Hà Nội: Nhiều người nhập viện vì dịch bệnh

Chia sẻ

PNTĐ-Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ nhiều dịch bệnh: tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH), thủy đậu, viêm não Nhật Bản... diễn biến phức tạp.

 
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè nhưng tỷ lệ người mắc tại Hà Nội vẫn không ngừng gia tăng. 
 
Nhiều dịch bệnh bùng phát
 
Ghi nhận thực tế tại các BV trung ương và Hà Nội, số bệnh nhân vào viện và nằm điều trị sởi đã có xu hướng chững lại và giảm dần. Tại BV Nhi T.Ư chỉ còn 149 ca; BV Bạch Mai: 49 ca; BV Bệnh nhiệt đới T.Ư: 43 ca…, và không có ca tử vong. Tuy nhiên các bác sĩ lại cảnh báo về hiện tượng nhiều bệnh nhi sau khi chữa khỏi sởi, xuất viện lại bị biến chứng tái viêm phổi, đe dọa tử vong. Nguyên nhân vì ở giai đoạn hậu sởi, sức đề kháng của trẻ suy giảm mạnh nên rất dễ lây bệnh truyền nhiễm khác từ cộng đồng. Vì thế, Hà Nội đang tổ chức giám sát các trường hợp bệnh nhân mắc sởi được xuất viện và số trẻ do ốm, sốt phải hoãn tiêm phòng sởi thời gian qua.
 
Hà Nội: Nhiều người nhập viện vì dịch bệnh - ảnh 1
Nhiều bệnh dịch tấn công trẻ em (ảnh: Nam Phương)
 
Tuần qua, bệnh TCM ghi nhận số ca mắc mới tăng đột biến với 49 trường hợp, tập trung chủ yếu ở Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Ba Vì, Đống Đa… nâng tổng số ca mắc của Hà Nội lên 287 trường hợp. “Bệnh TCM nguy hiểm không kém bệnh sởi” - BS Hoàng Văn Tuyết, PGĐ BV Bệnh nhiệt đới T.Ư nhận định. Năm nay, bệnh TCM có thể bùng phát dữ dội. Một số trường hợp bệnh diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Đã có 2 trẻ đã tử vong với tác nhân gây bệnh chính là EV 71- virus có độc lực cao nhất trong nhóm virus gây bệnh.
 
Cũng tại BV Nhi T.Ư đã tiếp nhận trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, thủy đậu. Hà Nội đã ghi nhận 1.207 trường hợp mắc thủy đậu (tăng 36% so với năm ngoái) trong khi vắc-xin thiếu nghiêm trọng. Bên cạnh đó, viêm não do virus, viêm não Nhật Bản gia tăng, với 191 bệnh nhân được ghi nhận và 3 ca tử vong.
 
Riêng bệnh sốt xuất huyết (SXH), thời điểm này mới bắt đầu vào mùa nên số ca mắc đang có xu hướng gia tăng. Ngay tuần qua, đã có thêm 9 bệnh nhân mắc mới được ghi nhận, tập trung tại các quận, huyện như Đan Phượng, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Thanh Trì…
 
Theo ông Hoàng Đức Hạnh – PGĐ Sở Y tế Hà Nội, tháng 5 là thời điểm rất thuận lợi cho SXH lây lan và bùng phát thành dịch. SXH bùng phát theo chu kỳ, nên năm 2014 được dự báo dịch sẽ quay trở lại với số ca mắc tăng cao. BS Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới T.Ư lo lắng, các bệnh nhân nhập viện đều nhiễm cả 4 type gây bệnh SXH là D1, D2, D3, D4. Đáng lo ngại là virus gây bệnh SXH không có miễn dịch chéo nên người đã mắc SXH D1, cơ thể sản sinh ra một loại kháng thể nhưng, khi mắc D2, D3, D4 thì kháng thể đó lại làm tăng độc lực, gây sốc dẫn đến tử vong nhanh.

Áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch
 
Cuối tuần qua, Hà Nội đã phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống dịch bệnh mùa hè. Nhưng rất nhiều hộ dân lại tỏ ra thờ ơ. Tại quận Đống Đa, nhân viên y tế và tổ dân phố đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân tham gia diệt bọ gậy, hợp tác với cán bộ y tế phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH nhưng khi triển khai nhiều hộ vẫn không hợp tác. Có những phường, khi cán bộ y tế đi điều tra bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, khoảng 30-50% chủ hộ vắng nhà hoặc đóng cửa, thậm chí ngăn cản không cho cán bộ y tế vào triển khai công tác phòng chống dịch bệnh.
 
Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, việc phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH phải có chỉ định của ngành y tế, trên cơ sở ở địa phương đó có bệnh nhân mắc SXH và vectơ truyền bệnh tập trung với mật độ cao, chứ không phải quận/huyện, xã/phường nào cũng tiến hành phun hóa chất diện rộng.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định về tình hình dịch bệnh TCM, SXH, thủy đậu… đang tấn công Hà Nội với số lượng bệnh nhân không ngừng gia tăng thì "không thể coi là bình thường". Vì vậy, chúng ta cần chủ động ngăn chặn ngay từ ca bệnh đầu tiên, tránh biến chứng và lây chéo, hạn chế tử vong. Các BV tổ chức phân tuyến điều trị, cách ly tốt để tránh nguy cơ trẻ cùng lúc mắc nhiều bệnh dịch như đã xảy ra. Các địa phương tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phòng chống bọ gậy; phun hóa chất... Chú trọng đến biện pháp tiêm phòng vắc-xin, khắc phục tình trạng xảy ra khan hiếm một số loại vắc-xin phòng bệnh kéo dài như vắc-xin thủy đậu, viêm não…

Tâm Thanh

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.