Không dám để các nhà báo ra giàn khoan vì họ muốn che giấu sự thật

Chia sẻ

PNTĐ-"Tận mắt nhìn thấy những gì xảy ra hàng ngày trên biển Đông, bằng con mắt khách quan của nhà báo, chúng tôi không khỏi kinh ngạc trước thái độ hung hăng, ngang ngược của phía Trung Quốc..."

 
 
Xác nhận những gì đang xảy ra ngoài biển khơi bằng con mắt nhà báo là điều ông Etcetera Nguyễn, Tổng thư ký Tuần báo Việt Weekly (Hoa Kỳ) khẳng định với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô sau những ngày tác nghiệp nóng bỏng từ quần đảo Hoàng Sa trở về.
 
Không dám để các nhà báo ra giàn khoan vì họ muốn che giấu sự thật - ảnh 1
Etcetera Nguyễn (phải) phỏng vấn nhà báo Euan McKirdy (CNN)
vùng thực địa quần đảo Hoàng Sa
 
PV: Thưa ông, chuyến đi thực tế tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vừa qua đã cho ông những ấn tượng như thế nào?
 
Chuyến đi Hoàng Sa của tôi dù chỉ trong vài ngày (từ ngày 26 đến 31 tháng 5), có thể nói, đầy cảm xúc vì nhiều lẽ. Trước hết, đoàn chúng tôi cùng đi có trên 30 phóng viên trong và ngoài nước tham gia. Tôi cùng với 7 phóng viên quốc tế khác gồm: Euan McKirdy (Đài CNN, Hoa Kỳ), Manabu Sasaki, Chánh văn phòng và Kuzutani Shingo (The Asahi Shimbun), Takeshi Mine (Fuji Televison Network), Osamu Maruyama (The Yomiuri Shimbun), Trần Huy Công (NDN). Chúng tôi đã có dịp thực địa nơi nóng bỏng nhất trên diễn đàn quốc tế. Trước chuyến đi, chúng tôi đã tham khảo nhiều thông tin, hình ảnh về vụ việc.
 
Tuy nhiên, phải tận mắt nhìn thấy những gì xảy ra hàng ngày trên biển Đông, bằng con mắt khách quan của nhà báo, nhất là nhà báo nước ngoài, chúng tôi không khỏi kinh ngạc trước thái độ hung hăng, ngang ngược của phía Trung Quốc. Trong những ngày 28, 29, 30 tháng 5 năm 2014, theo đoàn tàu cảnh sát biển CSB 2013, CSB 4032, CSB 8001, CSB 8003... Chúng tôi đã cùng với các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam sát cánh làm việc, đối diện với những con tàu Hải giám, Hải cảnh to lớn dềnh dàng của Trung Quốc luôn truy đuổi những tàu kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp cận giàn khoan Hải Dương - 981 trong cự ly từ 7-12 hải lý. Thật khó có thể diễn tả được cảm giác hồi hộp lẫn phấn khích thế nào để bạn hiểu khi những con tàu TQ hung hăng đuổi theo đuôi tàu CSB ở một khoảng cách gần tới 30-50m!
 
Những nhà báo nước ngoài cùng đi với tôi, cũng tận mắt nghe, nhìn, cảm nhận rất nhiều những câu chuyện thực, người thực nói về những gì xảy ra. Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng ấy, chúng tôi lại được nhìn thấy tinh thần quả cảm, ý chí chiến đấu kiên trì, thái độ bình tĩnh của các anh lính CSB. Họ đã dấn thân vào vùng biển tranh chấp với tinh thần kỷ luật, mạnh mẽ rất đáng khâm phục. Do đó, ấn tượng nhất của tôi trong chuyến đi, đó là tinh thần phục vụ công việc của các anh lính CSB.
 
PV: Trong chuyến ra Hoàng Sa lần này cùng với ông, còn có các nhà báo quốc tế khác. Chỉ có Việt Nam mới tạo điều kiện để phóng viên nước ngoài ra thực địa tác nghiệp, còn phía Trung Quốc thì không?
 
Theo những thông tin mà chúng tôi biết, chỉ có phía Việt Nam mới tạo điều kiện cho phóng viên trong và ngoài nước ra thực địa ngoài vùng biển Hoàng Sa để các nhà báo có cơ hội nhìn tận mắt những gì xảy ra. Tôi cũng hỏi các bạn đồng nghiệp các hãng thông tấn quốc tế như CNN, NDN, Fuji Televison Network... rằng vì sao phía TQ không dám để báo chí đến giàn khoan đưa tin? Họ đều có chung một câu trả lời là, phía TQ muốn bưng bít những gì đang diễn ra ở khu vực Hoàng Sa. Họ muốn che giấu sự thật. Chỉ có phía Việt Nam, nạn nhân của hành động gây hấn mới muốn minh bạch cho thế giới biết những việc làm trái đạo lý, vi phạm luật pháp quốc tế. Đặc biệt các nhà báo Nhật còn tỏ ra quan ngại nhiều hơn.
 
Họ nói rằng: "Những gì TQ đang làm với Việt Nam, cũng có thể TQ sẽ làm với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản”. Vì thế, các phóng viên Nhật rất tích cực tham gia đưa tin, lắng nghe những biến động ở Hoàng Sa. Cho đến nay, có thể nói Việt Nam đã hoàn toàn được sự ủng hộ của dư luận quốc trong vấn đề biển Đông. Phía TQ càng tỏ ra hung hăng, xem thường dư luận quốc tế, họ sẽ phải trả giá đắt vì không ai muốn làm bạn với kẻ hiếu chiến, ngang ngược.
 
PV: Các nhà báo đã tác nghiệp ra sao trước những khó khăn trên biển khơi khi sóng cả và biển động? Dường như sự có mặt của các phóng viên quốc tế đã khiến cho các tàu của Trung Quốc không dám hung hăng phun vòi rồng hay đâm vào tàu kiểm ngư và tàu cảnh sát biển Việt Nam như ban đầu?
 
Ngày 28 tháng 5 năm 2014, ngày đầu tiên đoàn phóng viên quốc tế ra tới hiện trường, phía TQ cho từ 8-10 con tàu hải giám to đùng rượt đuổi. Chúng tôi cách nhau khá gần. Từ cự ly 30-50m, tôi có thể thấy khá rõ những người lính TQ trên các con tàu.
 
Theo các anh lính CSB tàu 4032, có lẽ vì biết tàu có phóng viên nước ngoài đang tác nghiệp, nên tàu TQ dè dặt, không hung hăng hay phun vòi rồng nước như thường ngày. Nếu đúng như vậy, thì quả phía TQ là không đàng hoàng.
 
PV: Xin ông cho biết, nhận định chung của các nhà báo quốc tế sau khi đi thực địa tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ra sao?
 
Nhà báo Euan McKirdy (CNN) nói với tôi rằng, anh rất muốn biết chuyện gì đang xảy ra ở biển Đông. Anh đã có những hình ảnh, bài báo tường trình những gì đang xảy ra. Còn các nhà báo Nhật luôn luôn có sự lo lắng, quan ngại giống y như người Việt Nam về tình hình biển Đông, nên họ cũng không bỏ qua một động thái nào từ phía TQ. Chuyến đi thực địa tuy không bị vòi rồng phun, bị tàu TQ va đập, nhưng việc hàng trăm con tàu quân sự, tàu hải giám, tàu kéo của TQ dàn hàng đuổi rượt tàu CSB, tàu kiểm ngư VN cũng đã cho họ những trải nghiệm đầy tính thời sự.
 
Chuyến đi thực địa Hoàng Sa đã cho nhà báo thấy những gì phía TQ đang ngang ngược hoành hành ở biển Đông, góp phần để dư luận quốc tế hiểu và ủng hộ Việt Nam.
 
Nhà báo Etcetera Nguyễn tên thật là Nguyễn Quang Trường, hiện cư trú tại bang California (Hoa Kỳ). Năm 2004, Etcetera Nguyễn cùng một nhóm bạn cho ra đời ấn bản báo Việt Weekly với lượng phát hành 45.000 số/kỳ, ở ba vùng Nam California, San Jose và Toronto (Canada).
 
 
Kiều Khải (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(PNTĐ) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo. Các hoạt động hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, đặc biệt là các gia đình khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương tập trung bảo đảm an sinh, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa…).