Trẻ sơ sinh mắc nghiện ma túy ở Việt Nam

Chia sẻ

PNTĐ-Vào những ngày cuối cùng của năm 2015, Báo PNTĐ nhận được đề nghị xin tư vấn cùng với tâm sự buồn của một hội viên phụ nữ, trú tại phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng...

 
Chị vừa lên chức bà ngoại  mà trong lòng ngổn ngang bao nỗi lo, nhất là khi đứa cháu trai đang còn đỏ hỏn cứ ngằn ngặt khóc, đó là bởi bé mắc nghiện ma túy từ trong bụng mẹ.
 
Trẻ sơ sinh mắc nghiện ma túy ở Việt Nam - ảnh 1
Những người mẹ mắc nghiện ma túy, khi mang thai cần được khám,
điều trị thay thế bằng methadone
 
Bức thư viết trong nước mắt
 
“Con gái tôi nghỉ học từ năm hết cấp 2, bập vào yêu đương khi mới 13-14 tuổi rồi mắc nghiện ma túy giống như mấy thằng bạn trai của nó. Thương con, từ mấy năm trước tôi đã đưa cháu đi cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục, Lao động xã hội số 2 ở Ba Vì. Nhưng, vừa từ Trung tâm trở về cháu lại đi theo hội hút hít rồi tái nghiện. Cháu bỏ nhà đi một thời gian, trở về với cái bụng bầu đã được hơn 7 tháng.
 
Mỗi khi thấy con chúi vào góc nhà tiêm chích ma túy tôi lại khóc, lại xin nó hãy nghĩ đến đứa con trong bụng mà cai nghiện lại, nhưng nó không nghe… Nó trở dạ khi thai nhi mới được khoảng 8 tháng. Đứa trẻ nặng 2,1kg, yếu ớt, kêu khóc suốt ngày đêm, tay chân cứ run lên bần bật. Thương tình, một chị hàng xóm bảo tôi viết thư lên báo, hỏi xem có phải đứa trẻ cũng đã bị mắc nghiện do chất ma túy từ mẹ truyền sang…”.
 
Thể theo yêu cầu của người phụ nữ bất hạnh, chia sẻ nỗi lo với những người mẹ có con gái mắc nghiện, PV Báo PNTĐ đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Kim Hùng, bác sĩ điều trị cai nghiện ma túy, Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục, Lao động xã hội số 5 – sở LĐ-TBXH TP  Hà Nội.

 “Mẹ nghiện khiến trẻ nghiện theo”
 
Đó là nhận định của bác sĩ Kim Hùng. Ông cho biết, thời gian gần đây, một số người mẹ trẻ nghiện ma túy, đang sinh sống tại Mỹ đã đăng đàn cùng với hình ảnh vô cùng thương tâm của con họ - những đứa trẻ sơ sinh trong tình trạng lên cơn… nghiện và có cháu đã tử vong.  Khi thấy các cháu mới sinh ra đã có những biểu hiện tương tự như cháu ngoại của chị phụ nữ trú tại phường Đống Mác: trẻ khóc ngằn ngặt (khiến người thân tưởng cháu bị đói, nhưng khi đã no sữa đứa trẻ vẫn khóc),  toàn thân run rẩy, nổi da gà, ngáp, chảy nước mắt, thì hãy nghĩ ngay đến nguy cơ đứa trẻ bị nghiện ma túy từ người mẹ nghiện. Và, giới chuyên môn gọi đó là hội chứng cai ở trẻ sơ sinh. Hậu quả những đứa trẻ ở trong hoàn cảnh này phải gánh chịu rất nặng nề.
 
Khi người mẹ mang thai sử dụng ma túy, nhất là sử dụng dòng Hero in (thuốc phiện, mooc phin (tiêm ), seluxen (tiêm, uống), thì  trong dưỡng chất nuôi đứa trẻ (mẹ truyền cho con qua nhau thai) sẽ có cả chất ma túy, khiến đứa trẻ bị mắc nghiện ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Khi đứa trẻ chào chào đời, nguồn ma túy (từ người mẹ) truyền sang cho trẻ bị ngắt, đó là lúc đứa trẻ xuất hiện hội chứng cai. Với các cháu cơ địa không quá yếu và được chăm sóc tốt thì  sau 4-5 ngày “cai vo”, cơ thể tự sản sinh được lượng mooc phin nội sinh cần thiế, giúp trẻ  tự cân bằng và hiện tượng nêu trên sẽ tự hết. Với các cháu sinh non, thể trạng yếu, chỉ số cân nặng thấp, lại không  được chăm sóc tốt thì có nguy cơ tử vong trong thời gian xuất hiện hội chứng cai.
 
Hậu quả những đứa trẻ  “mắc nghiện từ trong bào thai”  phải gánh chịu rất nặng nề. Dù đã vượt qua được giai đoạn sơ sinh thì các cháu cũng dễ bị mắc bệnh hơn những đứa trẻ bình thường khác. Ngoài các bệnh nguy hiểm như: viêm phổi, suy gan, lao… các cháu có nguy cơ cao nhiễm HIV vì không ít người mẹ nghiện lúc mang thai không biết rõ về tình trạng sức khỏe của mình, không được điều trị dự phòng. Virus HIV khiến hệ miễn dịch của các cháu bị phá hủy từ trong bào thai nên lúc chào đời các cháu không có khả năng miễn dịch, sức đề kháng kém. Các cháu thuộc đối tượng này khi lớn lên sẽ dễ bị mắc nghiện ma túy (nếu đứa con do người mẹ bình thường sinh ra, bị bạn xấu rủ rê, dùng ma túy vài lần mới nghiện, thì đứa con do người mẹ nghiện sinh ra - lần đầu tiên “bập vào” đã trở thành người nghiện).

Việc các mẹ nên làm
 
Các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định rằng, khi người phụ nữ mang thai, nếu chưa cai nghiện được ma túy, thì  cần sử dụng ma túy sạch, cụ thể là cần được điều trị thay thế bằng methadone. Biết mình đã có thai, chị em khẩn trương đến gặp bác sĩ của cơ sở điều trị để được khám, tư vấn, chỉ định liều dùng methadone. Bác sĩ sẽ thường xuyên điều chỉnh liều dùng cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thai nhi. Đặc biệt, chị em cần phải thực hiện hết sức nghiêm túc quy trình, nội quy của cơ sở điều trị, tuyệt đối không được vừa điều trị methadone lại vừa “bí mật” dùng heroin, vì nếu người mẹ dùng heroin thì lập tức thai nhi sẽ hấp thụ chất ma túy độc hại đó.
Địa chỉ cơ sở chị em cần tìm đến để được giúp đỡ: Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục, Lao động xã hội số 5, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. ĐT: 0432123294. DĐ: 0912073358 (bác sĩ Kim Hùng). 
 
Thanh Hồng

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.