Xem vở chèo “Dòng lệ Tố Như”

Chia sẻ

ĐSGĐ-Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, Nhà hát Chèo Việt Nam cho ra vở “Dòng lệ Tố Như”...

 
Vở “Dòng lệ Tố Như”, của TS Trần Đình Ngôn, đạo diễn Đoàn Đình Vinh. Với niềm thương cảm trước nỗi đau của mọi kiếp người, và thái độ lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo, bất công của chế độ phong kiến, đề cao khát vọng hạnh phúc, tự do, công lý và chính nghĩa… vở chèo đã chinh phục được nhiều người xem.
 
Xem vở chèo “Dòng lệ Tố Như”  - ảnh 1
Cảnh trong vở diễn
 
3 nhà hát từng không dám dựng vở vì… gai góc.
 
Vở chèo bắt đầu bằng việc chị Mây đem con đến ăn xin, Nguyễn Du nhận ra là bạn tri âm ở phường vải. Chị gửi con gái cho ông nuôi, và đói lả quá, chết. Quan tòng sự đem chiếu chỉ của vua, thăng chức cho ông đi sứ triều cống nhà Thanh Trung Quốc. Quan đại thần mở tiệc tiễn đoàn sứ bộ, tên tòng sự mê cô đào hát Thị Thái. Quan đại thần gả bán cho hắn, mong được lòng để hắn nói với anh cả của hắn làm quan to trong triều, nâng đỡ cho con mình. Đoàn sứ bộ Việt Nam đến tỉnh Hầu Nam, Nguyễn Du gặp cảnh mẹ con người xin ăn, bị quân của quan tổng đốc giằng con chị ném xuống sông. Thương con, người mẹ lao mình xuống sông tự vẫn. Nguyễn Du đang làm việc, Thị Thái đến cầu cứu vì viên tòng sự đắc chí, ngày đêm hành lạc, liễu yếu đào tơ không chiều được, bị đánh đập ê chề. Viên tòng sự đánh ghen, vu cho Nguyễn Du là tiểu nhân tục tử. Hồn Đỗ Phủ, Khuất Nguyên của ngàn đời xưa hiện về đàm đạo nỗi đau đời đen bạc, bất hạnh với Nguyễn Du. Tướng quân đem huyết thư của Thị Thái đến báo tin là bị viên tòng sự bán vào lầu xanh, nàng đã tự vẫn. Nguyễn Du đi sứ về, đợi phân công việc, viên tòng sự nay đã lên chức thị lang bộ hình, báo tin mua được người hầu non, trẻ, đẹp là cô Lưu con nuôi của ông. Cô Lưu lao mình đi tự vẫn. Nguyễn Du đau khổ, khóc không ra nước mắt, ngậm ngùi, oán trách, đau đớn lấy gươm định tự vẫn, thì hồn Nguyễn Trãi hiện về an ủi.        
 
“Còn muôn đời ngọn bút với thanh gươm,
Văn tải đạo phải đâu là vô vọng”.
 
Nguyễn Du bừng tỉnh, lấy máu ở ngón tay viết kiệt tác Truyện Kiều:
 
“Để tang cho mọi kiếp người
Nỗi đau kể lại cho đời mai sau”.
 
Tác giả TS Trần Đình Ngôn kể rằng năm 1981 ông đạp xe đạp từ TP Vinh đi Tiên Điền hơn 30km để viếng Nguyễn Du, trên đường về ý tưởng vở diễn đã hình thành. Năm ấy ông đã viết xong vở, giới thiệu cho 3 nhà hát, nhưng họ không dám dựng vì gai góc quá. Phải đợi 34 năm sau nhà hát Chèo Việt Nam mới dám dựng vở. Đến nay ông đã viết 106 vở chèo theo nhiều chủ đề, và nhiều phương pháp khác nhau, nhưng phương pháp dựng vở của “Dòng lệ Tố Như” vẫn chạm đến cảm xúc của người xem. Tác phẩm này viết theo lối tự sự kể chuyện của chèo truyền thống.
 
Ông không biến nhân vật chính thành hình tượng xung đột với các tuyến nhân vật, tuyến nhân vật phản diện chỉ là cái cớ để tô thêm phẩm cách của nhân vật chính. Tác giả miêu tả sinh động các nhân vật xoay quanh nhân vật Nguyễn Du, như những con người cụ thể có sức sống riêng, chân thật, gây được ấn tượng sâu sắc, vừa có nét điển hình, vừa có nét riêng. Kịch bản mang tính văn học cao, miêu tả Nguyễn Du vừa dào dạt yêu thương, vừa bừng bừng căm giận.
 
Nghẹn ngào phận Tố Như    
 
Đạo diễn Đình Vinh sáng tạo nhiều mảng miếng sân khấu hấp dẫn, ngoạn mục, trau chuốt, lược bỏ những đoạn dài của kịch bản, vở đạt đến thẩm mỹ. Như màn giao đãi xử lý Nguyễn Du đứng ở bục cao ở giữa tiền đài đăm chiêu, suy nghĩ. Cô Cầm hát ca trù, và bà mẹ mất con xuất hiện cùng các nhân vật khác của vở, rất nhiều người đói khổ, hành khất ra đầy sân khấu. Nguyễn Du hòa chung vào đoàn người, chứng kiến mọi kiếp người. Hoặc xử lý cảnh phó sứ đã lên chức thị lang bộ hình, báo tin cho Nguyễn Du là mua được cô đào non, trẻ, đẹp lại chính là con nuôi của ông. Nguyễn Du bị tên quan thị lang mạt sát: “Bảo cho hay muốn trong sạch thì một mình trong sạch”. Cô Lưu không chịu được nỗi cơ cực đắng cay, vì đã bán mình cho tên quan thị lang hùm sói, để có tiền chôn cất mẹ nuôi.
 
“Cha ơi, kẻ ác thì có thế, có quyền, có tiền để ác”, sau lời oán than, cô Lưu tự vẫn. Đạo diễn xử lý Nguyễn Du thét lên, đau khổ: “Trời ơi, con” rồi ngậm ngùi tủi cực ngâm: “Đời bao nhiêu kiếp phong trần, hồn cha cũng bấy nhiêu lần thác oan”. Hoặc cảnh bốn oan hồn hiện về đi quanh Nguyễn Du, trong cảnh hào quang lúc sáng lúc tối, vừa cầu cứu, vừa oán trách, than thở cho nỗi oan khiên của mình. Nguyễn Du bàng hoàng, đau xé lòng ngâm: “Khi cái ác hoành hành ngang ngược, mà kẻ nắm uy quyền luôn đứng ở đằng sau”.
 
Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam vào vai một cách chín chắn, chân thật, diễn tả nhân vật tài tình, hiện thực mà sinh động. Qua một lớp thoại thơ, hay một trổ hát số phận nhân vật đã hiện ra rõ nét. Nghệ sĩ Xuân Tài có khuôn mặt chữ dụng, đôi mắt sáng, diễn tả được Nguyễn Du, hiền từ, đức độ, đau xót buồn thương, phẫn nộ những điều trông thấy. Ông cảm thán đau thương cho số phận con ngườ bị ruồng bỏ. Lớp diễn gây xúc động nhất của anh là lớp chị Mây đưa con đến ăn xin, đói lả và chết. Nguyễn Du đang bàng hoàng khôn cùng, thì viên tòng sự đến đọc chiếu chỉ vua thăng chức cho ông đi sứ. Ông cảm thán: “Dân đã không còn manh áo lưng cơm, mà châu báu bạc vàng vẫn mang đi triều cống”, rồi hát điệu sử dầu: “Từ hôm nay bên vồng khoai rược mạ, chị hãy nằm yên giấc nghỉ ngàn thu”.
 
NSƯT Thu Hiền từng đóng vai Bảo Ngọc trong “Đường trường duyên phận”, đạt huy chương vàng, nay thể hiện một cô đào già có tiếng hát hay nổi tiếng Thăng Long. Nhưng cuộc đời bị xô đẩy đến “như vỏ chanh bãi mía, vứt bên đường tơi tả dưới trời mưa”. Chị diễn nội tâm sâu sắc, thể hiện được một người đào già, đơn độc sợ cả ánh đèn, nhưng lại có lòng nhân hậu nhận nuôi con Lưu để Nguyễn Du đi sứ. Nghệ sĩ Thục Hiền thể hiện được Thị Thái - cô đào trẻ tài hoa nhan sắc. Chị diễn được nỗi đau ai oán của cuộc tình duyên gán ghép khập khiễng với viên tòng sự độc ác đáng tuổi cha mình. Nghệ sĩ Đình Vinh thể hiện được ông già hát rong, hát khúc ly tao nhớ Khuất Nguyên rất khí phách, đau thương đến xé lòng: “Người đời… đua nhau theo một vẹo đường cong”. Nghệ sĩ Bá Dũng hóa trang khuôn mặt lưỡi cày, mắt xếch láo liên, trắng dã, cắm râu giữa cằm tạo cho khuôn mặt đểu cáng thâm hiểm, háu gái và lật lọng.
 
Điều đáng nói là kịch bản còn dài, như lớp Thị Thái khóc cho hồn người đàn bà bạc mệnh, và quan phó sứ bị đầu độc. Rồi từ dưới sông hình bóng người mẹ bồng con hiện lên. Hay lớp tổng đốc Hồ Nam khai hội đua thuyền, chàng trai cá kình bơi giỏi đoạt giải. Nguyễn Du hỏi có gặp Khuất Nguyên không? Hoặc lớp hồn Khuất Nguyên khuất dần trong trăng mờ, hồn người mẹ ăn xin bồng con, và ông lão hát rong hiện ra quỳ gối một tay cầm đàn nhị, còn tay kia cầm cái bát chìa ra xin. Đoạn Nguyễn Du ngâm kiều: “Trăm năm trong cõi người ta” đến “Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân” dài 16 câu, dài quá. Hoặc tiếng Từ Hải, nàng Kiều ai oán thê lương. Về điển tích, lời Khuất Nguyên:
 
“Đời sau ai cũng là Tử Lan, Trịnh Tụ” là hai gian thần nước Sở, hoặc “mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La” nơi Khuất Nguyên gieo mình tự vẫn vì can gián vua không nghe, mất nước. Nên viết rõ nghĩa cho khán giả hiểu hơn sẽ tốt hơn. Vở diễn sáng đèn vào mỗi dịp cuối tuần tại Nhà hát chèo Kim Mã.
 
    Trà Lý

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

(PNTĐ) - Tối qua, 23/4 công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chính thức khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách. Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.