“Sức hút kì lạ” của Hồ Chí Minh qua hồi ký của Giáo sư Italia

Chia sẻ

PNTĐ-“La Pira và hành trình trung gian hoà bình tại Việt Nam”, là cuốn hồi kí đặc biệt kể về chuyến thăm Hà Nội và cuộc gặp gỡ đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh...

 
“La Pira và hành trình trung gian hoà bình tại Việt Nam”, là cuốn hồi kí đặc biệt kể về chuyến thăm Hà Nội và cuộc gặp gỡ đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà chính trị yêu hoà bình người Italia - GS La Pira vào tháng 11 năm 1965. 
 
“Sức hút kì lạ” của Hồ Chí Minh qua hồi ký của Giáo sư Italia - ảnh 1
Bìa sách “La Pira và hành trình trung gian hòa bình tại Việt Nam” (bản in tại Italia)

 
“La Pira và hành trình trung gian hoà bình tại Việt Nam” được kể theo kí ức của ông Mario Primicerio, người trợ lý “tháp tùng” GiorgioLa Pira trong chuyến thăm Việt Nam. Sách từng được xuất bản tại Italia vào năm 2015, nhân kỉ niệm 40 năm chuyến thăm của GS La Pira và đang được đại sứ quán Italia tại Việt Nam hoàn thiện bản dịch tiếng Việt, dự kiến đến tay độc giả vào tháng 8 năm nay. 
 
Nhà chính trị chuộng hoà bình và sứ mệnh tại Việt Nam 
 
Chuyến thăm của Giáo sư La Pira đến Việt Nam hồi năm 1965 là chuyến thăm không chính thức, nhằm mục đích thực hiện sứ mệnh hoà bình do chính ông đặt ra.  
 
Giáo sư La Pira (1904 - 1977) vốn được biết đến như một nhà chính trị yêu chuộng hoà bình với những hoạt động rất tích cực. Ông là Giáo sư Luật La Mã, từng đảm nhiệm vị trí Thị trưởng thành phố Florance, Italia. Ông cũng là một trong số những nhân vật góp vai trò quan trọng xây dựng nên bản Hiến pháp Italia năm 1948, bản Hiến pháp tiêu biểu với những chính sách được đánh giá là cực kỳ tiến bộ, đặt nền móng cho sự phát triển của Italia đến được ngày hôm nay. 
 
GS La Pira bắt đầu hoạt động như một nhà chính trị chuộng hoà bình kể từ Thế chiến thứ II, dựa trên những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo mối quan hệ giữa các dân tộc do chính ông đúc rút ra là hoà bình, tôn trọng độc lập và tìm giải pháp hoà bình cho các xung đột. Ông từng thành lập tạp chí Principles nhằm ủng hộ nhân quyền và chống Phát xít, cũng như đến rất nhiều nơi trên thế giới thực hiện các buổi nói chuyện hoà bình, vận động dỡ bỏ vũ khí. 
 
Không khó để La Pira nhận thấy tình hình rối ren tại Việt Nam. Trước tình hình này, La Pira hi vọng có thể tìm ra giải pháp đàm phán hoà bình giữa Việt Nam và Mỹ, chấm dứt những xung đột đang gây tổn thất nặng nề cho cả hai phía. 
 
Người bạn thân của ông là Amintore Fanfani bấy giờ đang nắm chức Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhận thấy sứ mệnh hoà bình lớn lao đã “mở đường” để La Pira được đến Hà Nội, trực tiếp thảo luận về hoà bình với Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo sự “bật đèn xanh” của phía Việt Nam. 
 
Và thế là vào ngày 11/11/1965, theo một con đường rất ngoằn nghèo vòng qua Liên Xô, qua Trung Quốc, La Pira có mặt tại Hà Nội cùng người trợ lý Mario Primicerio. 
 
Một giờ với lãnh tụ Việt Nam
 
Ngày “tháp tùng” La Pira sang Việt Nam, Mario Primicerio mới chỉ là chàng trai 25 tuổi. Cách hành văn của cuốn hồi ký cũng được ông viết theo lối nghĩ của tầm tuổi này. 
 
Trước chuyến đi cùng La Pira, Mario Primicerio chỉ gắn bó với các công trình nghiên cứu Vật lý và Toán học. Mối quan hệ thân thiết với người thầy là Giáo sư La Pira đã đưa đến cho ông một trải nghiệm thay đổi nhiều thứ. 
 
Đến tận bây giờ, kí ức về vị lãnh tụ Việt Nam qua buổi gặp ngắn ngủi vẫn như thước phim rõ nét chạy trong kí ức của Mario Primicerio, hiện lên qua những trang hồi kí đầy xúc động. 
Cả ông và La Pira đã phải sửng sốt khi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh chào hai người bằng thứ tiếng Italia rành rọt. Còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết vị lãnh tụ Việt Nam từng có thời gian sống tại Milan, làm công việc phục vụ quán ăn nhỏ. 
 
Cuộc trao đổi cứ thế tiếp diễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi biết mục đích của La Pira trong chuyến thăm lần này, đã hỏi lại ông: “Bây giờ giả sử chúng ta đổi vai cho nhau. Ông là Hồ Chí Minh còn tôi là La Pira, ông sẽ làm gì để mang lại hoà bình cho Việt Nam?”. 
 
La Pira trả lời ngay: “Tôi sẽ mời Tổng thống Johnson dùng trà”. Và câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiến La Pira thêm bội phần cảm phục: “Chúng tôi sẵn lòng mời trà ngài Johnson, nhưng chỉ sợ khi ông ấy đến, trà đã nguội mất rồi”. 
 
Kết thúc buổi gặp, La Pira trở về Italia mang theo thông điệp về 4 điều kiện đàm phán hoà bình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cương quyết đặt ra: đầu tiên Mỹ phải ngừng ngay việc ném bom miền Bắc; thứ hai, Mỹ ngừng cung cấp vũ khí, khí tài cho chiến trường miền Nam; thứ ba, tất cả các bên trở lại với tinh thần của Hiệp định Geneve 1954 để thống nhất đất nước qua tổng tuyển cử; cuối cùng, Chính phủ Mỹ phải công nhận vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 
 
Thông điệp được La Pira gửi đến phía Mỹ thông qua đại sứ quán Mỹ tại Italia. Ông cũng tận dụng những mối quan hệ của mình với các nhân vật trong Thượng viện Mỹ, Bộ Ngoại giao và các nhà báo. 
 
Song cuối cùng, phía Mỹ đã trả lời bằng một thái độ dứt khoát là không đồng ý, bởi thế cuộc chiến tranh tại Việt Nam kéo dài thêm gần một thập kỉ. Người ta ước tính nếu không có khoảng thời gian kéo dài ấy, Mỹ đã “tiết kiệm” được con số thương vong lên đến nửa triệu người. 
 
Và một điều nữa khiến người ta không khỏi tiếc nuối, đó là 4 điều kiện hoà bình do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra với La Pira ngày ấy, về sau trở thành những điều khoản quan trọng của Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình tại Việt Nam.
 
Dù không đạt được thành công như mong đợi, chuyến thăm Hà Nội của Giáo sư La Pira vẫn có ý nghĩa quan trọng giúp Việt Nam thể hiện thái độ rõ ràng với tình thế cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra. Và quan trọng hơn, đây được coi là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam - Italia. 
 
Hải Hương

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.