Người vợ bồ đội: Giỏi việc nước - Đảm việc nhà

Chia sẻ

PNTĐ-Cô bền bỉ, kẽo kẹt với bao việc không tên của một gia đình bé nhỏ, mong sao cửa nhà êm ấm, các con ngoan khỏe để chồng yên tâm công tác nơi xa...

 
Người vợ bồ đội: Giỏi việc nước - Đảm việc nhà - ảnh 1
Cô giáo Bích Vân (thứ 2 từ trái sang) cùng Đại tá Lê Thanh Huyến
và hai con gái
 
Những lứa học sinh trường THPT Ỷ La, thành phố Tuyên Quang (trước đây là trường THPT Kỹ thuật Sông Lô thị xã Tuyên Quang), hơn 20 năm trước đây nhiều người khó quên hình bóng cô giáo dạy môn Vật Lý xinh đẹp, dịu dàng Nguyễn Bích Vân.
 
Thời gian ấy, trường là một hình mẫu về tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh THPT của tỉnh Hà Tuyên. Trường có rất nhiều hoạt động giáo dục. Thầy cô giáo và học sinh gần gũi với nhau trên lớp học, trong công việc, hoạt động trong, ngoài nhà trường nên gắn bó và thương cảm nhau lắm. Trường thiếu giáo viên, cô giáo Vân dạy nhiều giờ, chủ nhiệm lớp rồi các hoạt động lao động cùng học sinh… lúc nào cũng thấy cô tất bật, nhanh nhẹn, hoạt bát. Nhưng ít thấy cô Vân đùa vui, cô cứ lặng lẽ, âm thầm làm việc. Xong việc là thấy cô nhanh chóng lên xe đạp vội vàng về nhà. Nhà cô cách trường mấy cây số thôi, nhưng đường xá, xe cộ thô sơ, nắng mưa cũng đủ vất vả.
 
Nhà cô Vân gần trường mầm non và trường tiểu học Phan Thiết. Ngôi nhà cấp 4 bé nhỏ, 2 con gái sinh năm 1985 và 1987 đi học tiểu học và mẫu giáo. Từ sáng sớm đến khuya, tranh thủ lúc chưa đến giờ dạy hay tan học về cô cơm nước, tắm giặt, đưa đón con bé, con lớn. Việc gì trong nhà cũng đến tay cô. Khi các con ngủ lại chong đèn soạn bài, chấm bài cho học sinh. Cô bền bỉ, kẽo kẹt với bao việc không tên của một gia đình bé nhỏ, mong sao cửa nhà êm ấm, các con ngoan khỏe để chồng yên tâm công tác nơi xa.
 
Chồng cô giáo Vân, chàng sinh viên khoa Vật lý trường ĐH Sư phạm Hà Nội, theo lệnh tổng động viên đã lên đường nhập ngũ năm 1972. Người lính trẻ Lê Thanh Huyến đã đi qua bao chiến trường ác liệt từ Bình Trị Thiên, Đắc Pét, Tây Nguyên, Thượng Đức đến Lào. Sau Đại thắng 30/4/1975, qua 6 năm chiến đấu anh trở về trường ĐH tiếp tục học tập. Anh gặp và yêu cô sinh viên cùng khoa Vật lý Nguyễn Bích Vân. Hai người nên vợ nên chồng.
 
Ra trường, anh về công tác tại trường Văn hóa quân khu II, chị dạy ở trường Sư phạm trung cấp Hà Tuyên. Sau khi trường Văn hóa quân khu II giải thể, anh được điều động lên biên giới phía Bắc, sau đó về phụ trách trường Quân sự đặc biệt tỉnh Hà Tuyên. Đây là nơi đào tạo và dạy văn hóa cho những chiến sĩ người dân tộc thiểu số vùng cao và xa xôi hẻo lánh khi nhập ngũ chưa đạt trình độ văn hóa theo quy định. Để đào tạo họ thành những cán bộ quân sự địa phương, cán bộ cơ sở làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Do nhiệm vụ đặc biệt, anh không thể giúp gì nhiều cho chị trong việc nuôi dưỡng, dạy bảo con cái.
 
Cô Vân chăm sóc, dạy bảo 2 con gái thật cẩn thận, chu đáo. Thời điểm ấy chưa có trường nội trú, bán trú nên việc đưa đón con đi học, chăm bữa ăn, giấc ngủ cho con nhỏ là việc tốn nhiều công sức của các bà mẹ. Hai đứa con cô Vân chăm ngoan, học giỏi, năm nào các cháu cũng được công nhận học sinh giỏi. Rồi lần lượt cả 2 cháu đều được tuyển vào học những lớp chuyên, chọn. Tốt nghiệp THPT, thi đại học tại các trường nổi tiếng ở Hà Nội các cháu đều đạt 28, 29 điểm. Các con học đại học ở Hà Nội, cô Vân quyết định đi thi và theo học Thạc sĩ ngành Sư phạm Vật lý để có điều kiện vừa học tập nâng cao trình độ, vừa gần gũi giúp đỡ các con học tập tốt cho bố yên tâm công tác.
 
Mọi cố gắng sắp xếp và phấn đấu thầm lặng của cô Vân đã mang lại hiệu quả thật xứng đáng. Hai con gái cô tốt nghiệp đại học loại giỏi đã được nhận vào làm việc ở nơi ưng ý tại Hà Nội. Cô Vân hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học và bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ. Nhà giáo, người lính Lê Thanh Huyến nhờ có vợ đảm, con ngoan là hậu phương vững chắc đã yên tâm phục vụ, cống hiến trong quân đội. Cuộc đời quân ngũ kỷ cương, hối hả hơn 40 năm đã qua đi, giờ đây với quân hàm Đại tá, Chính ủy trường Quân sự tỉnh ông về nghỉ chế độ cùng gia đình êm ấm. Cô giáo Vân với vai trò người vợ, người mẹ, người bà giúp các con yên tâm làm việc và Đại tá Lê Thanh Huyến lại say sưa nhiệt tình trong công tác Đảng tại địa bàn dân cư số 9 phường Cống Vị, quận Ba Đình. Cô giáo Vân thực sự là người vợ bộ đội “Giỏi việc nước – đảm việc nhà”.
 
    Nguyễn Phú Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân

Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân

(PNTĐ) - Tháng 5 là tháng có ý nghĩa đặc biệt đối với cán bộ, đoàn viên và người lao động khi có Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Tháng 5 còn là Tháng Công nhân đồng thời là Tháng hành động về an toàn vệ sinh, lao động, Tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động.