Kỳ 2: Nuôi mầm thiện trong học sinh

Chia sẻ

PNTĐ-Nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường có rất nhiều như: thiếu sự quan tâm sát sao của cả nhà trường lẫn gia đình, học sinh (HS) bị ảnh hưởng xấu từ xã hội…

 
Thay đổi được những điều này cần thời gian và sự vào cuộc của các ban ngành. Tuy nhiên, thay vì chờ đợi giải pháp vĩ mô, tại nhiều ngôi trường, trong nhiều lớp học, nhiều thầy cô giáo đã và đang chủ động tìm ra các cách khác nhau để nuôi mầm thiện trong học sinh, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường…
 
Phối hợp “nhiều bên” để quản trò
 
Cách đây nhiều năm THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng từng nổi tiếng vì bạo lực học đường xảy ra nhiều như cơm bữa. Đến nay, tai tiếng đó đã lùi xa, trả lại cho HS THPT Trần Nhân Tông môi trường học tập trong lành.
 
Thầy Trần Thanh Sơn - nguyên Hiệu trưởng nhà trường, người đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm ra “bí quyết” để dẹp bạo lực học đường, nhớ lại: “Mỗi ngày, HS chỉ có mặt ở trường vài ba tiếng, đa số thời gian còn lại các em sống với gia đình, xã hội. Nhà trường xác định cần quản lý HS tốt cả trong và ngoài nhà trường. Muốn vậy, chúng tôi phải huy động sự vào cuộc của PHHS và các lực lượng xã hội khác như công an và người dân trên địa bàn. Thông qua cuộc họp PHHS đầu năm, trường đề nghị các gia đình thống nhất biện pháp giáo dục, không được che giấu khuyết điểm của con em mình.
 
Trường còn có mối quan hệ chặt với công an sở tại, cả công an nơi HS cư trú, nhất là HS cá biệt. Bất cứ khi nào cần, lực lượng công an luôn có mặt kịp thời để cùng trường giải quyết sự việc. Chính CA, lực lượng dân phòng phường đã giúp trường giải tỏa ách tắc giờ tan học, giải tán lực lượng đầu gấu (nếu có) từ nơi khác đến. Người dân sở tại lại giúp báo cho trường những hiện tượng xấu như HS sắp đánh nhau, quậy phá, trốn học, không cho HS vượt tường leo sang nhà mình, không nhận trông xe máy cho HS… Nhờ sự phối hợp “nhiều bên” như vậy mà tình trạng HS quậy phá, đánh nhau ở trường THPT Trần Nhân Tông đã bị xóa sổ.
 
THPT Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình cũng là ngôi trường “quy tụ” nhiều HS cá biệt hoặc có sức học kém ở khắp Hà Nội. “HS cá biệt không phải HS hư mà là các em có cá tính mạnh. Để “thu phục” các em, thay vì phê phán, nhìn các em như những sản phẩm bỏ đi, người lớn cần hiểu tâm tư, mong muốn của các em trước” – thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng cho biết. Năm 2005, THPT Đinh Tiên Hoàng gần như là ngôi trường đầu tiên ở Hà Nội lập ra phòng tham vấn tâm lý học đường. Tất cả các HS gặp rối nhiễu tâm lý, có khúc mắc khó tháo gỡ trong cuộc sống, quan hệ bạn bè… đều có thể xuống phòng tư vấn gặp gỡ các chuyên gia tâm lý. Đây cũng là nơi giúp trường giải quyết kịp thời nhiều mâu thuẫn tuổi học trò mới manh nha xuất hiện trước khi chúng kịp trở thành các vụ bạo lực học đường.
 
Kỳ 2: Nuôi mầm thiện trong học sinh - ảnh 1
Phòng tư vấn tâm lý học đường trường THPT Đinh Tiên Hoàng
đã tháo gỡ nhiều khúc mắc và đưa HS đến gần nhau hơn
(ảnh: nữ sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng)
 
“Không ngồi đợi HS tự tìm đến với  mình, các giáo viên khi lên lớp, nếu thấy bất kỳ HS nào có biểu hiện bất thường sẽ báo xuống phòng tư vấn. Các chuyên gia tâm lý lại chủ động tìm gặp các HS đó để tháo gỡ tâm tư cho các em” – thầy Nguyễn Tùng Lâm cho biết. Trung bình trong một năm học, phòng tư vấn tâm lý của trường Đinh Tiên Hoàng đã giúp tư vấn cá nhân cho khoảng 80-100 ca rối nhiễu tâm lý tuổi học trò...
 
Và gieo mầm nhân ái trong từng tiết học
 
Tại nhiều trường, các thầy cô giáo còn tận dùng từng tiết học để lồng ghép nội dung dạy HS làm người tốt. “Khi các học sinh biết yêu thương và có cơ hội hiểu nhau, các em sẽ không bao giờ dùng vũ lực để làm bạn mình tổn thương”, cô giáo Lê Hồng Hoa, giáo viên môn Giáo dục công dân trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tâm sự.
 
Nhờ nỗ lực của cô mà môn Giáo dục công dân ở trường Nguyễn Thị Minh Khai chưa bao giờ bị các HS coi là môn phụ. Tư liệu phục vụ bài giảng, ngoài SGK, còn là những câu chuyện cảm động về tình người, lòng hiếu thảo… cô sưu tầm qua internet, sách báo rồi kể cho HS. Điều cô mừng nhất là các HS của mình đã luôn yêu thương nhau. Nhiều năm qua, tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có hình ảnh rất đẹp là sau mỗi giờ tan học, các HS nam thường đi cùng, để bảo vệ các bạn gái trong lớp về nhà an toàn.
 
Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội lại nổi tiếng với những bức tâm thư của hiệu trưởng gửi học sinh trong mỗi ngày khai giảng hoặc khi có các sự kiện nóng mà HS cần được định hướng để có ứng xử đúng. Khai giảng năm học 2014-2015, thầy Văn Như Cương đã làm lay động hàng trăm con tim HS khi đọc bài diễn văn xúc động với thông điệp: “Hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình, yêu bạn bè, thầy cô…". PGS Văn Như Cương cho biết: “Nhiều em đã bật khóc ngay trên sân trường vì xúc động. Tôi biết, sau đó, các em đã thay đổi rất nhiều, biết quan tâm nhau hơn, hướng thiện hơn”.
 
Tại trường THPT Phan Huy Chú, cô giáo Nguyễn Kim Anh lại biến thành giờ sinh hoạt lớp thành tiết học đặc biệt mang tên “Nếp nhà”. Qua đó, cô giáo đã dạy cho các HS cách quan tâm tới cha mẹ, làm những việc nhà từ nhỏ nhất như gấp quần áo, dọn dẹp nhà cửa, bày mâm cơm cho đẹp... Chính cô cũng có sáng kiến cứ sau mỗi tiết học văn, các giáo viên lại dành ra từ 7-10 phút để HS được nói lên suy nghĩ của mình về tác phẩm và bài học các em rút ra cho cuộc sống. Chẳng hạn, sau tiết học về Tuyên ngôn độc lập, nhiều HS của cô đã rút ra bài học về khát vọng tự do, cả về tình yêu quê hương, đồng bào, đồng loại… của con người.
 
Với các thầy cô giáo, gieo mầm thiện trong học sinh chính là để chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ biết sống lương thiện, nhân văn, cống hiến.
 
Hồi âm bài báo “Nhức nhối bạo lực học đường” đăng trên Phụ nữ Thủ đô số 2-2015:
 
“Bạo lực bị động” nguy hiểm ghê gớm
 
Lâu nay, chúng ta chỉ nhìn bạo lực học đường qua hình ảnh HS đấm đánh nhau. Nhiều em vì mâu thuẫn rất nhỏ mà sẵn sàng xông vào “sống mái” với bạn. Là PHHS có con cũng đang đi học, tôi thấy đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bạo lực. Đúng như bài báo đã nêu, tôi thấy lo cho các nạn nhân “bị động” của bạo lực học đường hơn. Các em là những HS ngoan, hiền, thậm chí học giỏi bị bạn bè bắt nạt, trấn lột, hành hạ cả về tinh thần và thể xác.
 
Tôi quen một cháu nhỏ bị bạn bè trêu trọc, gọi là Mr Bean vì cháu khá vụng về. Người lớn tưởng đó chỉ là trò đùa của con trẻ, không ngờ với cháu bé, đó lại là sự trách cứ, xúc phạm ghê gớm. Bức xúc bị dồn nén, cuối cùng, từ một đứa bé có bản tính hiền lành, nhút nhát, cháu đã cầm gạch ném chảy máu đầu một bạn cùng lớp. Lại có cháu HS khác là con nhà nghèo nhưng học chung với các bạn con nhà giàu. Ngày nào, các bạn nhà giàu cũng mang Ipad, Iphone tới lớp lướt web. Cháu HS nghèo xin bạn cho mình được dùng chung đồ, nhưng đã bị các bạn nhà giàu từ chối, còn nhìn cháu bằng con mắt thiếu tôn trọng, coi cháu là người ăn xin. Cảm giác bị phân biệt đối xử ấy kéo dài suốt năm học khiến cháu HS con nhà nghèo tự ti, mặc cảm về gia cảnh. Cuối cùng, khi con học hành sa sút, gia đình cháu HS nghèo mới phát hiện nguyên nhân và phải xin chuyển trường cho con.
 
Theo tôi, giải quyết tình trạng bạo lực học đường âm thầm này đòi hỏi sự nhạy cảm của mỗi người lớn. Giáo viên khi lên lớp, nếu thấy bất cứ hành vi nào có thể gây ra bạo lực học đường cần ngăn chặn ngay. Bạo lực không chỉ là đánh, đấm, làm nhau bị thương thể xác mà còn là những lời nói vô hình, sự tẩy chay, phân biệt đẳng cấp… Cha mẹ, nếu thấy con có biểu hiện khác lạ như chán học, hay buồn bã… nên đưa con đi thăm khám. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dạy con biết cảm thông với người khác, con không muốn nhận về sự kỳ thị, bạo lực thì cũng đừng làm vậy với bạn bè mình.
 
Phạm Thương Huyền (Lĩnh Nam, Hà Nội)
 

Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.