“Một giờ lắng nghe” người trẻ

Chia sẻ

PNTĐ-Dự án “Một giờ lắng nghe” là một hoạt động thường niên của nhóm Thực hành tham vấn tâm lý (Hanoi Counsellor Group) nhằm tham vấn miễn phí, giúp tháo gỡ khó khăn cho những người trẻ...

 
 
“Một giờ lắng nghe” người trẻ - ảnh 1
Một ca tham vấn tâm lý của dự án “Một giờ lắng nghe” 

Anh Phạm Lê Hoàng Minh, Thạc sỹ thực hành Tâm lý học Phát triển Trẻ em và Thanh thiếu niên (ĐH Toulouse 2 Jean-Jaurès), trưởng nhóm Thực hành tham vấn tâm lý, người đã có trên 5 năm kinh nghiệm làm việc với thân chủ vị thành niên và người trưởng thành cho biết: Vấn đề mà các bạn đang trong độ tuổi vị thành niên và người trẻ (13 đến 19 tuổi) mong nhận được sự tham vấn rất đa dạng: tình cảm, tình dục (xâm hại), bạo hành, tâm bệnh (trầm cảm, lo âu, tự hại…). 
 
Sở dĩ “Một giờ lắng nghe” chủ yếu hướng đến lứa tuổi vị thành niên là bởi đây là thời điểm trẻ bắt đầu hình thành bản sắc cá nhân, tìm cách thoát ra khỏi gia đình. Lúc này, đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất tới trẻ vị thành niên là các nhóm bạn cùng tuổi, sau đó là thầy cô rồi mới đến bố mẹ. Vai trò của gia đình lùi xuống vị trí thứ 3, các bạn dần muốn tách mình ra khỏi không gian gia đình để tìm kiếm những mối quan hệ bên ngoài, hòa nhập dần với môi trường xã hội và khẳng định cái tôi. Tuy nhiên, gia đình vẫn có vai trò quan trọng ảnh hưởng tới giới trẻ. Cụ thể, phần lớn (chiếm khoảng 70, 80%) các trường hợp liên quan đến tâm bệnh có yếu tố gia đình: liên quan đến bố mẹ ly thân, ly hôn, bạo lực gia đình, nghiêm trọng hơn có cả xâm hại tình dục. 
 
“Thông thường, sau khi gặp cá nhân để tham vấn, chúng tôi sẽ gặp riêng phụ huynh và sau đó là cuộc gặp cả 3 người: bố, mẹ và con cái. Nó sẽ giống như một cuộc thảo luận nhóm và có những nguyên tắc: Tất cả đều được nói hết những gì mình muốn và những người còn lại đều phải im lặng để nghe, đến lượt mình mới được nói. Chúng ta hầu như không nghe hết được lời những người thân nói với mình, vì dễ bị suy diễn, nổi khùng hay cảm thấy bị tổn thương vì sự truyền thông trong gia đình không được xuyên suốt.
 
Nhiều bạn có xu hướng đổ lỗi, cho rằng vì bố mẹ như thế này, thế kia nhưng chúng tôi gợi mở: Em thử hỏi vì sao bố mẹ lại hành xử như vậy, liệu rằng có phải chính họ khi làm con cái cũng bị bố mẹ mình đối xử như vậy hay không? Nguyên nhân có thể không bất ngờ mà nó là những câu chuyện xuyên thế hệ. Để xử lý nó, mỗi bên sẽ phải nhượng bộ một phần nào đó. Với các bạn trẻ, chúng tôi hỏi: Trong các yếu tố đó, yếu tố nào em cảm thấy sẵn sàng thay đổi, còn với phụ huynh đâu là việc anh/ chị có thể suy nghĩ lại, nhìn lại để con mình được thoải mái hơn”-  anh Phạm Lê Hoàng Minh cho biết.
 
Nguyễn Thị N (17 tuổi) tìm đến Dự án “Một giờ lắng nghe” cho biết, mâu thuẫn giữa bạn và gia đình lên đến cực độ vì bạn ấy đi nhuộm tóc trong khi mẹ bạn là giáo viên lại cho rằng việc này thiếu chuẩn mực. N giải thích rằng: Con biết bản thân con như thế nào, không quan tâm tới việc ai phán xét, nhưng mẹ N thì cho rằng điều N làm là không chấp nhận được và nhất quyết muốn bạn phải đi tẩy màu tóc ngay. N không chịu và bỏ nhà đi, sang nhà bạn cùng lớp ngủ mấy hôm.
 
Mẹ gọi điện nhưng N không nghe. Khi tìm đến dự án, nhân viên tư vấn đã giúp hai mẹ con bạn có cơ hội được nói ra suy nghĩ của bản thân. Dần dần, N thấy những điều mẹ nói cũng có những ý nghĩa nhất định và cảm thấy rằng mình cũng có thiếu sót, đồng thời phụ huynh cũng thấy mình đang nóng tính và áp đặt con. Hai bên có thể lắng nghe được nhau. Cuối cùng, N vẫn giữ màu tóc nhuộm và mẹ N thấy điều đó cũng không tới mức kinh khủng.
 
Đặc biệt, có nhiều bạn là nạn nhân của xâm hại tình dục cũng tìm đến xin được tham vấn tâm lý. “Với những trường hợp này khi tìm đến, những bước đầu tiên để chúng tôi đến gần với các bạn rất khó khăn. Tâm lý các bạn không ổn định, vừa cảm thấy cần phải chia sẻ nhưng cũng vừa cảm thấy xấu hổ và muốn giấu đi. Sau khi xây dựng được mối quan hệ đủ tin cậy thì các bạn dần dần mới chia sẻ và chúng tôi giúp các bạn bóc tách vấn đề”- anh Phạm Lê Hoàng Minh kể.
 
Theo các chuyên gia, để tránh những mâu thuẫn trong gia đình, những tổn thương tâm lý đến với các thành viên là ít nhất thì cần tạo ra sự đối thoại. Khoảng cách thế hệ là đương nhiên có, vậy nên làm thế nào để mỗi người đều có cơ hội nói ra mong muốn của mình sẽ là cách giảm thiểu những điều đáng tiếc xảy ra và để ngôi nhà vẫn là nơi bình yên nhất. Đó là mục tiêu để “Một giờ lắng nghe” tiếp tục lan tỏa, góp phần cho cuộc sống gia đình của mỗi người hạnh phúc hơn.
 
Đỗ Quỳnh Anh

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.