Cô Tấm thời nay

Chia sẻ

ĐSGĐ-Nghe tin cô bạn gái ở một phường ven đô thuộc quận Tây Hồ phải ra toà ly hôn, tôi hơi buồn và hơi ngạc nhiên...

 
Cô Tấm thời nay - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Trước đây hai vợ chồng sống đẹp là vậy, lại biết làm kinh tế nên đời sống khá giả. Hai đứa con một gái, một trai luôn là con ngoan trò giỏi. Vậy mà khi anh chồng vương ái tình bên ngoài thì về nhà ruồng rẫy vợ con, bắt vợ ly hôn. Huyền bao lần níu kéo chồng nhưng không được. Sau những trận đòn chồng thừa sống thiếu chết, Huyền đành phải cầm bút ký vào tờ đơn ly hôn. Dù đứt ruột thương hại hai đứa con nhưng không còn cách nào khác.
 
Sau khi ly hôn, chồng bỏ đi với gái nhưng Huyền vẫn đưa mẹ chồng về ở chung để tiện bề chăm dưỡng. Nghe chuyện của Huyền lắm người ban đầu bán tín bán nghi: “Làm gì còn có người cam chịu thế giữa đất Hà Nội thời buổi này?...”. Nhưng khi tường tận đầu đuôi, mọi người càng phục và thương Huyền hơn. Thấy chồng bỏ vào Nam với người tình, để mẹ đẻ sống cô đơn, lay lắt, Huyền đã đón mẹ chồng về ở với ba mẹ con mình, bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn: “Tội gì mua cái mệt vào thân. Con bà ta có tốt đẹp gì, dám bỏ mẹ, vợ, con đi với gái… Anh ta là con người vô ơn, bạc tình bạc nghĩa, con đẻ còn bỏ mẹ, mình là dâu, lại đã ly dị rồi, việc gì phải bận tâm…”.
 
Tâm sự với tôi, Huyền bảo: “Ở vào hoàn cảnh mình chắc cậu và mọi người đều sẽ làm thế! Bà cụ sinh được mỗi người con, nay không còn ai nương tựa. Niềm vui và cũng là niềm hi vọng của bà là hai đứa cháu nội thì đang sống cùng mình. Mình xác định đưa bà cụ về sống cùng sẽ vất vả nhưng các con tôi còn có bà có cháu hàng ngày vui vẻ bên nhau…”. Nghe Huyền nói, tôi cứ nghĩ chắc những ngày hôn nhân còn hạnh phúc, cô và mẹ chồng có mối quan hệ tốt nên giờ cô mới nặng tình với bà cụ như thế. Nhưng không ngờ, trước đây cô cũng phải trải qua đoạn trường làm dâu gian khổ bởi sự khó tính của mẹ chồng. Nhưng cô vẫn âm thầm cam chịu để trọn đạo dâu con. Chỉ đến khi đứa con trai bất hiếu hỗn láo bỏ mặc thì bà mới thấu hiểu tấm lòng hiếu nghĩa của con dâu.
 
7 năm trước, anh chồng tồi tệ bỏ vợ con chạy theo tình nhân đã bị họ hàng nhà chồng Huyền lên án. Khuyên can không được, họ đuổi anh ta ra khỏi nhà sau khi đã chia cho một nửa tài sản (phần tài sản này chồng cô đòi được hưởng theo quyền thừa kế). Mẹ chồng cô đã từng nói với con trai: "Anh đã bước chân ra khỏi nhà này thì đừng có bao giờ quay trở lại. Ngày nào tôi còn sống thì đừng hòng bước vào cái nhà này". Chồng cô cũng không vừa gì. Anh ta nói như thách thức: "Có chết tôi cũng không về cái nhà này, bà yên tâm đi". Sau hôm ấy, mẹ chồng cô ngã bệnh. Bà không bao giờ ngờ được rằng trong ngôi nhà nề nếp, lễ giáo của mình lại sinh ra một thằng con bất hiếu, bất nghĩa như vậy. Hiểu được nỗi đau của bà nên cô đã hứa với lòng mình sẽ thay người chồng phụ bạc chăm sóc, phụng dưỡng bà. Trong suốt những năm tháng một mình nuôi con, phụng dưỡng mẹ chồng, cô chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ yêu thương một ai khác, sẽ rời bỏ ngôi nhà mà cô đã từng có những ngày tháng hạnh phúc cũng như khổ đau tột cùng.
 
Tìm đến nhà thăm Huyền, tôi bất ngờ trước sự thay đổi của bà cụ. Thay vì là một bà mẹ chồng khó tính như mọi người đã kể, giờ bà là một người thấu hiểu con dâu hơn ai hết. Giờ bà xem con dâu là con gái, hai người sống rất gần gũi, tâm đầu ý hợp, có chuyện gì cũng hàn huyên tâm sự với nhau. Không ít người không biết chuyện nhà Huyền đến chơi cứ ngỡ bà cụ là mẹ đẻ của cô.  Mấy năm nay, bà cụ sống chung với bệnh tiểu đường, thoái hoá cột sống, Huyền phải lo thuốc thang cho bà, bằng cả tinh thần và sức lực. Cô không quản ngại khó khăn gian khổ, tảo tần để chăm lo cho mấy đứa con và mẹ chồng. Những lúc, bà cụ ốm đau bệnh tật nằm một chỗ, cô tận tình chăm lo tất cả, tắm rửa, vệ sinh cho cụ như mẹ đẻ của mình.  
 
Nhìn hoản cảnh làm lụng nuôi mẹ chồng và hai con còn nhỏ của Huyền,  tôi cảm động muốn trào nước mắt. Trong cuộc sống xô bồ hôm nay, lắm người vẹn tròn cả vợ lẫn chồng còn hắt hủi mẹ cha, nhất là từ xưa đã có câu “mẹ chồng nàng dâu khác máu tanh lòng”, huống hồ vợ chồng đã ly hôn chả còn dính dáng tình nghĩa đến bên nhà chồng. Lại nói, từ khi bà cụ về ở với Huyền càng khoẻ ra. Bà tâm sự: “Ông trời có mắt, tôi ở hiền gặp lành, phúc nhà tôi có được người con dâu hiếu thảo, coi tôi như mẹ đẻ. Các cháu tôi may quá, chúng nó noi gương mẹ luôn cố gắng học hành nên người”.
 
Hai con của Huyền đều ngoan ngoãn hiếu nghĩa với bà và mẹ. Cuộc sống gia đình đã được cải thiện, có bát ăn bát để. Mới đây tôi nghe tin anh chồng từ miền Nam ra “có nhời” đã bỏ cô gái kia và cầu xin Huyền tha thứ cho về đoàn tụ. Anh ta tỏ ra ân hận vì đã bỏ mẹ già lại cho vợ cũ. Buồn và tủi thân lắm nhưng cuối cùng Huyền cũng bỏ qua quá khứ vì những đứa con vẫn mong mỏi một ngày cha biết lỗi quay về. Gia đình Huyền nhờ thế mà đoàn viên. Ai biết chuyện đều thầm khen Huyền và phải thốt lên: “Đúng là cô Tấm thời nay”.
 
     Mai Lệ Huyền
    (Tứ Liên, Tây Hồ)

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.