Chàng rể ghét nhà vợ, con gái biến “bồ hòn” thành... kẹo lạc

Chia sẻ

Quý lấy Nụ đã gần chục năm và có hai mặt con nhưng anh “ghét cay, ghét đắng” nhà vợ mà không ai biết lý do cụ thể. Các anh của Nụ thương em đành phải nhẫn nhịn và trêu đùa: “Chắc từ đời kiếp xa xưa nào đó, nó có thù sâu với nhà vợ nên kiếp này nó không quên được, kệ nó đi!”.

Nhưng Nụ không cam lòng, sau nhiều lần quyết tâm ly hôn không thành, chị nỗ lực biến cục “bồ hòn” mình đang phải ngậm thành món kẹo lạc khoái khẩu…

Quý yêu thầm Nụ từ thời phổ thông nhưng sau đó hai người chia xa, mỗi người mỗi ngả. Ai cũng trải qua sóng gió trong tình trường rồi mới quay lại bên nhau, gắn kết mối tơ tình thuở “thanh mai trúc mã”. Gặp lại nhau vài bữa là hai gia đình ưng thuận cưới gả. Mọi việc không hề xảy ra điều tiếng hay tạo nên xích mích gì. Tưởng rằng đôi trẻ có phần quá lứa nhanh chóng sòn sòn năm rưỡi hai con có nếp có tẻ là yên ổn mọi đằng, nhưng không hiểu sao, bẵng đi mấy năm lao vào làm ăn, xây nhà xây cửa, con cái đi học đi hành, có thể sum vầy anh em chén chú chén anh thì Quý lại giở chứng ghét cả nhà bên ngoại.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Các anh Nụ vốn hiền lành, chịu khó phấn đấu, nên mỗi cuộc nhậu đều hay ôn nghèo gợi khổ, kể lại chuyện xưa. Mẹ Nụ rất tự hào với các con nên đôi khi trong lúc phấn khích quên khuấy cậu con rể duy nhất trong nhà. Quý rất muốn góp vui nhưng ngại nên chỉ ngồi gật gà gật gù. Kể vậy cũng chẳng phải là lý do bởi bên ngoại luôn đỡ đần vợ chồng Nụ ngay từ những ngày đầu hai người đến với nhau: Cưới xin cũng xúm vào lo từ bàn ghế, phông bạt tới những đồ dùng vật dụng trong phòng cưới bởi Quý độc đinh chỉ có một mình. Sau này hai vợ chồng ra ở riêng, xây nhà xây cửa cũng có một phần nhà ngoại hỗ trợ.

Thế nhưng không hiểu sao ngay cả khi ngồi xem phim truyền hình dài tập Trung Quốc hay hướng dẫn con học lịch sử Việt Nam Quý cũng luôn vin vào các câu chuyện về việc nhà vợ đã cướp ngôi các triều đại hay vợ dấm dúi của nhà khuân cho gia đình hay thường nói xấu chồng sau lưng với mẹ đẻ hoặc không hết lòng với chồng con mà cứ canh cánh nhà mình kiểu: “Có con phải lấy chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng đem cho”.

Ban đầu Nụ ngạc nhiên và nhẹ nhàng phân tích: “Nhà ngoại toàn các anh, có mình em là gái, em có về nhà thì “địch” nhiều hơn người thân vì cả hai chị dâu đều ở cùng mẹ, các anh lại nghe vợ mà mẹ cũng có thiếu gì đâu, nhà ngoại còn lo cho vợ chồng mình đầy đủ, anh làm gì có của nả hay nhà có tiền vàng chĩnh bạc mà em lén lút khuân về”. Quý nghe xuôi tai không nói gì nhưng chẳng hiểu sao hôm sau đi nhậu với bạn bè về lại càu nhàu quặc lại vợ: “Hôm trước em nói anh chẳng có của nả gì là em khinh anh, khinh gia đình anh không bằng nhà em phải không?”. Nụ thấy chồng bị ma men tác động, mặt phừng phừng nên “đấu dịu”. Nhưng cũng chỉ được mấy bữa đầu. Rồi có hôm đi uống rượu về Quý buộc vợ phải bắt lời, Nụ bực bội trong lòng nhưng cố nhẹ nhàng giải thích. Nụ càng nói Quý càng bực rồi lời qua tiếng lại Quý gây chuyện cả đêm. Nụ buồn bực trong lòng, những lần sau, vừa bực vì chồng làm cho mất ngủ, vừa bực vì chồng vô lý, còn đi uống nhiều nên hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt, có bữa Quý còn tí nữa bạt tai Nụ.

Mâu thuẫn căng thẳng dẫn tới ý định chia tay nhau đã đến trong dự định của Nụ. Chị “ra đòn” đầu tiên là bế con về nhà mẹ. Nhưng rồi tình trạng nhà mình cũng chỉ hơn tình cảnh hai vợ chồng một chút. Các anh Nụ không uống rượu nhưng lại gặp những khúc mắc khác và gia đình Nụ cũng nhiều lần phải “ngậm bồ hòn” với các chị dâu, thậm chí là với thông gia. Trong khi đó, các anh Nụ cũng lắm phen làm nhà ngoại “thất điên bát đảo”. Nụ thấy thương mình, thương mẹ và đặc biệt là thương hai đứa con. Mỗi lần Nụ đi là ảnh hưởng tới học hành của lũ trẻ, lại “tay xách nách mang” lỉnh kỉnh, khi đi đã mệt, khi về còn mệt hơn. Các chị dâu ban đầu hưởng ứng, bênh em chồng, sau nhìn cảnh đó cũng oải, sinh hoạt trong nhà đảo lộn, nhà đã đông người ra va - vào chạm lại thêm ba mẹ con cô em nên lần một lần hai rồi lần ba cũng bắt đầu điều này tiếng nọ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nụ biết khó lòng giải quyết tình trạng gia đình mình hiện tại bằng cách trên, cũng không ngay lập tức thay đổi được suy nghĩ của nhà chồng về gia đình mình; hơn thế, một khi đàn ông đã sa đà vào rượu chè sẽ không thôi đi bù khú với bạn được. Nụ nghĩ ra một chiêu, chị quyết định biến cục “bồ hòn” trong mình thành món kẹo lạc khoái khẩu mình vẫn hay ăn. Nụ “nghiên cứu” để chế biến ra những món nhậu vừa ngon - vừa bổ - vừa rẻ và tìm bằng được nơi cất rượu ngon nhưng nồng độ cồn vừa phải. Chị bắt đầu lên kế hoạch để khống chế tài chính một cách hợp lý khiến Quý buộc phải tiết kiệm và tổ chức những bữa ăn cuối tuần để chồng mời bạn bè tới góp vui. Ban đầu Quý không thấy thoải mái mà bạn bè Quý cũng e ngại vì ngồi quán rượu uống rượu “nặng đô” hơn, “vào” hơn lại uống tẹt ga, nói năng thả cửa nhưng ngặt nỗi gặp khó khăn về tài chính, nhất là vào dịp đại dịch, cũng phải hạn chế ra ngoài.

Nụ khéo léo “liên kết” với mấy bà vợ bạn thân của chồng cùng lên kế hoạch để thay đổi bữa và không gian cho các ông chồng khi thay phiên mời nhau qua nhà tụ tập. Dần dần thành ra mấy nhà thân thiết, có gì cùng trao đổi, bàn bạc, động viên nhau. Nhờ có mọi người tác động vì hiểu được tình cảnh, lại mến tính cách chân thành, nhiệt tình của Nụ mà Quý dần tin yêu vợ, cảm nhận được những vấn đề nhà ngoại một cách thấu đáo và bắt đầu biết trân trọng mối quan hệ của hai gia đình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tuy vậy, Nụ vẫn chưa thể đưa Quý về nhà ngoại ăn uống, nhậu nhẹt với các anh chị mỗi khi có bữa ăn tươi nhưng Nụ đã có thể cùng Quý và các con sang nhà mẹ vui vầy những ngày lễ Tết, giỗ chạp. Lâu dần Nụ mới hiểu vì sao Quý ghét nhà vợ đến vậy! Vì Quý nghĩ mình rất nỗ lực, có phần còn nỗ lực hơn các anh vợ mà không được ghi nhận, trong khi Quý ở nhà là con độc đinh, được mọi người đánh giá cao, được khen ngợi mà sang nhà vợ chỉ thấy cả nhà ca tụng các anh còn mình là rể út lại bị ngó lơ, thi thoảng còn bị mang ra làm ví dụ vì được mọi người hỗ trợ, giúp đỡ.

Nụ tìm cách tâm sự với các chị dâu, với mẹ, với các anh trai. Cả nhà cười xòa, cho rằng Quý lớn đầu, nhiều tuổi mà tính còn trẻ con. Mỗi người một ý, xúm lại vỗ về cho cô con gái út được yên ổn mọi bề. Từ đó, Nụ như hiểu ra, cổ tích đôi khi là có thật nhưng để được một cái kết có hậu cô Tấm chẳng phải chết đi sống lại bao nhiêu lần với những nỗi tủi hờn, đau đớn, mình bây giờ không đến mức như vậy nhưng ít ra cũng phải mất công mất sức chứ chẳng tự nhiên mà có thể biến “bồ hòn” thành kẹo lạc được. Từ đó, Nụ càng tâm lý chồng con, săn sóc nhà cửa và biết cách khích lệ chồng, để Quý tự rủ rê vợ về nhà ngoại chơi.

BẠC KHAO LAN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.