, đơn vị nhận tin báo cháy từ Trung tâm 114 cho biết, tại số 433 đường Xuân Đỉnh (thuộc phường Xuân Đỉnh) đã xảy ra một đám cháy nên đã xuất 1 xe chỉ huy, 2 xe chữa cháy đến hiện trường. Cùng lúc đó, Trung tâm 114 cũng đã điều thêm 2 xe chữa cháy thuộc Đội Phòng cháy chữa cháy, Công an quận Tây Hồ đến chi viện, giúp sức.

Hà Nội: Nửa đêm, cứu 9 người mắc kẹt trong đám cháy - ảnh 1
Hiện trường đám cháy

Tại hiện trường, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phát hiện, điểm cháy xuất phát từ khu bếp của phòng 301, tầng 3 của tòa nhà. 

Ngay lập tức, các cán bộ, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy đã cùng người dân triển khai bình bột dập tắt đám cháy, đồng thời, cử cán bộ chiến sĩ đeo bình thở, mở lối thoát khói tiếp cận sân thượng, hỗ trợ và hướng dẫn 9 người trong nhà ra ngoài an toàn. 

Thời điểm nắng nóng, các vụ cháy nổ thường xuyên xảy ra do sự bất cẩn của người dân. Theo thống kê, tính đến ngày 14/6, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 206 vụ cháy, 12 người chết, 10 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 5,6 tỷ đồng. Loại hình xảy cháy là nhà dân đơn lẻ, nhà kho, xưởng sản xuất, hộ gia đình kết hợp kinh doanh. Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố, hệ thống thiết bị điện (133 vụ), chiếm 64,56%.

Để đảm bảo an toàn cháy, nổ hạn chế tối đa số vụ cháy, nổ, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra, Công an thành phố Hà Nội đã khuyến cáo các hộ gia đình thực hiện các biện pháp phòng chống cháy nổ tại nhà như thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn.

Hà Nội: Nửa đêm, cứu 9 người mắc kẹt trong đám cháy - ảnh 2
Các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ mở lối thoát khói, giải cứu người dân đang mắc kẹt trong đám cháy đến nơi an toàn

Các gia đình không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy; không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở; ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.

Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ, gia chủ cần phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Đặc biệt, Công an TP Hà Nội khuyến cáo các hộ gia đình không tự ý lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn để thoát nạn an toàn khi có cháy.

Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho cảnh sát PCCC 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến...

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.