Hiến tạng để hồi sinh sự sống

Chia sẻ

PNTĐ-19/12, Bộ Y tế đã phát động chương trình “Chung tay vì sự sống 2015” nhằm kêu gọi cộng đồng đăng ký hiến mô tạng cứu sống người bệnh hiểm nghèo và thay đổi nhận thức của xã hội.

 
 Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến- GĐ BV Việt Đức, một cơ thể bị chết não có thể ghép cho khoảng 10 bệnh nhân.
 
Hiến tạng để hồi sinh sự sống - ảnh 1
Ca ghép tạng từ người cho chết não tại BV Việt Đức
 
Mòn mỏi chờ ghép tạng
 
Ngày 17/12, các bác sĩ ở BV Việt Đức vừa thực hiện thành công cùng một lúc 4 ca ghép tạng (2 ca ghép thận, 1 ca ghép tim và 1 ca ghép  gan) từ người cho chết não. Trong đó phải kể đến, ca ghép tim thành công cho anh N.V.X (44 tuổi, Hà Nội). PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực cho hay, thông thường, các bác sĩ phải phẫu thuật lấy tim ở người hiến tạng trước, rồi mới phẫu thuật bỏ tim hỏng ở người nhận tạng. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân X đã quá yếu, các bác sĩ đã tiến hành quy trình ngược mổ bỏ tim hỏng cho bệnh nhân rồi lắp máy hỗ trợ tim và… chờ tạng từ người hiến.
 
Quy trình ngược này khiến cả bác sĩ và bệnh nhân đối mặt với nhiều thử thách như bệnh nhân sẽ tử vong nếu tạng không được lấy kịp thời hoặc bệnh nhân không chờ được đến lúc có người hiến tạng... Tin vui đã đến với bệnh nhân này khi có người chết não hiến tạng. Sau nhiều giờ căng thẳng bên bàn mổ, đến 1h sáng ngày 17/12, ca ghép tạng đã kết thúc thành công.
 
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên GĐ BV Việt Đức cho biết, trình độ ghép tạng của nước ta được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế. Hiện cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện các kỹ thuật ghép mô, tạng. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn hiến tạng. Tại BV Việt Đức trung bình mỗi ngày có từ 2-3 trường hợp chết não có thể cho tạng. Nhưng trong 5 năm qua, BV mới chỉ “xin” được gần 30 trường hợp chết não đồng ý hiến tạng.
 
Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn và đang gia tăng nhanh. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan, trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi... Tuy nhiên số lượng các ca ghép mô, tạng trong thời gian qua vẫn còn khá khiêm tốn: 1.011 ca ghép thận, 37 ca ghép gan, 11 ca ghép tim, 1 ca ghép thận - tụy, 1.401 ca ghép giác mạc…
 
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - PGĐ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, từ ngày Trung tâm thành lập đến nay, mới chỉ có chưa đầy 200 người trực tiếp tìm hiểu và rất ít trong số đó đăng kí hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc hiến tặng sau khi chết, chết não.

Phải thay đổi nhận thức của cộng đồng
 
Ông Trịnh Hồng Sơn – GĐ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho hay, nhận thức của người Việt Nam về việc hiến tặng mô, tạng chưa cao, sự hiểu biết về chết não hạn chế, đặc biệt là quan niệm về cái chết toàn thây còn nặng nề. Ông Sơn dẫn chứng, tại Hà Nội vừa qua có người bị chết do tai nạn giao thông, vợ con người này đã đồng ý hiến thận của chồng, cha họ cho người em trai ruột của anh. Thế nhưng, đến phút cuối cùng trước khi tiến hành các thủ tục ghép thận thì có một người thân trong gia đình anh không đồng ý. Kết quả là người em trai đã chết vì không có thận để ghép…
 
Chính vì thế, đã đến lúc, cần có sự tuyên truyền tích cực, rộng rãi trong cộng đồng, xã hội về việc đăng ký hiến tạng ngay khi còn sống. Đem đến sự sống cho người khác bằng việc đăng ký hiến tặng khi còn sống hoặc hiến tặng sau khi chết, chết não là việc làm vô cùng ý nghĩa và cao đẹp.
 
“Có thể nói rất nhiều trường hợp suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu như chúng ta có nguồn hiến tặng thích hợp vì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng. Điều chúng ta cần làm lúc này là thay đổi được nhận thức của cộng đồng” – Thứ trưởng Tiến khẳng định.
 
Vì thế, đã có hơn 1.400 người đăng ký hiến tạng trong ngày hội “Chung tay vì sự sống 2015”, được tổ chức ngày 19/12 vừa qua tại HN. Hiểu được ý nghĩa nhân văn, nhân đạo cao cả của việc đăng ký hiến tạng cứu người, nhiều sinh viên không ngần ngại đặt bút ký vào đơn đăng ký hiến tạng, mô. Họ trao đi một phần cơ thể mình để cứu sống người khác ngay cả khi còn sống hoặc sau khi đã chết, chết não. Sinh viên khóa 47 Học viện Quân y Cù Thị Thu bày tỏ, nếu không may em không còn trên cõi đời này nữa mà một phần cơ thể em vẫn mang lại sự sống cho người khác thì đó cũng là niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, Thu cũng thừa nhận, trước quyết định “táo bạo” này, em sẽ phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục gia đình, người thân hiểu và đồng ý với việc đăng ký hiến tạng cứu người của mình…

Tâm Thanh

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...