Đạo diễn Trần Văn Thủy - Tài hoa và cá tính

Chia sẻ

ĐSGĐ-Giữa rất nhiều anh tài phim tài liệu, đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy vẫn được nhắc đến là một trong những nhà làm phim tài liệu hàng đầu suốt 30 năm qua.

 
Nghề chọn người
 
Cuốn sách là chuyện nghề của đạo diễn Trần Văn Thủy nhưng không phải mình ông làm ra cuốn sách mà còn có sự chung tay của người bạn thân Lê Thanh Dũng. Trừ những cuốn hồi ký của Tô Hoài, hiếm có cuốn sách nào kể lại chuyện quá khứ lại có thể lôi cuốn người đọc nhanh chóng như “Chuyện nghề của Thủy”. Sự lôi cuốn đến từ kết cấu của sách khi là tập hợp thư từ, ghi chép, nhật ký, tự bạch và cả kịch bản phim nữa. Và tất nhiên nội dung cuốn sách là những câu chuyện ít biết về những bộ phim đình đám một thời của Trần Văn Thủy như: “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”...      
 
Đạo diễn Trần Văn Thủy - Tài hoa và cá tính - ảnh 1
Đạo diễn Trần Văn Thủy
 
Nói là chuyện nghề nhưng không thể không nói đến chuyện đời! Qua cuốn sách, thêm một nữa chứng minh, ở những người thành đạt, thường là nghề chọn người, chứ ít khi người chọn nghề. Sinh trưởng là cậu ấm thành Nam Định nhưng tuổi 20 đi vào đời của Trần Văn Thủy lại ở tận miền núi Lai Châu. “Ba cùng” với đồng bào dân tộc, Trần Văn Thủy nhận ra sức mạnh của phim ảnh trong tuyên truyền hơn gấp vạn lần những lời nói giáo dục dài dòng. Vậy là, ông xin về xuôi học quay phim với ý định quay lại miền núi. Ai dè cấp trên cử đi Nam ngoài dự kiến, trên đường đi hành quân, Trần Văn Thủy đau dạ dày và được một bác sĩ chữa trị, đó là Anh hùng Đặng Thùy Trâm sau này!
 
Sau thành công vang đội của bộ phim “Những người dân quê tôi” (1970)-đoạt giải Bồ câu bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig (Đức), Trần Văn Thủy trở lại miền Bắc và được cử đi học điện ảnh ở Liên Xô. Sau bao vất vả, số phận lại mỉm cười với ông khi được học dưới sự chỉ dạy của bậc thầy phim tài liệu Liên Xô Roman Karmen.
 
Học hành bài bản là như thế nhưng không song hành với cảm hứng làm phim, ông bế tắc sáng tác mãi đến năm 1982. Cho đến khi đề tài “Hà Nội năm cửa ô” nói về du lịch do Đào trọng Khánh viết và Trần Văn Thủy biến thành bộ phim tài liệu chính luận kinh điển “Hà Nội trong mắt ai”. Ngay trong sách “Chuyện nghề của Thủy”, Trần Văn Thủy cũng chỉ cho biết ông làm phim là do cuộc đời đưa đẩy, tâm linh mách bảo: “Đọc xong kịch bản, ngó ra ngoài phố xá, cảnh người rồng rắn xếp hàng mua khẩu phần lương thực, những người cơ nhỡ lay lắt nơi công viên vỉa hè. Cảnh quan thời đó (1982) thực sự điêu tàn... Làm một bộ phim màu dài năm sáu cuộn là một số tiền không nhỏ chỉ để chiếu chác vài lần lấy lệ rồi bỏ xó thì thật là thất nhân âm” (trang 157). Thế là, “Hà Nội năm cửa ô” quảng bá cho du lịch trở thành “Hà Nội trong mắt ai” là Hà Nội tư tưởng, Hà Nội cho cách thức trị nước yên dân.
 
Đạo diễn Trần Văn Thủy - Tài hoa và cá tính - ảnh 2
Cuốn sách Chuyện nghề của Thủy
 
Với nhận thức chưa cởi mở thời ấy, “Hà Nội trong mắt ai” và “cha đẻ”của nó phải chịu điêu đứng một thời gian. Ngay lúc gian nan nhất, số phận tiếp tục mỉm cười với Trần Văn Thủy khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hiểu được giá trị thực của bộ phim và ra lệnh cho phép phim phổ biến rộng rãi. Để rồi đến tháng 3/1988, “Hà Nội trong mắt ai” được giải vàng đặc biệt, giải biên kịch xuất sắc, đạo diễn xuất sắc và quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc gia lần thứ 8 tại Đà Nẵng.
 
Năm 1987, chính cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh yêu cầu Trần Văn Thủy làm tiếp “tập 2” của “Hà Nội trong mắt ai”. “Tập 2” đó chính là bộ phim nổi tiếng nhất của Trần Văn Thủy: “Chuyện tử tế”. Trần Văn Thủy làm phim này từ năm 1985 và ông nghĩ ngay ra việc “Chuyện tử tế” chính là tập thứ hai nên tiêu đề của phim luôn đi kèm với chữ “tập 2” trong khi bộ phim chỉ có một tập duy nhất. Bằng quan hệ riêng Trần Văn Thủy đã tìm cách để “Chuyện tử tế” được chiếu ở Leipzig, bộ phim đã gây tiếng vang rất lớn và được trao giải Bồ câu bạc, trở thành “quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig”.
 
Vì nhân dân phục vụ!
 
Trần Văn Thủy làm phim nào cũng thể hiện sự tài hoa. Phim tài liệu hiển nhiên không có diễn viên đóng diễn, mà chỉ quay những sinh hoạt thường nhật. Nhưng cái khác của Trần Văn Thủy là ông không quay những thước phim nhàn nhạt, vô thưởng vô phạt. Giữa một đống tư liệu ngổn ngang, cái tài của Trần Văn Thủy là sắp xếp chúng lại xung quanh một chủ đề nào đó. Từ sự ngổn ngang, những vật liệu hình ảnh rời rạc đã liên kết với nhau để cùng minh họa một cách sáng rõ và sắc sảo của chủ đề. Trong phim “Hà Nội trong mắt ai”, Trần Văn Thủy đã cố kết những câu chuyện gắn với những nhân vật lịch sử liên quan đến những di tích lịch sử Hà Nội để minh họa cho cách thức trị nước yên dân.
 
Đạo diễn Trần Văn Thủy - Tài hoa và cá tính - ảnh 3
Cảnh họa sĩ Bùi Xuân Phái  trong phim Hà Nội trong mắt ai
 
“Chuyện tử tế” làm khó hơn như tâm sự của Trần Văn Thủy là vừa làm vừa hoàn thiện dần. Bộ phim xoay quanh câu hỏi: “Thế nào là sự tử tế?” Đạo diễn tìm “câu trả lời thông qua nhiều con người, hoàn cảnh sống khác nhau từ người thành phố bình thường tới những người lao động lam lũ nơi thôn quê và cả những người bị bệnh phong. Qua chuyến đi tìm câu trả lời ấy, Trần Văn Thủy đã bộc lộ sự trăn trở trước cuộc sống khó khăn và thiếu đi sự tử tế giữa con người với con người.   
 
Phim tài liệu Trần Văn Thủy luôn khác biệt vì nó giống như... phim truyện khi có cách dẫn truyện mạch lạc theo cấu trúc nghệ thuật định sẵn, nhân vật tính cách rõ rệt, có cao trào... Đó là chưa kể đến những lười bình gọn mà sắc, hóm hỉnh đấy mà chua cay cũng có.  
 
Sự hấp dẫn trong phim tài liệu của Trần Văn Thủy xuất phát từ sự nhất quán trong làm phim của ông là vì nhân dân phục vụ! Ông không quay những thước phim nhanh để hoàn thành kế hoạch mà luôn trăn trở làm phim để có ích cho quần chúng nhân dân: “Nhưng phải công nhận rằng: chẳng có mấy bộ phim miêu tả nhân dân ăn ra sao? Nhân dân ở ra sao? Nhân dân đi lại sinh sống như thế nào? Và nhất là nhân dân nghĩ ngợi, bàn tán những gì?...” (Kịch bản phim “Chuyện tử tế”). Vì vậy ông luôn tìm đến những nhân vật là những người lao động bình thường, để hiểu cuộc sống của họ, để hiểu tình trạng thực của xã hội, kể cả khi còn có điều bất cập.
 
Cái nhìn nghệ thuật của Trần Văn Thủy thực tế không có gì xa lạ, đó là cách nhìn kiểu Tây khi trình bày con người và xã hội như vốn có, để từ đó kích thích con người phát huy những điều tốt đẹp và dẹp bỏ đi những cái xấu, cái tiêu cực. Phải chăng vì xuất phát từ một động cơ trong sáng mà dù phim của Trần Văn Thủy bị hiểu lầm một thời gian vẫn có sức sống mạnh mẽ đến ngày nay?
 
    TRẦN HOÀNG HOÀNG

Tin cùng chuyên mục

Cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam trao tặng quà và học bổng cho Hội LHPN Hà Nội

Cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam trao tặng quà và học bổng cho Hội LHPN Hà Nội

(PNTĐ) - Sáng 08/5/2024 tại Hà Nội, Công ty Sen Vàng tổ chức Họp báo công bố lịch trình cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam. Tại buổi họp báo, cuộc thi đã trao tặng 100 phần quà và 20 triệu đồng gây quỹ học bổng cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội cùng kế hoạch buổi chia sẻ truyền cảm hứng dành cho phụ nữ Hà Nội. Đại diện Hội LHPN Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Phạm Thị Thanh Hương đã đón nhận món quà ý nghĩa này.