Chăm mẹ chồng bằng cả tấm lòng

Chia sẻ

PNTĐ-Bà Nguyễn Thị Mai (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, HN) được nhiều người yêu quý vì tấm lòng hiếu thảo, hết lòng chăm sóc mẹ chồng già yếu.

 
Chăm mẹ chồng bằng cả tấm lòng - ảnh 1
Bà Mai bên mẹ chồng
 
Cụ Nuôi, mẹ chồng bà Mai năm nay đã 105 tuổi, là mẹ và vợ liệt sỹ. Chồng cụ hi sinh năm 1972. Cụ Nuôi sinh được 6 người con, trong đó có 4 con trai đều tham gia kháng chiến. Con trai cả hi sinh năm 1968 tại chiến trường Nam Bộ.
 
Giờ cụ tuổi đã cao, sức yếu, thường phải ngồi một chỗ, không thể đi lại được. Hơn chục năm nay, bà Mai trở thành “đôi chân, cánh tay” của mẹ chồng, hết lòng chăm lo cho cụ.
 
Bà Mai kể, bà về làm dâu cụ Nuôi từ năm 1973. Những ngày đầu làm dâu, bà Mai vừa e ngại, bỡ ngỡ, nhưng đã được mẹ chồng chỉ bảo tận tình. Hồi ấy, gia đình chồng còn khó khăn, nhưng vào bữa, mẹ chồng cũng xới cho bà bát cơm đầy hơn. Cụ còn giấu con cháu bỏ thêm quả trứng gà cho con dâu bồi bổ sức khỏe. Mỗi lần có chợ phiên, bà không quên mua thêm cho con dâu cái bánh tẻ “ăn cho đỡ đói”.
 
 Hồi ấy, bà Mai còn làm công nhân may ở Xí nghiệp May mặc Thăng Long, thường phải làm ca về muộn. Hôm nào quá giờ tan ca mà chưa thấy con dâu về, mẹ chồng bà lại cầm đèn pin đứng đầu ngõ chờ vì thương con vất vả. Những hôm mưa gió, cụ mang áo mưa đến tận cơ quan đưa cho con dâu. Khi bà Mai sinh con, mẹ chồng bà vừa chăm sóc con dâu ở cữ, vừa chăm cháu từng ly từng tí. Cụ bảo, cả nhà có thể bớt đi một món, nhưng con dâu phải đủ chất để nuôi con.  
 
“Mẹ coi tôi như con gái, nên tôi luôn yêu thương mẹ như mẹ đẻ của mình” – bà Mai nói. Không chỉ là dâu thảo trong nhà, bà Mai luôn cố gắng để chăm sóc, bù đắp những thiệt thòi và mất mát mà mẹ chồng phải trải qua. Năm 1977, con trai thứ hai của cụ mất khi vừa xuất ngũ về quê được vài hôm. Mấy năm sau, con gái của cụ cũng qua đời. Nỗi mất con khiến cụ thẫn thờ, đau đớn, nhưng không muốn các con lo lắng, cụ giấu cảm xúc của mình. Có những hôm, thấy mẹ ngồi thẫn thờ, bà Mai rơi nước mắt. Bà ngồi cạnh mẹ, giúp mẹ vơi đi nỗi nhớ các con.
 
Năm 2009, chồng bà Mai mất do một tai biến, mẹ chồng bà suy sụp hẳn. Từ đó,  bà Mai quyết định chuyển sang ngủ cùng mẹ chồng để mẹ con tình cảm hơn, đồng thời tiện bề chăm sóc. Những hôm đầu, cụ mê sảng cả đêm. Bà Mai nén nỗi đau mất chồng để an ủi, động viên nỗi đau của người mẹ đã mất đứa con thứ 5 của mình.
 
 Tuổi già trái gió trở trời, có tháng cụ Nuôi ốm ba bốn tháng liền. Mỗi lần ốm, cụ nằm một chỗ, mọi thuốc men, cơm cháo, vệ sinh cá nhân đều do con dâu giúp đỡ. Bà Mai không nề hà, vẫn tự tay thay đồ, tắm giặt, bón từng thìa cháo cho mẹ chồng, bởi “tôi vừa bón vừa dỗ dành thì cụ mới ăn nhiều được”. Có hôm nửa đêm, cụ thức dậy ngồi khóc nhớ các con. Bà Mai lại nhẹ nhàng an ủi, đặt tay lên người cụ để cụ yên tâm vẫn còn có con bên cạnh. “Nhiều hôm thiếu ngủ, tôi cũng ốm lây. Nhưng thấy cụ cần tôi hơn, nên tôi dặn mình phải thật khỏe mạnh để còn chăm cụ”. Chiều nào con dâu cũng bế cụ xuống dưới nhà chơi với các cháu hoặc đưa cụ ra ngoài thư giãn.
 
Giờ cụ Nuôi bị lãng tai, trí nhớ thất thường, có hôm chưa ăn sáng vẫn tưởng mình đã ăn. Bà Mai lại kiên nhẫn nhắc cho cụ nhớ, hỏi cụ có đói không để mang cơm cháo cho cụ ăn. Nhiều người hỏi, sao bà không cho cụ vào nhà dưỡng lão hoặc thuê người giúp việc chăm sóc, bà Mai chỉ cười: “Tôi tự tay chăm sóc cho mẹ chồng hơn chục năm nay đã quen rồi. Nhớ lại tình yêu thương mà cụ dành cho con cháu trước đây, tôi lại càng cố gắng yêu thương cụ nhiều hơn. Năm nay cụ đã hơn 100 tuổi, có cụ vui vầy là cái phúc của con cháu”.

Quỳnh An

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.