Hà Nội: Nhiều loại vắc-xin dịch vụ hết, người dân hoang mang

Chia sẻ

PNTĐ-Theo phản ánh của người dân, tại nhiều điểm tiêm chủng ở Hà Nội đã thông báo hết vắc-xin dịch vụ thủy đậu, Pentaxim 5 trong 1...

 
Chủ nhật, ngày 2/3, tại phòng tiêm chủng – Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70, Nguyễn Chí Thanh, HN), nhiều phụ huynh đưa con đến tiêm vắc-xin thủy đậu hoặc Pentaxim 5 trong 1, đều nhận được câu trả lời “hết”. Theo cán bộ y tế tư vấn trước tiêm, vắc-xin thủy đậu đã hết cách đây nửa năm. Gia đình chị Nguyễn Thu Sâm (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) đưa con 28 tháng tuổi đến tiêm loại vắc-xin này đành thất vọng ra về và chờ đợi… vì lời hẹn “khoảng 1 – 2 tháng tới”.
 
Khảo sát tại một số trạm y tế phường thuộc quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, tình trạng khan hiếm vắc-xin cũng diễn ra tương tự. Theo một trưởng trạm y tế phường, không chỉ có vắc-xin thủy đậu mà vắc-xin Pentaxim 5 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm não do Hip) của Pháp sản xuất cũng đã “cạn” cách đây 2 tháng. Đây là một trong số loại vắc-xin dịch vụ được các gia đình lựa chọn thay thế vắc-xin Quivaxem 5 trong 1 từ khi có tin loại vắc-xin này có thể gây tai biến. Vắc-xin Pentaxim có hiệu quả nhất nếu được tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi, phải tiêm nhắc lại đủ 3 mũi. “Việc tiêm chậm hoặc tiêm không đều, miễn dịch của cơ thể trẻ giảm đi và làm tăng nguy cơ mắc bệnh của trẻ em” – cán bộ y tế này cho biết.
 
Hà Nội: Nhiều loại vắc-xin dịch vụ hết, người dân hoang mang - ảnh 1
 Nhiều gia đình phải ôm con về vì hết vắc-xin thủy đậu, Pentaxim
Ảnh: N. Trang
 
Được biết, vắc-xin Infanrix Hexa 6 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, Hib) có nguồn gốc từ Bỉ cũng đang trong tình trạng sắp cạn, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong khoảng 2 - 3 tuần tới, ưu tiên cho trẻ tiêm mới, còn tiêm nhắc lại mũi 2 hoặc 3, phải chờ cho đến khi có vắc-xin hoặc chỉ định tiêm vắc -  xin khác thay thế.
 
Ông Nguyễn Nhật Cảm – GĐ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, tâm lý lo sợ một số bệnh dịch lây lan và bùng phát mạnh, người dân đổ xô đi tiêm vắc xin, khiến lượng người tiêm tăng đột biến, làm “cạn” nguồn vắc-xin.
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc thiếu vắc-xin phòng bệnh như hiện nay là do ngành y tế Hà Nội chưa dự trù kịp thời được lượng vắc-xin khi có dịch, nhất là năm nay, một số bệnh lại rơi vào “đỉnh” của dịch như sởi, thủy đậu…   
Người dân đang thấp thỏm chờ đợi để được tiêm vắc-xin phòng bệnh thì ngành y tế lại tỏ ra khá bị động trong việc giải quyết tình huống này.
 
Ông Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (Chương trình) cho rằng: Đây là những loại vắc-xin nằm không nằm trong Chương trình nên không thuộc sự quản lý của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Viện). Viện chỉ quản lý 11 loại vắc-xin miễn phí nằm trong Chương trình. Còn đối với vắc-xin nằm ngoài Chương trình, các địa phương toàn quyền quyết định nhập bao nhiêu và của hãng, quốc gia nào sản xuất.
 
Trong khi đó, Bộ Y tế lại tỏ ra quá chậm chạp trong việc cấp phép nhập các loại vắc-xin. Hiện có 4 loại vắc-xin phòng bệnh thủy đậu được cấp phép lưu hành tại VN thì đã có loại vắc-xin hết hiệu lực nhưng Cục Quản lý dược chưa cấp lại. Mới đây, khi bệnh thủy đậu bùng phát, Cục Quản lý dược mới gấp rút thẩm định nhanh hồ sơ đăng ký lại. “Chúng tôi liên hệ các công ty cung ứng vắc-xin để đặt thêm hàng. Và họ có báo lại là vắc-xin thủy đậu sẽ có vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, còn vắc-xin Infanrix Hexa (6 trong 1), Pentaxim Pháp (5 trong 1) có vào đầu tháng 5” – đại diện Cục Quản lý dược cho biết.
 
“Ngành y tế lúc nào cũng hô hào, chúng tôi phải đưa trẻ đi tiêm chủng, nhưng nay chúng tôi có nhu cầu thì phải ôm con ra về vì... hết vắc-xin” – chị Sâm bức xúc. Chuyên gia dịch tễ quan ngại, nếu tình trạng thiếu vắc – xin phòng bệnh tiếp tục kéo dài, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh dịch của trẻ em, nhất là trẻ em dưới 1 tuổi.
 Từ ngày 3 – 10/3, Hà Nội tiến hành tiêm chủng bổ sung vắc-xin sởi cho trẻ dưới 2 tuổi (chưa tiêm hoặc tiêm mũi 2 nhắc lại). Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, có khoảng 15-20 nghìn trẻ là đối tượng tiêm bổ sung. Toàn TP có khoảng 60.000 trẻ sẽ tiêm vắc-xin sởi trong đợt này. Hiện Hà Nội đã chuẩn bị 80.000 liều vắc xin sởi. Các lô vắc-xin sởi đều qua kiểm định tại Viện kiểm định vắc-xin và sinh phẩm quốc gia.
 
Tâm Thanh

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.