Nỗ lực giúp phụ nữ khởi nghiệp thành công sau đại dịch

Chia sẻ

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế trong nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, trong đó có các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Sự vào cuộc của các cấp Hội Phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hiện thực hoá các ý tưởng kinh doanh, hình thành nhiều hơn các tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý… là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp, đưa đất nước vượt qua đại dịch.

Phóng viên Tuần san Đời sống Gia đình có buổi trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm phát triển phụ nữ Hà Nội, Hội LHPN Hà Nội về vấn đề hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sau đại dịch Covid-19.

Thưa bà, phụ nữ khởi sự kinh doanh thường vấp phải những khó khăn, trở ngại gì, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 như hiện nay?

Khởi nghiệp là một chặng đường gian nan, thử thách, đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và tư duy kinh doanh của người làm chủ. Đối với phụ nữ, khi bắt đầu khởi nghiệp, họ gặp nhiều khó khăn, trở ngại hơn. Đa số các doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô nhỏ và vừa hoặc quy mô hộ gia đình, vì vậy khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Bên cạnh đó, với đặc tính giới, phụ nữ cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong việc hiện thực hoá ý tưởng kinh doanh. Những định kiến tồn tại lâu đời trở thành “vật cản” đối với phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh. Quan niệm phụ nữ là “chân yếu tay mềm”, là “hậu phương lớn” của gia đình đã đặt gánh nặng lên vai của phụ nữ, khiến họ hạn chế cơ hội kinh doanh. Cũng từ quan niệm này mà nhiều phụ nữ thiếu động lực và môi trường để khuyến khích ý tưởng và hiện thực hoá ý tưởng kinh doanh của mình. Phụ nữ thiếu cơ hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, khó có cơ hội được đào tạo hay giao lưu, học hỏi do gánh nặng gia đình, sinh con.

Các nữ doanh nhân cùng ấn nút khởi động diễn đàn “Phụ nữ làm được – Women can do”   Ảnh: Quỳnh AnhCác nữ doanh nhân cùng ấn nút khởi động diễn đàn “Phụ nữ làm được – Women can do” Ảnh: Quỳnh Anh

Thậm chí, trên chặng đường đầu tiên của khởi nghiệp, phụ nữ còn phải đối mặt với khó khăn về vốn. Đa số phụ nữ ít được tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, trong đó nguyên nhân chủ yếu là không có tài sản thế chấp do không đứng tên trong các tài sản của gia đình…

Đặc biệt, trong hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hộ sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp do nữ làm chủ phải trải qua “cơn bão táp” hết sức nặng nề. Dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cùng lúc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: Sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí khác; Hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường; Hàng hoá sản xuất không tiêu thụ và xuất khẩu được. Các vấn đề về thiếu hụt vốn, thiếu hụt nguyên liệu sản xuất cũng là một khó khăn lớn, đặc biệt là nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu… Mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng và kéo dài, nhiều nguy cơ xấu có thể xảy ra, khả năng phá sản của các doanh nghiệp càng cao…

Đứng trước khó khăn chung, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ đã có những thay đổi như thế nào để thích ứng với xu thế, tình hình mới, thưa bà?
Hầu hết, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô nhỏ và rất nhỏ, nhiều phụ nữ chỉ làm chủ sản xuất kinh doanh nhỏ theo hình thức hộ gia đình. Thậm chí, nhiều chị em trong lĩnh vực sản xuất lâu năm, làng nghề nhưng lại chưa mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Một số chủ cơ sở sản xuất đã tạo được thương hiệu sản phẩm trên thị trường, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, song lại không đủ tự tin để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất. Điều này đã tạo ra hạn chế rất lớn cho chị em như tư cách pháp nhân chưa rõ rệt, niềm tin của khách hàng vào sản phẩm chưa cao. Đặc biệt, thói quen kinh doanh truyền thống, mình bán hàng và khách hàng tìm đến mình đã “ngấm” vào tư duy của một số chị em, khiến họ ngại thay đổi, khó thích nghi với điều kiện mới.

Trong sự chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế số, chị em phụ nữ Thủ đô có điều kiện thuận lợi hơn các địa bàn khác là cơ hội tiếp cận nhanh chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, được trang bị các ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu, chị em đã phát huy tính sáng tạo, chủ động trong mọi lĩnh vực, thay đổi phương pháp quản lý gia đình, giáo dục con, khắc phục khó khăn và ổn định cuộc sống.

Các chị em là chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh đã nghiêm chỉnh chấp hành công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, tham gia các chương trình thiện nguyện, tổ chức bếp ăn phục vụ tuyến đầu và khu cách ly, tổ chức các hoạt động hỗ trợ các F0, F1 có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm đến gia đình các chiến sỹ tuyến đầu, phát huy sức mạnh đoàn kết trong công tác truyền thông đa phương tiện làm thay đổi nhận thức cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19.

Trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều nữ chủ doanh nghiệp đã phát huy tính chủ động sáng tạo, tích cực chuyển đổi kinh doanh để phù hợp với nhu cầu khách hàng như: Chuyển đổi từ may thời trang sang đồ bảo hộ lao động, khẩu trang; Một số chị em đẩy mạnh phát triển nông sản sạch, rau hữu cơ, hình thành các chuỗi combo sản phẩm giao tận nhà… Từ kinh doanh truyền thống, phụ nữ đã nắm bắt xu thế, tự học hỏi, trang bị kiến thức và kỹ năng số để ứng dụng công nghệ, chuyển đổi thương mại điện tử, phát triển và xây dựng lượng khách hàng trên nền tảng số bền vững. Các chị cùng nhau tạo ra các group nhóm tương tác, hỗ trợ kỹ năng bán hàng, hợp tác phát triển…

Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, Hội LHPN TP Hà NộiBà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, Hội LHPN TP Hà Nội

Thời gian vừa qua, Hội LHPN Hà Nội và Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đã có những hoạt động gì để thúc đẩy, tạo đà cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, duy trì sản xuất, kinh doanh?

Hội LHPN TP Hà Nội đã tham mưu ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Thành Hội hướng dẫn 30/30 quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các nội dung thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp” gắn với thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do TW Hội LHPN Việt Nam và thành phố chỉ đạo. Sau gần 4 năm, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã có nhiều hoạt động, thúc đẩy và hỗ trợ thiết thực giúp trên 2.000 phụ nữ tự tin khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Nhiều mô hình được Hội LHPN triền khai như: Thành lập 15 Hợp tác xã, 70 tổ, nhóm liên kết với 2.120 thành viên tham gia, qua đó tạo sự kết nối hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khời nghiệp hiệu quả. Nhờ đó, nhiều chị em đã vươn lên sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn hơn, từ 1 doanh nghiệp gia đình đã phát triển thành 3-4 cơ sở sản xuất. Có chị em còn rụt rè băn khoăn nhưng được sự giúp đỡ của Trung tâm đã thành công vượt trội…

Đặc biệt, năm 2021, Trung tâm đã triển khai diễn đàn “Phụ nữ làm được – Women can do”. Đây là diễn đàn đào tạo, nâng cao năng lực, ứng dụng chuyển đổi số, tiếp cận thương mại điện tử, kết nối chị em phụ nữ đã thành công và chị em mới khởi nghiệp vượt qua khó khăn để khẳng định mình. Tại diễn đàn, chị em khởi nghiệp được đào tạo tập huấn để xây dựng sản phẩm có thương hiệu, tự tin, tự chủ trong cuộc sống và kinh doanh; Giới thiệu, quảng bá, lan toả sản phẩm của mình bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến đến người tiêu dùng… Các chị em còn được học hỏi kiến thức đời sống như: Làm đẹp, kỹ năng quản lý và sắp xếp quỹ thời gian, xây dựng hạnh phúc gia đình… từ đó xây dựng hình mẫu của người phụ nữ thành đạt và hiện đại trong cuộc sống. Tôi hy vọng, với những nỗ lực hỗ trợ đó, phụ nữ sẽ tự tin trên con đường khởi nghiệp kinh doanh của mình.

Xin cảm ơn bà!

HỒNG NHUNG (t/h)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.