Rụng tóc sau mắc Covid-19 cần làm gì?

Chia sẻ

Tình trạng bệnh nhân mệt mỏi, kém ăn, hấp thu kém, vấn đề bất ổn về tâm lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rụng tóc sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2...

Vì sao bị rụng tóc sau khi mắc Covid-19?

Gần đây nhiều bệnh nhân (BN) sau nhiễm Covid-19 xuất hiện triệu chứng rụng tóc. Đây cũng là dấu hiệu thường gặp ở BN sau khi bị sốt virus, sốt siêu vi nói chung.

Xét về cơ chế sinh bệnh thì thông thường, tóc có thời gian trưởng thành (gọi là thời gian anagen, theo sinh lý thông thường chiếm khoảng 90%) và chuyển sang giai đoạn telogen (tức là tóc bắt đầu rụng, thường chiếm khoảng 5-10%). Theo các chuyên gia da liễu, BN mắc Covid-19 thường có số lượng tóc rụng rất nhanh, rất nhiều trong thời gian ngắn khoảng từ 3 tuần đến 2 tháng sau khi nhiễm Covid-19, số lượng telogen đột biến tăng lên rất nhiều.

Thực ra đây cũng không phải vấn đề mới lạ, bởi SARS-CoV-2 cũng là một dạng virus gây tổn thương về sức khỏe nói chung. Rụng tóc cũng là một loại tổn thương. Điều này được hiểu do những nguyên nhân: Thứ nhất, bản chất những bệnh lý này gây lên tình trạng phản ứng viêm tại chỗ. Và những chất tiền viêm, những chất xảy ra trong quá trình viêm gây ra ví dụ như yếu tố bradykinin, leukotriene… các cytokine tiền viêm và viêm này đã tác động vào phần cấu trúc mầm nang tóc, thúc đẩy quá trình telogen diễn ra nhanh hơn và số lượng nhiều hơn.

Thứ hai, dưới tác động của một số yếu tố liên quan đến quá trình nhiễm và điều trị nhiễm siêu vi, ví dụ các thuốc hạ sốt, thuốc chống co giật, thuốc ổn định thần kinh… cũng vô tình tác động, ảnh hưởng tới cấu trúc của nang tóc và làm cho tóc bị rụng.

Một số nghiên cứu gần đây đăng trên các tạp chí Dermatol Ther cho thấy, tâm lý căng thẳng hay stress trong công việc cũng là một yếu tố gây phản ứng tiền viêm, hình thành vi huyết khối ảnh hưởng đến nang tóc dẫn đến hiện tượng rụng tóc sau nhiễm virus SARS-CoV-2. Thông thường, tóc sẽ rụng rõ rệt từ 1-2 tháng sau khi bị mắc Covid-19 và có thể kéo dài từ 6-9 tháng.

Ths.BSCKII Nguyễn Quang Minh thăm khám cho người bệnh rụng tóc sau khi khỏi Covid-19.Ảnh: BVCCThs.BSCKII Nguyễn Quang Minh thăm khám cho người bệnh rụng tóc sau khi khỏi Covid-19. Ảnh: BVCC

Phương pháp nào để phục hồi tóc mọc trở lại?

Đối với các trường hợp rụng tóc do sốt siêu vi hoặc sốt do nhiễm Covid-19, nếu triệu chứng nhẹ thì việc phục hồi tóc sẽ rất đơn giản, khả năng phục hồi rất cao. Với trường hợp như vậy, chỉ cần chăm sóc da đầu nhẹ nhàng như: bổ sung các vitamin nhóm B, vitamin H, biotin, ăn uống đầy đủ.

Với BN có tình huống phức tạp về mặt lâm sàng, thường người bệnh gặp rối loại stress, nguy cơ rụng tóc sẽ nhiều và kéo dài hơn thì chúng ta phải hỗ trợ từ nhiều phía. Ví dụ: tương tác để hỗ trợ giảm stress; phương pháp hỗ trợ liên quan đến vấn đề kích thích các nang tóc mọc lại được tốt hơn và sớm hơn, bằng việc sử dụng sóng vô tuyến- RF (Radiofrequency) kết hợp với tạo vi chấn thương trên da đầu. Ngoài ra, các BN được tư vấn và hướng dẫn sử dụng thêm một số loại thuốc xịt, các loại vi chất và vitamin phù hợp.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đánh giá kỹ các yếu tố liên quan đến sức khỏe nói chung và tâm sinh lý cũng như trạng thái thần kinh nói riêng để đưa ra những liệu pháp hỗ trợ cho BN điều trị được tốt hơn.

Cách khắc phục rụng tóc sau nhiễm Covid-19

Người bệnh cần chăm sóc gội, sấy tóc nhẹ nhàng, hạn chế dùng các loại hóa chất tác động lên tóc; người bị rụng tóc nên bổ sung thêm các yếu tố vi lượng, chất chống oxy hóa, kháng viêm tốt cho nang tóc, để nang tóc đủ dinh dưỡng phát triển trở lại. BN sau khi mắc Covid-19 bị rụng tóc cần bổ sung thêm sắt, kẽm, vitamin nhóm 3B, vitamin B5, Biotin (vitamin H)… các chất này có trong thức ăn, hoa quả và sữa.

Có thể bổ sung theo đường tại chỗ (như dầu gội, tinh chất bôi thoa...) hoặc đường uống; có thể khám và tư vấn để điều trị thêm các thuốc phối hợp khác như Minoxidil, huyết tương giàu tiểu cầu, các thủ thuật kích thích nang tóc phát triển tại các cơ sở uy tín…; giải tỏa căng thẳng, áp lực tâm lý hậu Covid-19, thường xuyên tập thể dục, giữ tinh thần khỏe mạnh, vững vàng và lạc quan.

ThS.BSCKII NGUYỄN QUANG MINH
Phó trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, bệnh viện Da liễu Trung ương

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.