Trả lại vai trò lịch sử của Ỷ Lan Nguyên Phi

Chia sẻ

PNTĐ-Năm 2011, Nguyên Phi Ỷ Lan đã được dựng tượng đồng ghi công (tại Đền thờ Người ở Dương Xá, Gia Lâm) nhưng đến nay vai trò lịch sử của Người vẫn chưa được biết đến đúng và rộng rãi.

 
Trong lịch sử nước ta có nhiều những “nữ kiệt” như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Chân...; nhưng chưa từng có một nữ lưu nào từ một cô gái nông thôn bình thường hai lần thay vua nhiếp chính trong những thời kỳ trọng đại của lịch sử đất nước: phá Tống, bình Chiêm và góp phần quan trọng mở ra thời  kỳ thịnh trị của triều Lý với việc xây dựng Văn Miếu, Quốc Tử Giám, mở các khoa thi Nho học đầu tiên…; xây dựng quốc đạo Phật phù hợp với văn hóa, sinh hoạt của người Việt như Ỷ Lan Nguyên Phi. Nhiều thế kỷ qua, hàng trăm vùng miền tôn sùng thờ Người: Mẫu Ỷ Lan.
 
Câu chuyên cổ tích: Từ thôn nữ thành Nguyên Phi
 
Hiếm có trường hợp câu chuyện cổ tích một cô thôn nữ thuần túy bỗng một sớm trở thành vợ vua lại được ghi chép khá đầy đủ trong nhiều cuốn cổ sử để xác định là một truyện thực. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (TT), cuốn sử được coi là sớm nhất và chính thống nước ta - tập I quyển III- còn ghi rõ: năm Quý Mão (1063): Bấy giờ vua (Lý Thánh Tông) xuân thu đã nhiều, tuổi 40, mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi Hậu nội nhân (thái giám) theo đi cầu tự. Xa giá đi đến đâu con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng nép cây lan, vua trông thấy gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Lúc đầu cho ở ngoài cung trong một dinh cơ ở làng Yên Thái (nay là ngõ Tạm Thương, phố Yên Thái, Hà Nội)… đến năm Bính Ngọ (1066)… sinh thái tử Càn Đức…, (vua) phong là Ỷ Lan Nguyên Phi….
 
Trả lại vai trò lịch sử của Ỷ Lan Nguyên Phi - ảnh 1
Tượng đồng Ỷ Lan Nguyên Phi tại Đền thờ ở
Dương Xá, Gia Lâm
 
Tên thật Nguyên Phi Ỷ Lan không thấy ghi trong TT, nhưng theo các sách, truyện cổ viết về Ỷ Lan thì Ỷ Lan là tên do vua Lý Thánh Tông đặt để kỷ niệm lần đầu gặp người con gái hái dâu đứng dựa cây lan, tên ấy được nhân dân ta truyền tụng rộng rãi cho đến ngày nay. Tên thật Nguyên Phi Ỷ Lan là  Lê Thị Khiết, sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân  (1044 ) mất ngày 25 tháng7 năm Đinh Dậu (1117), con ông Lê Công Thiết và bà Vũ Thị Tỉnh ở làng Thổ Lỗi (tên nôm là làng Sủi), nay là làng Phú Thị, Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
 
Người quản lý đất nước tài ba: Nhiếp chính lần thứ nhất
 
Khác với các thôn nữ bình thường, khi đã trở thành Nguyên Phi, rồi Thần Phi, chỉ biết hưởng thụ cuộc sống vương giả nơi cung thất. Từ khi vào cung Ỷ Lan rất chăm lo học tập nâng cao kiến thức lại chăm chỉ công việc, hướng dẫn các cung nữ, phi tần trong viêc thêu thùa, dệt may; xếp đặt mọi việc trong cung nên chẳng bao lâu được trong cung và các triều thần tôn trọng vì nể, nhà vua kính yêu. Năm Kỷ Dậu (1969) vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành giao cho Nguyên Phi Ỷ Lan làm nhiếp chính thay vua điều hành, quản lý mọi công việc của đất nước.
 
Đây là một sự kiện quan trọng để thể hiện tài năng bước đầu trong sự nghiệp của Ỷ Lan. Cần nghi nhớ đây là thời kỳ ổn định, cực thịnh của Lý triều; Thượng Dương đang là đương kim hoàng hậu, thuộc dòng dõi danh gia thế tộc lâu đời, cha giữ chức vụ cao trong triều; triều đình khi ấy nhiều người tài giỏi, đứng đầu là Lý Đạo Thành đã nhiều năm làm Thái sư. Việc “bình Chiêm mở cõi” đã được chuẩn bị hàng năm trời, nhà vua thân chinh xuất đại quân cùng Lý Thường Kiệt quyết bình phục toàn bộ nước Chiêm Thành, cuộc tiến quân bằng đường thủy nên sẽ mất nhiều thời gian. Do đó việc cử một Nguyên Phi, xuất thân là một thôn nữ trẻ chắc chắn phải được không chỉ nhà vua mà cả hoàng tộc và triều đình cân nhắc chu đáo. Sách TT có ghi vua Lý cùng triều đình làm lễ tế thề và công bố quyền nhiếp chính trước khi xuất quân tại đền Đồng Cổ cũng chứng tỏ tầm quan trọng và công khai việc cử nhiếp chính.
 
Nguyên Phi Ỷ Lan đã thể hiện rõ tài năng quản lý đất nước trong thời gian làm nhiếp chính, cùng thái sư Lý Đạo Thành điều hành mọi việc triều đình và các trấn, lộ. Đặc biệt năm ấy lại có lụt lớn, dân đói sinh nạn trộm cướp nhiều nơi; Nguyên Phi đã quyết định táo bạo mở kho lấy thóc cấp cho dân bị nạn, lại đi kinh lý các địa phương bắt giữ và xét xử tại chỗ các quan lại tham nhũng và các gian thương lợi dụng thiên tai gây khổ thêm cho dân; qua đó hết trộm cướp, dân tình được yên bình, ca ngợi công đức của Ỷ Lan coi như Phật Bà Quan Âm tái thế. Sách TT còn ghi rõ:…
 
Trong khi đó vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm mãi không được, lại lo tình hình thiên tai lớn trong nước nên đem quân về, đến châu Cự Liên (nay là Hưng Yên) nghe nhân dân ca ngợi Nguyên Phi nội trị được vững vàng, đất nước yên ổn, vua nói: Nguyên Phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao”, bèn quay thuyền lại đánh Chiêm, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chiêm xin dâng nộp 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (nay là đất Quảng Bình, Quảng Trị) nên tha cho Chế Củ về. Cuộc “bình chiêm mở cõi” thắng lợi hoàn toàn, trong đó có phần đóng góp to lớn của Nguyên Phi Ỷ Lan.

Nhà lãnh đạo xuất sắc: Nhiếp Chính lần thứ hai
 
Lần nhiếp chính thứ nhất (năm Kỷ Dậu, 1068) chỉ trong vòng nửa năm và rất hoàn thiện thì lần nhiếp chính thứ hai (năm Nhâm Tý, 1072) lại diễn biến phức tạp và cũng để lại nhiều nhận định. Theo sách TT: vua Lý Thánh Tông bị bệnh, bất ngờ băng hà, con là Hoàng Thái Tử Càn Đức lên nối ngôi. Bấy giờ vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đích là Thượng Dương làm Hoàng Thái Hậu, buông rèm nhiếp chính cùng Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc, tôn mẹ đẻ là Nguyên Phi (Ỷ Lan) làm Hoàng Thái Phi. Gần một năm sau (năm Qúy Sửu, 1073), với sự hỗ trợ của Lý Thường Kiệt, Ỷ Lan tự phong là Linh Nhân Hoàng Thái Hậu, nắm quyền nhiếp chính, bắt giam Thượng Dương và đẩy Lý Đạo Thành về châu Nghệ An. Tiếp đó mấy tháng sau bức Thượng Dương cùng 76 cung nữ phải chết chôn theo tại lăng Thánh Tông.
 
Cuộc tiếm quyền này diễn ra nhanh chóng và êm đẹp tuy nhiên cũng để lại nhiều điều tiếng. Có sử gia cho là Ỷ Lan tham quyền lực; việc sát hại hoàng hậu Thượng Dương và các cung nữ cũng bị nhiều người coi là tội ác, là vết đen trong cuộc đời và sự nghiệp.
 
Tuy nhiên chính lần nhiếp chính thứ hai này với cương vị là người lãnh đạo chính thức, cao nhất của đất nước trong nhiều năm mới thực sự thể hiện tài năng của người phụ nữ kiệt xuất trong lịch sử nước ta. Để đánh giá đúng công hay tội, trước hết cần thấy hết ý nghĩa của cuộc tiếm quyền hay đúng hơn là cuộc đảo chính cung đình này.
 
Ngay sau khi Lý Thánh Tông mất, nước Đại Việt rơi vào tình thế nguy nan. Vua Lý Nhân Tông còn quá nhỏ (7 tuổi), Thượng Dương vốn con nhà khuê các, tuy làm hoàng hậu đã lâu nhưng chưa hề tham gia chính sự, không quan tâm đến việc triều chính; Lý Đạo Thành vốn là quan văn chuyên lo việc nội chính. Trong khi đó, theo sách TT, phía Nam Chiêm Thành đã mang quân mưu chiếm lại hai châu cũ. Đặc biệt phương Bắc, Vương An Thạch làm tể tướng lại ráo riết thực hiện âm mưu từ muôn đời thôn tính nước ta. Vua Tống quyết chí xâm lược; đã sai Thẩm Khởi, Lưu Di một mặt tập hợp quân mã, quân khí và lương thực, lại lo đóng thuyền bè, tập kết tại Quảng Tây; mặt khác kết liên với Chiêm Thành để chuẩn bị cùng tiến quân xâm chiếm nước ta.
 
Trước tình thế đất nước nguy nan, Ỷ Lan đã quyết định chiếm lấy quyền chính, tự làm Nhiếp Chính, đẩy Lý Đạo Thành về trấn Nghệ An, đưa Lý Thường Kiệt làm Thái Úy tổng chỉ huy quân đội vừa lo đảm bảo quốc phòng vừa gấp rút chuẩn bị chống xâm lược. Cuộc thay đổi đó được sự đồng tình của cả hoàng tộc và triều đình nên đã diễn ra êm đẹp và nhanh chóng, không gặp sự chống đối nào. Chỉ mấy tháng sau, ngay Lý Đạo Thành cũng trở lại nhận chức Thái Sư và cộng tác đắc lực trong công cuộc chuẩn bị kháng chiến chống Tống cũng như suốt thời gian Ỷ Lan làm nhiếp chính.
 
Do đó nên nhìn nhận đúng Ỷ Lan đã có một tầm nhìn chiến lược sắc sảo và cần thiết, việc chiếm quyền nhiếp chính là một hành động vì dân vì nước kịp thời đáng được ca tụng như ngày nay đã nhận định về hành động của Dương Vân Nga trao hoàng bào cho Lê Đại Hành. Kết quả với tầm nhìn chiến lược của Ỷ Lan, với tài ba quân sự của Lý Thường Kiệt, chỉ hai năm sau một sự kiện có một không hai trong suốt lịch sử Việt Nam, quân Việt đã tiến công phá hủy gần như toàn bộ các kho quân lương, vũ khí và hầu như hủy diệt thủy quân Tống ngay tại ba châu: châu Ung, châu Khâm và châu Liêm cùng quân cảng tại đất Quảng Tây, tạo cơ sở để năm 1076 chặn đứng cuộc tiến công xâm lược nước ta của hơn mười vạn quân Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt và buộc chúng phải rút chạy về nước.
 
Việc Ỷ Lan chiếm quyền nhiếp chính dễ được sự đồng tình của nhân dân và lịch sử thì việc sát hại Thượng Dương hoàng hậu và trên 70 cung nữ lại bị nhận định khá nặng nề. Trước hết đây là những nữ nhân yếu đuối lại không có hành động chống đối nào. Tuy nhiên nếu xét trên bình diện với các nhà chính trị, gánh vác quyền lực to lớn để nhận định, có thể coi cũng như trường hợp của Trần Thủ Độ, nay đã được lịch sử và nhân dân công nhận công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược mà thông cảm với tội lừa chôn sống hơn trăm hoàng tộc nhà Lý vì để nhằm bảo đảm sự vững mạnh của triều đại mới sơ khai. Thêm nữa cũng lưu ý việc cho chôn theo tại lăng vua Lý Thánh Tông không phải là một tội hình mà thời đó còn mang tính chất nghi lễ tôn giáo, có thể thấy rõ ngay cả khi Ỷ Lan mất, con là vua Lý Nhân Tông cũng cho chôn theo một số cung nữ hầu cận. Do đó không nên quá nhấn mạnh vào lỗi này để phủ nhận công lao to lớn với đất nước.
 
Trong nhiều năm nhiếp chính lần thứ hai này, từ khi Lý Nhân Tông còn nhỏ cho đến khi vua trưởng thành, thể hiện rõ rệt tài năng, đức độ và những đóng góp to lớn của Ỷ Lan - Linh Nhân Hoàng Thái Hậu với đất nước, tạo nên một thời kỳ thịnh trị triều Lý với những chiến công hiển hách phá Tống, bình Chiêm rực rỡ nhất trong lịch sử nước ta mà có nhà sử học còn gọi là thời đại Ỷ Lan.

Kỳ sau: Những đóng góp quan trọng của Ỷ Lan Nguyên Phi về văn hóa xã hội
 
 GS.TS. Ngô Ngọc Liễn

Tin cùng chuyên mục

Đưa sáng tạo vào văn hóa dân gian

Đưa sáng tạo vào văn hóa dân gian

(PNTĐ) - Hiện nay, đưa chất liệu văn hoá dân gian trong các sáng tạo đang là xu thế và được giới trẻ sử dụng ở nhiều lĩnh vực. Nổi lên như một kho tàng cảm hứng phong phú và hấp dẫn cho âm nhạc, thiết kế hội họa, đến phim ảnh, thời trang… chất liệu văn hóa dân gian đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, đưa nét đẹp truyền thống dân tộc dần “tái sinh” trở lại.
Nữ giáo viên giỏi nghề có tấm lòng nhân hậu

Nữ giáo viên giỏi nghề có tấm lòng nhân hậu

(PNTĐ) - Điều đáng quý ở cô giáo Nguyễn Thị Mai Tuyết không chỉ ở sự nỗ lực vượt khó vươn lên để đạt nhiều thành tích cao trong các hoạt động chuyên môn và công tác xã hội mà cô còn có nhiều hoạt động nhân ái, chia sẻ khó khăn với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chịu nhiều mất mát, thiệt thòi.
Kỳ cuối: Cộng đồng cùng sống vui, sống khỏe

Kỳ cuối: Cộng đồng cùng sống vui, sống khỏe

(PNTĐ) - Để phòng bệnh trầm cảm, mỗi người cần chủ động chăm sóc sức khoẻ tinh thần để luôn cân bằng và khoẻ mạnh, đồng thời sớm phát hiện những bất ổn về tâm lý để có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, cải thiện chất lượng sống.