Kỳ 2: Nhà tù của vợ

Chia sẻ

PNTĐ-Cứ đến buổi trưa, mấy cô nhân viên lại thấy một phụ nữ luống tuổi đi chiếc xe máy đời cũ chạy vào sân cơ quan, đỗ ngay trước cửa phòng hành chính...

 
Cứ đến buổi trưa, mấy cô nhân viên lại thấy một phụ nữ luống tuổi đi chiếc xe máy đời cũ chạy vào sân cơ quan, đỗ ngay trước cửa phòng hành chính. Họ bấm nhau cười khúc khích: "Đến giờ vợ áp tải đi ăn".
 
Kỳ 2: Nhà tù của vợ - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Vốn tính hay ghen, từ ngày về hưu, bà Hải (vợ ông Đức) lúc nào cũng kè kè bên  chồng. Ông Đức là Phó Giám đốc phụ trách hành chính nên hầu như ngày nào cũng phải tiếp khách. Dù sắp đến tuổi nghỉ hưu, mái tóc đã ngả màu tiêu muối nhưng do tính tình vui vẻ, lại sởi lởi, hào phóng nên ông vẫn rất được lòng chị em. Đó là điều khiến bà Hải khó chịu nhất. Lúc nào bà cũng mường tượng trong đầu cảnh chồng mình và một cô nào đó thân mật với nhau.
 
Thế là bà Hải bắt đầu chiến dịch kiểm soát chồng. Ngày nào bà cũng bắt chồng đưa đi ăn sáng; ăn xong bà lại đưa ông đến cơ quan. Trong lúc ông Đức làm việc, bà Hải lấy xe lượn ra phố để mua sắm, tới gần trưa quay về áp tải chồng đi ăn.
 
Thế mà xem chừng bà Hải vẫn chưa yên tâm. Buổi tối bà tiếp tục lên facebook đăng ảnh hai ông bà ngồi sánh vai nhau tình tứ. Bà muốn thiên hạ biết rằng ông Đức là của riêng bà. Đó cũng là lời nhắc nhở chồng rằng, đừng dại dột phá vỡ hình ảnh “chuẩn mực” trong mắt đồng nghiệp, con cái. Đôi lúc thấy việc đưa hết sinh hoạt gia đình lên mạng xã hội chưa đủ sức răn đe, bà còn đăng cả những vần thơ tự sáng tác mặc kệ vần điệu chẳng giống ai: "Anh Đức ơi!/ Nếu anh mà mắc bệnh si-đa/ Thì anh chết và em cũng chết...". Bà Hải đăng những câu đó để nhắc nhở chồng đừng buông lơi cảnh giác, mắc vào "bẫy tình" rồi khổ mình, khổ vợ, con.
 
Một hôm, vô tình chụp được bức ảnh chồng đang cười bả lả, đưa tay xoa đầu cô sinh viên kế toán mới tới thực tập tại cơ quan, bà Hải điên lắm, nghĩ ngay tới việc chồng và cô gái đó có tư tình. Ngay hôm đó, bà Hải đem bức ảnh của chồng, lồng trong một khung nhỏ, đặt ở phòng khách. Trong bữa cơm, hai con của bà Hải thấy tò mò nên hỏi chuyện. Bà tươi cười bảo:
 
“Đây là cô cháu họ xa bên ngoại của bố con, hữu duyên thế nào lại cùng cơ quan. Hôm tới mẹ mời cô bé ấy về đây chơi nhé”. Nói xong, bà Hải lia ánh mắt sắc lẹm về phía chồng. Trong phòng ngủ, bà cũng treo một bức y hệt ở nơi dễ nhìn thấy nhất. Ngay lập tức ông Đức gỡ bức ảnh xuống, quẳng vào thùng rác, không quên nhắc nhở vợ hành xử đúng mực. Ông giải thích rất rõ với bà rằng, ông coi cô bé ấy như con, cháu mình. Cái xoa đầu vô tư như trong bức ảnh đơn thuần là sự tán dương, khích lệ ông dành tặng để cô bé có thêm động lực.
 
Nhưng bà Hải bỏ ngoài tai. Bà nói: “Tôi vẫn lưu file gốc. Khi nào cần ông cứ nói”.
 
Bị tra tấn và giam hãm trong sự ghen tuông vô lý của vợ, ông Đức ngày càng bế tắc, phẫn uất, không muốn nói cười, thậm chí không muốn ở gần vợ. Ông lấy cớ phải làm việc khuya rồi ngủ luôn tại phòng khách. Hôm nào không thể trốn, ông Đức cũng một mình một chăn, một gối nằm quay lưng về phía vợ. Ông hiểu ở tuổi xế chiều, tính khí phụ nữ có nhiều bất thường, nhưng suy nghĩ và cách ứng xử của bà Hải vượt quá khả năng chịu đựng và chấp nhận của ông. Sự phản ứng của chồng càng khiến bà Hải tin vào nghi ngờ của mình, cho rằng mọi tội lỗi đều do cô thực tập viên gây ra.
 
Một ngày, bà Hải xăm xăm đến phòng cô thực tập viên. Những người có mặt trong phòng đều ngẩng đầu lên, ngạc nhiên nhìn vợ Phó Giám đốc. Một chị mau mắn hỏi:
 
- Có việc gì thế cô?
 
- Tôi tìm cô Phương!
 
- Cô tìm cháu ạ? - Phương ngơ ngác đứng dậy.
 
- Cô có thứ này muốn tặng cháu - vừa nói, bà Hải vừa đưa bức ảnh về phía Phương. “Cô thấy ảnh đẹp nên in tặng cháu. Những ảnh như thế này chồng cô có nhiều lắm”.
 
Cầm món quà của bà Hải, Phương ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì. Nhiều chi tiết trong ảnh không có thật vì đã được chỉnh sửa theo ý đồ của bà Hải. Mọi người cười khúc khích. Cùng lúc, ông Đức hớt hải chạy vào:
 
- Làm gì náo loạn thế này? Bà bôi gio trát trấu vào mặt tôi à?
 
Mọi người nhìn bà Hải ái ngại như nhìn một người mắc bệnh tâm thần. Ông Đức buông thõng hai tay, thở hắt ra như sắp... ngất!

Trịnh Hồng Ánh

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.