Có được yêu cầu chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi?

Chia sẻ

Câu hỏi
Cách đây 14 năm,vợ chồng tôi do quá khó khăn về kinh tế nên phải cho con gái 7 tháng tuổi làm con nuôi anh chị B (có đăng ký việc cho nhận con nuôi tại UBND xã). Thời gian gần đây, tôi nhận được phản ánh của hàng xóm anh chị B về việc họ có hành vi phân biệt đối xử với con gái tôi như con ở. Cụ thể là không cho con gái tôi đi học đã 3 năm nay để ở nhà làm việc (trong khi cháu rất muốn đi học và học khá), còn con đẻ của họ thì vẫn được đi học bình thường. Tôi đã đến tận nơi và xác minh thông tin mà người hàng xóm cung cấp là hoàn toàn chính xác. Xin hỏi, vợ chồng tôi muốn yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi thì có được giải quyết không? Nếu được, chúng tôi phải đến đâu để đề nghị giải quyết?

Nguyễn Thị Dư (xã Yên Bà, Ba Vì)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời

Điều 25 Luật Nuôi con nuôi quy định căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi như sau:
“ Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi.

2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi.

3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi.

4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này”.

Điều 13 Luật Nuôi con nuôi quy định các hành vi bị cấm như sau:

“1. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.

2. Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.

3. Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.

4. Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.

5. Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

6. Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.

7. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.

Tại khoản 1, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi quy định hệ quả của việc nuôi con nuôi:

“1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Mặt khác, tại khoản 3, Điều 68, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “3. Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật Nuôi con nuôi, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan”.

Điều 69, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau:

“1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”.

Như vậy, theo quy định này thì vợ chồng anh chị có quyền yêu cầu chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi giữa vợ chồng anh chị B với con gái của anh chị (thuộc trường hợp “Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi” quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Nuôi con nuôi).

Về thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi được quy định tại Điều 10 Luật Nuôi con nuôi: “Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Theo đó, vợ chồng anh chị có thể đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ chồng anh B cư trú để đề nghị xem xét, giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Về hệ quả của việc chấm dứt nuôi con nuôi được quy định tại Điều 27 Luật Nuôi con nuôi, cụ thể như sau:

“1. Quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định chấm dứt nuôi con nuôi của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Trường hợp con nuôi là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động thì Tòa án quyết định giao cho cha mẹ đẻ hoặc tổ chức, cá nhân khác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục vì lợi ích tốt nhất của người đó.

3. Trường hợp con nuôi được giao cho cha mẹ đẻ thì các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đẻ đã chấm dứt theo quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật này được khôi phục.

4. Trường hợp con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản đó; nếu con nuôi có công lao đóng góp vào khối tài sản chung của cha mẹ nuôi thì được hưởng phần tài sản tương xứng với công lao đóng góp theo thỏa thuận với cha mẹ nuôi; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

5. Con nuôi có quyền lấy lại họ, tên của mình như trước khi được cho làm con nuôi”.

BÁO PHỤ NỮ THỦ ĐÔ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.