Thi tốt nghiệp THPT năm 2014: Đề thi sẽ không “đánh đố” học sinh

Chia sẻ

PNTĐ-Đó là lời hứa của Bộ GD-ĐT trước kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Ngoài ra, Bộ còn yêu cầu các địa phương phải tổ chức thật tốt kỳ thi theo hướng tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh.

 
Chưa đầy 5 ngày nữa, hơn 910.000 thí sinh cả nước sẽ dự thi tốt nghiệp THPT.  Hà Nội là địa phương có số học sinh dự thi đông nhất với 76.151 em.

Chăm học là có thể tốt nghiệp
 
Năm nay, trong số các môn thi tốt nghiệp, Ngoại ngữ và Ngữ văn được chú ý nhiều nhất do có sự thay đổi về cấu trúc đề thi.
 
Thi tốt nghiệp THPT năm 2014: Đề thi sẽ không “đánh đố” học sinh - ảnh 1
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có khá nhiều điểm mới
có lợi cho thí sinh
 
Cụ thể, môn Ngoại ngữ có thêm phần viết tự luận ngoài phần thi trắc nghiệm. Đây là một phần thi khá mới và gây bất ngờ vì ngay trong kỳ thi ĐH, thí sinh cũng chỉ phải thi trắc nghiệm với môn Ngoại ngữ. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, Bộ GD-ĐT khẳng định, học sinh không nên quá lo lắng. Phần thi viết sẽ không ra theo kiểu đánh đố và chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, chắc chắn không quá 25-30% cấu trúc đề. Thí sinh làm phần thi trắc nghiệm là chủ yếu. Do đề thi năm nay có 2 phần nên cách chấm thi cũng chia làm 2. Bài thi trắc nghiệm gửi về Bộ để chấm bằng máy, còn phần thi viết thì các sở GD-ĐT tự chấm như đối với các bài thi tự luận. Kết quả chấm độc lập của môn ngoại ngữ dựa trên tỷ lệ điểm của phần thi viết so với điểm toàn bài, theo thang điểm 10 để xác định các mức điểm tương ứng.
 
Với môn Ngữ văn, năm nay, thí sinh sẽ đọc hiểu một văn bản nằm ngoài chương trình SGK. Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, do thời gian làm bài Ngữ văn giảm từ 150 phút xuống còn 120 phút nên việc ra đề thi sẽ được tính toán để dung lượng đề thi phù hợp với thời gian làm bài. Ông Hiển nhất mạnh, văn bản đọc hiểu đưa vào đề thi có độ khó tương đương với yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của cấp THPT. Là một kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT nên Bộ sẽ không đưa vào đề thi một văn bản HS đọc mà không thể hiểu được. Để làm tốt phần đọc - hiểu học sinh cần nắm được thế nào là một văn bản, cách hiểu một văn bản; tìm hiểu kỹ các sai sót về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ… Phần kiểm tra kỹ năng viết sẽ tiếp tục đưa vào những câu hỏi theo hướng mở, yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức và làm bài theo tư duy mở.
 
Do đó, HS cần chủ động vận dụng kiến thức thực tế, đưa ra những quan điểm cá nhân để giải quyết những vấn đề cụ thể. Trong phần thi viết, có thể bao gồm bài văn nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học hoặc một bài kiểm tra tổng hợp yêu cầu cả văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Theo Thứ trưởng Hiển, HS có học lực trung bình, nghiêm túc và tập trung làm bài thi là có thể đủ điểm đỗ tốt nghiệp.
 
Cả cô và trò cùng thoải mái
 
Có thể nói, nhiều  năm rồi, cả cô và trò mới “đón” một kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm lý thoải mái đến thế. Do chỉ phải thi 4 môn, trong đó có hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, hai môn thi tự chọn trong số 6 môn thi Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Ngoại ngữ. Theo một giáo viên ở trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, đa phần các em đều chọn môn thi tốt nghiệp theo đúng khối thi ĐH.
 
Thi tốt nghiệp THPT năm 2014: Đề thi sẽ không “đánh đố” học sinh - ảnh 2
HS có học lực trung bình, nghiêm túc và tập trung làm bài thi
là có thể đủ điểm đỗ tốt nghiệp.
 
Tuy vậy, thí sinh cần đặc biệt lưu ý là năm nay có thay đổi về quy định điểm liệt. Nếu các năm trước, 0 là điểm liệt thì năm nay, điểm liệt quy định là 1. Như vậy, nếu thí sinh dù đủ tổng điểm 4 bài thi đỗ tốt nghiệp nhưng có một bài thi chỉ được 1 điểm thì cũng sẽ không đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, Bộ GD-ĐT, cho biết, việc quy định điểm liệt là 1,0 thay cho 0 điểm nhằm nâng cao chất lượng của kỳ thi và điều kiện để được công nhận tốt nghiệp.
 
Năm nay, thí sinh thi hệ GD thường xuyên sẽ được bảo lưu điểm thi. Việc bảo lưu điểm thi áp dụng đối với thí sinh đã dự thi tốt nghiệp ở hệ GD thường xuyên trong kỳ thi năm 2013. Trong trường hợp thí sinh đăng ký dự thi có điểm bảo lưu của cả 4 môn (2 môn Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn) có thể không phải dự thi. Đây được đánh giá là điểm mới có lợi cho thí sinh.

Khâu tổ chức kỹ càng
 
Do đặc thù của kỳ thi năm nay nên Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương phải tổ chức kỳ thi thuận lợi, khoa học nhất cho thí sinh. Cụ thể, trong 2 buổi sáng ngày 2 và 3/6, thí sinh thi hai môn bắt buộc là ngữ văn và toán vì đây là các môn thi có 100% học sinh dự thi. Các buổi thi còn lại chia làm hai ca, mỗi ca có một môn thi, bố trí xen kẽ giữa môn thi trắc nghiệm (thời gian 60 phút) và thi môn tự luận (thời gian 90 phút), môn có nhiều thí sinh thi kết hợp với môn có ít thí sinh.
 
Năm nay, Hà Nội đã thành lập 150 hội đồng coi thi. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã thành lập 20 đoàn kiểm tra cơ sở vật chất tại các hội đồng thi. Đến thời điểm này, các hội đồng thi đã sẵn sàng, chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kỳ thi. Thí sinh sẽ được bố trí hội trường, phòng để nghỉ ngơi, chờ thi giữa các ca khác nhau, tránh việc phải đi lại. Đại diện phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì  cho biết, phòng đã phối hợp với điện lực Thanh Trì để trong những ngày thi không bị mất điện, phối hợp với công an huyện tăng cường an ninh để đảm bảo tránh hiện tượng tắc đường.
 
Năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu không trộn lẫn thí sinh của hai trường phổ thông trong một phòng thi nhằm tránh hiện tượng trường chất lượng cao hơn hỗ trợ làm bài cho trường kém.

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.