“Chuyển động” phía sau những tấm huy chương
PNTĐ-Những ngày cuối năm 2014, đoàn Việt Nam với 5 học sinh trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam đã đại thắng trở về sau khi giành được 2 HCV,2 HCB,1 HCĐ tại cuộc thi Khoa học trẻ quốc tế (IJSO).
Thành tích cao nhất của Việt Nam tại IJSO
“Và bây giờ huy chương Vàng được trao cho các học sinh có tên sau: Mai Đặng Quân Anh, Đinh Anh Dũng…”. Cho đến lúc này, cả đoàn Việt Nam trong đó có cô giáo lãnh đạo đội Nguyễn Thị Hồng và các học sinh (HS) tài năng Quân Anh, Dũng, Quang, Lâm, Chính của trường Hà Nội-Amsterdam vẫn không quên được cảm giác vui mừng xen lẫn tự hào khi BTC IJSO xướng tên HS Việt Nam lên bục nhận huy chương Vàng và không chỉ một mà… hai lần. Bao tâm huyết, khổ luyện của cả thầy và trò cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng. Các em đã lập kỷ lục, giành thành tích cao nhất cho Việt Nam trong các lần tham dự cuộc thi quan trọng này.
![]() |
Đoàn học sinh trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam đem về những tấm huy chương quý giá |
IJSO được tổ chức bởi một hội đồng các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, được ví giống như kỳ “Olympic quốc tế” dành cho HS lứa tuổi 15. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, mỗi quốc gia có chiến lược khác nhau. Chẳng hạn, Ấn Độ ngay khi kết thúc IJSO năm nay đã bắt tay tuyển chọn đội tuyển cho mùa thi sau. Còn HS Việt Nam chỉ có khoảng 9 tuần ôn luyện, nhưng đó là những tháng ngày cả thầy trò cùng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. “Nhiều người nghĩ, luyện đội tuyển đơn giản vì các em đều là HS giỏi, có sẵn tố chất tốt. Nhưng, chính yếu tố đó lại là áp lực với thầy cô giáo.
Mỗi buổi học chỉ 5 tiết mà các em có thể học hết kiến thức của vài chương trong SGK. Nhiều bài, các thầy cô bỏ ra cả tuần biên soạn chỉ để dạy các em trong 1 ngày”- cô Hồng kể. Ngoài các buổi học lý thuyết, 5 HS còn có 40% thời lượng thực hành tại các phòng thí nghiệm hàng đầu của ĐH Sư phạm, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Bài thi trong IJSO, không chỉ tổng hợp kiến thức của các môn khoa học tự nhiên mà còn có giá trị khuyến khích HS phát triển hết tiềm năng, năng lực để giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống. Vì thế, cả 5 em đều phải là những HS xuất sắc, học tốt tất cả các môn khoa học tự nhiên, thành thạo tiếng Anh. Năm nay, IJSO được tổ chức tại Mendoza là thành phố nằm trên dãy núi Andes với khí hậu khô, nước sinh hoạt dựa vào nguồn băng tan chảy. Đây cũng là nơi sản xuất rượu vang lớn nhất Argentina.
Đó là lý do vì sao, BTC đã đưa ra rất nhiều câu hỏi liên quan trực tiếp đến thành phố này, chẳng hạn yêu cầu HS chọn loài thực vật thích hợp để phủ xanh đất ở Mendoza; tính nhiệt lượng cần sinh ra làm tan băng nhằm thu được lượng nước sinh hoạt nhất định. Trong phần thực hành, HS được làm thí nghiệm về phản ứng lên men của rượu, đánh giá nồng độ các chất có trong các sản phẩm đồ uống.
Chuyển động từ phương pháp dạy mới
Năm nay, IJSO có sự tham dự của 234 HS đến từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài Việt Nam chỉ có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ khác có HCV như Ấn Độ, Nga, Thái Lan, Inonesia, Đài Loan… và chỉ một nửa trong số đó có từ 2 HCV trở lên. Đây là năm thứ 5 liên tục Hà Nội được Bộ GD-ĐT giao trọng trách lựa chọn, thành lập và bồi dưỡng đội tuyển đại diện cho HS Việt Nam tham dự kỳ thi. Qua thời gian, kết quả của đội tuyển Hà Nội ngày càng tiến bộ. Năm 2003, 4/4 thành viên đội tuyển đoạt HCĐ. Đến IJSO lần thứ 10 - năm 2013, lần đầu tiên đội tuyển Hà Nội có 1 HCV và IJSO năm nay, số HCV đã tăng gấp đôi.
Theo bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội-Asterdam, trong số 5 HS tham dự IJSO năm nay, có tới 4 HS từng học THCS theo hệ tạo nguồn học sinh chuyên tại trường Hà Nội - Amsterdam, 2/4 em này lại giành được HCV. Đến thời điểm này, một số trường ĐH mới bắt tay vào dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh thì trường Hà Nội –Amsterdam đã áp dụng thí điểm hình thức này từ 4 năm trước cho HS từ bậc THCS. Việc dạy học tích hợp, liên môn và liên hệ kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn cũng được thực hiện hàng ngày trên lớp.
Ông Nguyễn Hữu Độ-Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: Kết quả của đoàn HS Hà Nội tại IJSO năm 2014 không chỉ là bước đệm cho chặng đường tiến tới thành tích cao hơn ở các kỳ thi quốc tế mà còn là bằng chứng về sự chuyển động tích cực trong công tác dạy - học theo hướng vận dụng kiến thức liên môn, vận dụng kiến thức vào thực tiễn trong trường phổ thông. |
Khánh Linh