Hãy trả việc tuyển sinh cho trường đại học

Chia sẻ

PNTĐ-Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, hậu quả sẽ ra sao nếu kết quả của kỳ thi này lại không đáng tin cậy.

 
“Em phải đến Hà Giang thi tốt nghiệp” là lời chế giễu được lan truyền trên mạng những ngày qua nhái theo đầu đề cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” của một tác giả nước ngoài về xì-căng-đan gian lận điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang. Tuy nhiên, nếu như nhân vật trong chính truyện phải trải qua quá trình rèn luyện gian khổ mới đến đích, thì nhiều thí sinh ở Hà Giang, chỉ nhờ gian lận mà suýt “đổi đời”. Nhưng, sự việc chưa dừng lại ở đó…
 
Hãy trả việc tuyển sinh cho trường đại học - ảnh 1
Tổ công tác tiến hành mở niêm phong bài thi nhằm phục vụ công tác chấm thẩm định tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an 

 
Phù phép học sinh dốt thành giỏi
 
Sự việc khởi nguồn từ nghi vấn của một nhóm các thầy giáo sau khi xem kết quả thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT công bố. Trên trang facebook cá nhân, thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên luyện thi môn Hóa cho rằng một thí sinh (TS) ở Hà Giang đạt điểm gần trên 9,5 ở cả 3 môn KHTN (Lý, Hóa, Sinh) là điều không thể trong bối cảnh thi và xét tuyển của năm nay.  Sau đó, thầy Nguyễn Thanh Tùng- giáo viên luyện thi môn Toán cũng đặt nghi  vấn: “Năm nay, điểm từ 9 trở lên môn Toán của toàn tỉnh Nghệ An: 28, tỉnh Hà Giang: 57. Số lượng TS ở Nghệ An khoảng 31 ngàn so với hơn 5 ngàn ở Hà Giang (gấp hơn 6 lần) và Nghệ An vốn là điểm sáng về học tập. Con số này cứ thấy sai sai thế nào ý nhỉ?”…
 
Những nghi ngờ dần dần lan truyền trên mạng xã hội, đã bùng lên thành yêu cầu đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải vào cuộc kiểm tra. Kết quả thật sự gây bàng hoàng: Có 114 TS ở Hà Giang với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm. Không ít TS có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định; Nhiều TS có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm. Cá biệt, có TS từ… đỗ loại giỏi, sau khi chấm thẩm định đã bị trượt tốt nghiệp THPT vì bị điểm liệt. Điều gây bất bình dư luận là nhiều TS được nâng điểm “khủng” tới mức đủ để đỗ vào các trường ĐH top đầu đất nước, trong đó có các trường thuộc khối Công an.
 
Ông Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo ĐH Nông Lâm, TP HCM bình luận: “Đây là một tình huống vi phạm quy chế thi có lẽ lớn và nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Một vết đen buồn của ngành GD. Việc này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đội ngũ thầy cô giáo nghiêm túc, đến đội ngũ quản lý tận tâm có lòng tự trọng và các TS ở nhiều tỉnh, thành khác đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy chế thi”.
 
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng, sự việc nâng điểm tại Hà Giang là đặc biệt nghiêm trọng, gây mất niềm tin trầm trọng của xã hội với ngành giáo dục. Tệ hại và đau lòng hơn, những người đánh tráo điểm số cũng chính là người làm trong ngành dạy làm người này. “Giả sử các thí sinh được “nâng điểm” trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay không bị phát giác mà nghiễm nhiên trở thành sinh viên ĐH Y, Dược, Học viện An ninh… thì sau này, các em sẽ trở thành bác sĩ, dược sĩ, chiến sĩ công an như thế nào? Và liệu khi ra trường, các em có trở thành người trung thực hay lại tiếp tục có những chiêu trò gian lận, mua bán bằng cấp, chức tước trong suốt cuộc đời sau này”. 
 
Sau Hà Giang, dư luận lại tiếp tục hướng sự nghi ngờ tới nhiều địa phương khác như Sơn La khi tỉnh này có những trường hợp TS đạt điểm giỏi thi THPT quốc gia nhưng điểm thi thử trước đó chỉ là 1,2 điểm… Hay như Hòa Bình có tỷ lệ TS đạt điểm 9 môn Toán cao gấp 5 lần  tỷ lệ chung của cả nước, gấp 3 lần Hà Nội, gấp 7 lần TP Hồ Chí Minh… khiến Bộ GD-ĐT một lần nữa lại phải vào cuộc. Kết quả bước đầu, theo ông Mai Văn Trinh - Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ GD-ĐT tại Sơn La, đã có một số cá nhân vi phạm quy chế chấm thi THPT quốc gia năm 2018 tại đây. Cụ thể, có dấu hiệu của sự can thiệp làm thay đổi kết quả thi của TS.
 
Con người mới là yếu tố quyết định 
 
Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, hậu quả sẽ ra sao nếu kết quả của kỳ thi này lại không đáng tin cậy. 
 
Từ góc nhìn của một trường đại học, ông Trần Đình Lý cho rằng, nếu các thí sinh không đủ chất lượng vào được ĐH bằng con đường tiêu cực sẽ là bi kịch cho cả nhà trường và chính các em. Không những thế, những TS này còn chiếm chỗ của nhiều TS học thực khác. 
 
Điều dư luận quan tâm hiện nay là ngoài “hiện tượng Hà Giang”, những tỉnh, thành khác có thực sự tuân thủ đúng quy chế thi hay không? Việc gian lận này có phải chỉ diễn ra trong năm nay, hay đã thành hệ thống? 
 
Theo ông Lý, sự việc ở Hà Giang đã cho thấy những lỗ hổng trong các khâu tổ chức thi/chấm thi hiện nay. Cụ thể, việc TS làm bài thi trắc nghiệm trên giấy sau đó mới scan đáp án và chấm thi đã có kẽ hở cho người xấu can thiệp. “Dù quy chế thi có chặt chẽ đến đâu thì con người mới là yếu tố quyết định. Nếu chúng ta tổ chức thi trắc nghiệm online theo quy trình thống nhất, cùng thi và cùng chấm online trên máy tính thì yếu tố con người không thể can thiệp được”.
 
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH và NV, ĐH Quốc gia cũng bày tỏ: Sự việc gian lận điểm số ở Hà Giang liên quan đến yếu tố “địa phương”. Trong khi đó, cả nước có tới 63 địa phương nên đây sẽ là thử thách cho Bộ GD-ĐT nếu như các địa phương không nghiêm túc trong đánh giá kết quả thi.
 
Có ý kiến cho rằng, không nên để các địa phương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia -nơi mà các quan hệ rất chồng chéo và phải tăng cường hơn nữa sự vào cuộc của các trường ĐH để tránh tiêu cực. Song, theo ông Lê Viết Khuyến, giải pháp nào cũng có tính hai mặt. Nếu không giao địa phương tổ chức kỳ thi thì thí sinh và người nhà, nhất là ở vùng sâu, xa sẽ phải lặn lội đến điểm thi xa, vừa tốn công, vừa gây tốn kém tiền của. Còn trường đại học cũng phải tốn công, của đưa người về hỗ trợ địa phương trông thi tốt nghiệp.
 
Ông Khuyến đồng tình với ông Trần Đình Lý rằng: “Con người nào đó dù ở địa phương, hay trung ương, dù là ở trường phổ thông hay ĐH đều có thể thực hiện hành vi tiêu cực nếu họ muốn hoặc tìm thấy kẽ hở. Trước đây, khi kỳ thi chưa được đưa về địa phương, rất có thể đã có tiêu cực chỉ là chúng ta chưa phanh phui ra mà thôi”.
 
Nên trả việc tuyển sinh cho các trường đại học?
 
Như báo Phụ nữ Thủ đô đã phản ánh, ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều ý kiến đã đề xuất nên xóa bỏ kỳ thi “2 trong 1” và trả quyền tuyển sinh về cho các trường ĐH. 
 
Lý do là vì thi tốt nghiệp THPT chỉ cần đạt kiến thức chuẩn, không hạn chế về số lượng tốt nghiệp nhưng tuyển sinh ĐH lại mang tính cạnh tranh cao và chỉ dành cho số người nhất định.
 
Trên thế giới, Nhật Bản đã từng thí điểm sát nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH nhưng thất bại. Sau đó, họ đã giữ kỳ thi tuyển sinh ĐH ở tầm quốc gia, còn kỳ thi THPT thì được tiến hành nhẹ nhàng. Ở khu vực Đông Nam Á, từ Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng đều đi theo xu hướng này. Nước Mỹ, năm 2010 đã tách riêng hai kỳ thi và bỏ thi trắc nghiệm. 
 
Theo ông Đào Tuấn Đạt, hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh, Bộ GD-ĐT nên giao việc xét tốt nghiệp về cho các trường phổ thông, TS làm theo đề chung của Sở GD-ĐT. Việc tổ chức cả một kỳ thi mang tầm quốc gia rất tốn kém chỉ để tìm ra 1-2% học sinh trượt là không cần thiết. Với kỳ thi ĐH, nên đưa về các trường ĐH tuyển sinh theo nhiều cách như thi tuyển, phỏng vấn, xét học bạ theo đúng nhu cầu của từng trường.
 
Ngoài ra, có thể để các trung tâm khảo thí tổ chức các kỳ thi tuyển sinh độc lập làm cơ sở để các trường ĐH tuyển sinh. Chắc chắn, các trung tâm khảo thí sẽ không để xảy ra tiêu cực vì nếu như vậy, sẽ không có ĐH nào tin tưởng sử dụng kết quả thi của trung tâm đó nữa. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tăng cường phân luồng HS đi học nghề để tránh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ hiện nay.
 
Được biết, ĐH Quốc gia cũng từng tổ chức thi đánh giá năng lực để tuyển sinh ĐH nhưng từ năm 2017 kỳ thi này đã “nhập” vào kỳ thi của cả nước. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, cách thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia trước đây được tiến hành hoàn toàn trên máy tính, chỉ qua 1 bài tổng hợp và trong 1 buổi kéo dài 3 tiếng trong khi thi THPT quốc gia phải kéo dài 3 ngày và thi trên giấy. Đây cũng là ý tưởng để chúng ta có thể cải tiến kỳ thi tuyển sinh ĐH nhanh gọn, chính xác, không gây tốn kém cho xã hội và mệt mỏi cho TS.
 
Trong khi đó, theo ông Lê Viết Khuyến, chúng ta cần giải quyết tiêu cực từ yếu tố “con người”. Thứ nhất, cần phải tăng cường giám sát xã hội bằng minh bạch hóa, công khai hóa. “Lâu nay, chúng ta thường chỉ nói đến gian lận thi cử đối với TS nên Bộ GD-ĐT đã có giải pháp như thi trắc nghiệm khách quan, hạn chế tự luận, tráo đề thi và đáp án. Nhưng tiêu cực còn đến từ những người tổ chức thi. Vì thế, cần minh bạch hóa toàn bộ quá trình tổ chức, từ khâu chấm thi, lưu bài thi… bằng việc lắp đặt camera giám sát”.
 
Giải pháp thứ hai là tăng trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Địa phương nào để xảy ra sai sót trong quá trình tổ chức thi, thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước tiên, sau mới là các cán bộ cấp dưới tham gia vào quá trình tiêu cực. “Nếu quy định như vậy sẽ không có những phát biểu vô trách nhiệm của Bí thư tỉnh Hà Giang rằng mình không biết gì cũng như không chỉ đạo việc thay đổi điểm thi như vừa qua”.
 
Trung Thu 

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…