Tài sản chung hoá tài sản riêng

Chia sẻ

ĐSGĐ-Chị Yến không khỏi đau xót, vì nếu như không được chia tài sản, chị sẽ phải ra đi tay trắng. Như vậy cũng có nghĩa chị phải đối mặt với việc không được nhận quyền nuôi con...

 
Tài sản chung hoá tài sản riêng - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Người vợ cả tin
 
Rời phiên toà, lòng chị Yến rối bời. Dù vị luật sư nói có thể sẽ đòi được một số tài sản ở phiên xử sau nhưng chị vẫn không khỏi hoang mang. Nếu như chị không thể thu thập được hết chứng cứ như Toà yêu cầu, nếu như người ta không xác nhận cho chị… hàng vạn “nếu như” cứ thế xuất hiện trong đầu khiến chị không thể tập trung nổi để nghe vị luật sư căn dặn. Bỗng dưng chị trở thành tay trắng sau bao nhiêu năm làm vợ, làm dâu, dốc hết sức lực cho nhà chồng. Nhìn sang anh chồng đang dương dương tự đắc phía bên kia, chị càng uất hận. Làm sao chừng ấy năm trời chị lại có thể yêu thương, một con người hết tình hết nghĩa như thế.
 
Là con gái tỉnh lẻ, lấy được chồng thành phố, chị Yến không khỏi hãnh diện với các bạn đồng trang lứa ở quê. Dẫu gì thì giờ đây chị cũng đàng hoàng làm dâu thành phố, tuy không ở nội thành nhưng bố mẹ chồng nhiều đất đai, mà ở thành phố bây giờ đất là vàng là bạc. Về làm dâu được hai năm, chị Yến sinh hai con đủ trai và gái. Vốn không nghề nghiệp nên sau khi sinh con, chị Yến chỉ quanh quẩn ở nhà phụ mẹ chồng buôn bán lặt vặt và chăm sóc con cái.
 
Năm 2005, bố mẹ chồng chị Yến chuyển về sống với vợ chồng con trai cả để lại ngôi nhà cấp 4 cùng mảnh đất hơn 100 mét vuông cho vợ chồng con trai út. Một năm sau, anh Tiến quyết định bán đất lẫn nhà mua mảnh đất khác hẹp hơn để ở, vừa có tiền xây nhà đẹp, sắm sửa tiện nghi lại còn dư tiền gửi tiết kiệm để nuôi con ăn học. Nghe chồng nói có lý, chị Yến đồng ý. Cầm 8 tỷ đồng trên tay, hai vợ chồng chị cứ ngỡ nằm mơ. Vốn là con gái nhà nông, học hành ít nên mọi chuyện trong gia đình chị Yến đều để chồng một tay giải quyết. Từ chuyện làm nhà, mua xe ô tô để chạy khách du lịch đều do chồng lo liệu, chị an phận với công việc nội trợ, chăm con. Ngay cả chuyện đứng tên sở hữu tài sản trong gia đình, chị Yến cũng không hề quan tâm.
 
Chị kể có lần chị cũng được chồng nói về việc đứng tên quyền sử dụng đất khi làm sổ đỏ cho mảnh đất mới. Lần đó khi nghe chồng nói rằng đứng tên vợ hay chồng thì cũng nằm trong gia đình cả. Chị nghĩ cũng đúng, đã là người một nhà thì còn phân biệt chung hay riêng. Do vậy, khi chồng bảo ký tên vào giấy tờ gì đó để tiện việc làm sổ đỏ, chị ký vào mà không hề đọc nội dung trong ấy viết gì.
 
Tiếp đến là đứng tên sở hữu ô tô, chị cũng không màng đến mà để cho chồng tự giải quyết. Từ đầu đến cuối chị nghe theo chồng răm rắp, bảo ký gì thì ký nấy, không một chút nghi ngờ.
 
Xây được nhà đẹp đầy đủ tiện nghi, có xe ô tô kinh doanh, con cái đủ nếp lẫn tẻ, chị Yến bằng lòng với cuộc sống đang có. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ đong đầy trong nỗi thèm muốn của nhiều người.
 
Nguy cơ tay trắng
 
Chị Yến kể, ngày anh Tiến đặt tờ đơn ly hôn trước mặt, chị không khỏi bàng hoàng. Chị hỏi nguyên nhân, anh bảo hai người không còn "hợp nhau" và anh đã có người khác. Hoá ra cái "không hợp" nhau mà anh Tiến nói đó chính là sự quê mùa của chị Yến. Làm dâu thành phố hơn chục năm nay, thời khó khăn thì không nói làm gì, thời có của ăn của để mà chị vẫn không chịu đổi mới. Trong khi đó, anh Tiến trong vai trò của một ông chủ xe khách, tiền bạc rủng rỉnh, đi đây đi đó liên tục, tiếp xúc nhiều cô gái trẻ. Vậy là "có mới nới cũ", chị Yến không còn hợp với phong cách sống mới của chồng từ lúc nào không hay.
 
Níu kéo mãi không được, chồng lại một mực đòi ly hôn càng nhanh càng tốt, chị Yến đành ngậm đắng nuốt cay ký vào tờ đơn ly hôn với mong muốn sau khi ly hôn sẽ được chia một nửa tài sản và được toàn quyền nuôi hai đứa con. Oái oăm thay, chuyện chia con không thành vấn đề, chị muốn nuôi cả hai đứa anh Tiến cũng chấp nhận. Vấn đề lại nằm ở chỗ tài sản. Đúng lúc ấy thì chị Yến mới ngỡ ngàng khi toàn bộ tài sản đều của riêng một mình chồng chị. Rõ ràng đó là tài sản chung bố mẹ chồng để lại cho hai vợ chồng. Nhưng giờ  “của chung” lại bỗng nhiên biến thành của riêng với đầy đủ thủ tục pháp lý.
 
Khi sự việc đổ bể, bố mẹ chồng chị Yến vừa giận con trai lại thương cô con dâu hiền thảo. Ông bà cho biết việc anh Tiến làm thủ tục xác nhận quyền sở hữu tài sản ông bà có biết. Vì là chủ hộ đồng thời cũng là chủ sở hữu mảnh đất trước đó nên khi anh Tiến bán đất, bán nhà đều phải được ông bà đồng ý và ký các giấy tờ chuyển nhượng cho người mua. Khi mua mảnh đất mới để làm nhà sau này, anh Tiến đứng tên sở hữu một mình, ông bà cũng thắc mắc nhưng nghe con trai bảo của chồng hay của vợ đều là của chung vì sống cùng một nhà. Vốn ít hiểu biết nên ông bà cũng không có ý kiến gì thêm, kể cả việc anh Tiến mang các thứ giấy tờ về bảo con dâu ký, ông bà cũng không can thiệp. Bản thân họ cũng như chị Yến không thể ngờ được rằng, một ngày tất cả giấy tờ ấy lại trở thành bằng chứng thép cắt hết mọi quyền lợi tài sản của một người vợ được hưởng.
 
Phần chị Yến không cam lòng với kết quả chỉ được hưởng một số tiền nhỏ gọi là “đền bù hôn nhân” như lời anh Tiến nói, mọi tài sản khác đều thuộc về chồng nên đã kháng cáo. Theo luật sư tư vấn giờ chị cần tìm được những bằng chứng chứng minh chị đã bị chồng lừa ký vào đơn xin xác lập tài sản riêng trước đó. Mặt khác, chị cần “vận động” bố mẹ chồng đứng về phía con dâu, làm chứng cho việc nguồn gốc tài sản mà ông bà đã cho cả hai vợ chồng trước đó. Nếu có được những bằng chứng có lợi đó thì chị mới có hy vọng đòi được chia tài sản chung mà anh Tiến đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của vợ để biến thành “của riêng”.
 
Chị Yến không khỏi đau xót, vì nếu như không được chia tài sản, chị sẽ phải ra đi tay trắng. Như vậy cũng có nghĩa chị phải đối mặt với việc không được nhận quyền nuôi con vì không đủ điều kiện (giờ chị không nơi ở, không có việc làm ổn định, không có thu nhập). Chị trách mình đã quá tin tưởng chồng, chủ quan khi ký xác nhận giấy tờ chồng mang về mà không cần biết nội dung cụ thể là gì. Để khi xảy ra sự cố, trên giấy trắng mực đen, chị không tránh được sự thua thiệt.
 
Sự chủ quan, nhẹ dạ mà chị Yến vấp phải là bài học đắt giá đáng để nhiều chị em cùng rút kinh nghiệm. Bởi thực tế, có không ít phụ nữ khi chung sống không hề nghĩ đến ngày xảy ra sự cố nên đã không mảy may đề phòng. Bên cạnh đó, việc tin tưởng chồng cùng với sự thiếu hiểu biết về pháp luật, không ít người đã tay trắng vì "bút sa" khi ký vào những thứ giấy tờ mà họ nghĩ rằng nó hoàn toàn “vô hại”.
 
    Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.