Kỳ 4: Định kiến giới trong hệ thống tư pháp

Chia sẻ

PNTĐ-Định kiến giới có thể tìm thấy ngay trong các quy định pháp luật, các bộ luật, trong quy trình điều tra của các cơ quan pháp luật, trong quy trình xét xử của tòa án...

 
Định kiến giới có thể tìm thấy ngay trong các quy định pháp luật, các bộ luật, trong quy trình điều tra của các cơ quan pháp luật, trong quy trình xét xử của tòa án, qua đó vô tình làm tăng thêm những mối nguy hại gây ra cho phụ nữ.
 
Nhiều khuôn mẫu giới cổ hủ trong hệ thống pháp luật
 
Có thể thấy, mối quan hệ giữa quy định của pháp luật với những khuôn mẫu giới cổ hủ, định kiến giới có thể ảnh hưởng theo những cách khác nhau tới khả năng tiếp cận hệ thống tư pháp. Cụ thể là trên ba phương diện. 
 
Thứ nhất, do quan niệm mang tính khuôn mẫu cổ hủ về giới mà quy định bất bình đẳng bỏ qua không quy định những nội dung cần thiết để bảo đảm cho bình đẳng giới (BĐG) trong việc tiếp cận hệ thống tư pháp. Thứ hai, quy định không rõ ràng, do đó việc giải thích hoặc áp dụng vô hình chung cổ súy cho cách suy nghĩ cổ hủ, định kiến giới. Thứ ba, quy định mang tính chất không khả thi hoặc rào cản khiến người dân vốn có sẵn tư tưởng cổ hủ, định kiến càng khó có cơ hội tiếp cận hệ thống tư pháp. 
 
Về vấn đề này, theo TS Đào Lệ Thu (GĐ Trung tâm Nghiên cứu so sánh luật công - Viện Luật so sánh, ĐH Luật HN) thì một số quy định của pháp luật có thể xem xét như những minh chứng cho mối quan hệ tiêu cực giữa khuôn mẫu giới cổ hủ, định kiến giới với hệ thống pháp luật Việt Nam.
 
Kỳ 4: Định kiến giới trong hệ thống tư pháp - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Cụ thể, quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình còn một số nội dung gây tranh cãi từ góc độ bình đẳng giới. Đó là Luật quy định về nguyên tắc việc giúp đỡ phụ nữ thực hiện chức năng cao quý của người mẹ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy là xuất phát từ tư tưởng cổ hủ coi việc nuôi con là của người phụ nữ. Hay, khái niệm kết hôn đã loại bỏ việc kết hôn giữa những người đồng giới và khái niệm chung sống như vợ chồng cũng loại bỏ việc chung sống giữa những người cùng giới tính. Ngoài ra, quy định cho phép mang thai hộ cũng có thể bị xem là một sự ủng hộ cho tư tưởng sinh con bằng bất cứ giá nào để gia đình có người kế tự. 
 
Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới đều chưa đưa ra được định nghĩa về bạo lực trên cơ sở giới. Vì vậy chưa thật sự xác định được nội hàm của khái niệm và có thể dẫn tới việc hiểu và áp dụng luật theo hướng ủng hộ những khuôn mẫu giới hoặc định kiến giới. Ví dụ, để xác định hành vi của người chồng hoàn toàn không tham gia vào các công việc gia đình, không làm việc để có thu nhập về cho gia đình có phải là một hình thức của bạo lực trên cơ sở giới không đơn giản. Hay, Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu không giống nhau giữa đối với nam và nữ.
 
Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành cũng tồn tại một số quy định hoặc thiếu một số quy định ảnh hưởng đến việc thay đổi những khuôn mẫu giới hoặc định kiến giới. Đó là quy định việc không áp dụng án tử hình hoặc không thi hành án đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (Điều 35) nhưng lại không tính đến trường hợp đàn ông nuôi con dưới 36 tháng tuổi dường như gián tiếp mặc định nghĩa vụ chăm sóc con cái thuộc về phụ nữ. Hay, đối với quy định về các tội xâm hại tình dục, BLHS chưa thể hiện rõ vấn đề xâm hại tình dục trong quan hệ hôn nhân.
 
Một số quy định khác của BLHS ít nhiều có thể xem vô tình ủng hộ hoặc chịu ảnh hưởng của tư tưởng khuôn mẫu cổ hủ về giới như không quy định cụ thể hành vi bạo lực kinh tế đối với các thành viên trong gia đình tại Điều 151. Trong khi giải thích về hành vi đối xử tàn ác hoặc hành hạ trong những tội này lại chưa rõ có bao gồm trường hợp cưỡng ép lao động quá sức để kiếm tiền, hoặc bị người chồng hoàn toàn kiểm soát thu nhập dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Quy định tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” nếu áp dụng trong bối cảnh các tội mang tính bạo lực đối với phụ nữ hoặc bạo lực gia đình lại mang ý nghĩa cảm thông với quan niệm cổ hủ hoặc định kiến giới...
 
Bất cập trong thực thi pháp luật và tiếp cận công lý 
 
Mặc dù Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới và có tiến bộ đáng kể trong cải cách pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ trước BLGĐ nhưng phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại trong tiếp cận công lý.
 
Thực tế cho thấy khi chịu ảnh hưởng của tư tưởng khuôn mẫu cổ hủ và định kiến giới, nhiều cán bộ tư pháp nhận thức vấn đề đơn giản, thậm chí đôi khi xem nhẹ vấn đề cần giải quyết như: Trong việc chia thừa kế, việc giải quyết ly hôn, việc điều tra, truy tố, xét xử các hành vi phạm tội có tính chất bạo lực giới.
 
Ví dụ trong các vụ việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo về xâm hại tình dục hoặc BLGĐ có đặc điểm khác với hành vi xâm hại con người khác. Tuy nhiên, cán bộ tư pháp trong nhiều trường hợp không nhận thức được tính nhạy cảm của vấn đề hoặc vì khuôn mẫu giới cổ hủ mà cho rằng những trường hợp này là vấn đề đạo đức gia đình, pháp luật không nên can thiệp. Thậm chí, nhận thức sai lệch về vấn đề ngầm ủng hộ quan điểm của người gây bạo lực khi cho rằng người phụ nữ, người vợ đáng bị đối xử như vậy. Nhận thức đó trong một số trường hợp dẫn đến thái độ thờ ơ, thiếu nhiệt tình, thiếu tâm lý, đôi khi còn soi mói, thiếu tôn trọng nạn nhân bị bạo lực. 
 
Kỳ 4: Định kiến giới trong hệ thống tư pháp - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
Nghiên cứu của UNODC (Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm) cho thấy, thái độ khoan nhượng phổ biến của các nhân viên thực thi pháp luật, với quan niệm cho rằng BLGĐ là một vấn đề riêng tư, cần ưu tiên giữ gìn sự toàn vẹn của gia đình và phụ nữ không bao giờ có thể từ chối nhu cầu tình dục của chồng. Nhiều nạn nhân không hài lòng với kết quả làm việc của công an, cảnh sát (47%) và nghĩ rằng các biện pháp của họ không đủ nghiêm khắc (54%). 
 
Bà Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội) cho rằng, hiện nay, khung pháp lý chính sách về phòng chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam khá đầy đủ so với các quốc gia khác, nhưng thực trạng bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới còn nhiều. Những báo cáo về con số vụ việc bạo lực chỉ phản ánh một phần của thực trạng ấy, như phần nổi của tảng băng chìm, bởi quan niệm của nhiều người dân vẫn coi vấn đề này là chuyện riêng tư, nên có nhiều địa phương không báo cáo.
 
Thực trạng bạo lực không được phản ánh đầy đủ nên nỗ lực của các cơ quan để giải quyết cũng chưa đầy đủ. Việc thực thi pháp luật còn nhiều khoảng trống, người hòa giải chưa nhận diện được vụ việc BLGĐ, thường nghĩ những vụ đánh nhau nghiêm trọng thì mới quan tâm; có vụ việc được báo cáo lên nhưng lại không được giải quyết ngay, hoặc giải quyết không thỏa đáng gây mất niềm tin. 
 
Có thể thấy, giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện trong đó bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận công lý của người bị bạo lực là một phần quan trọng. Những khoảng trống còn tồn tại trong hệ thống pháp luật cần được cải thiện, cần rà soát lại các Bộ luật Lao động, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hình sự... để bổ sung các chế tài xử lý thống nhất giữa các luật. 
 
Đối với hoạt động tin cậy tại cộng đồng, cần đưa thông tin về địa chỉ đến với mọi người, đặc biệt là những người có nguy cơ bạo lực. Trang bị cho người làm địa chỉ tin cậy các kỹ năng cơ bản trong việc hỗ trợ người bị BLGĐ. Bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ hòa giải viên nhằm nâng cao nhận thức cho họ về phạm vi hòa giải và áp dụng các chế tài pháp lý khác nếu hành vi bạo lực lặp lại nhiều lần, nghiêm trọng. Quy định rõ ràng tiêu chí hòa giải thành công, quan trọng nhất là chấm dứt bạo lực chứ không phải duy trì gia đình bất hạnh. Đối với các vụ việc hiếp dâm, xâm hại tình dục vì lý do nhạy cảm, cơ quan chức năng cần hướng dẫn nạn nhân và người nhà tiếp cận công lý, xử lý những người có hành vi bạo lực mà không nên dàn xếp dân sự.
Ngoài ra, việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống pháp lý đa kênh sẽ làm giảm gánh nặng tâm lý cho nạn nhân khi báo cáo vụ việc với các cán bộ nam giới và xử lý tốt hơn những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt khi tìm kiếm công lý.
 
 
 Nghiên cứu về bạo hành gia đình cho thấy bức tranh hệ thống pháp luật không hoạt động với nữ giới như sau: 50% nạn nhân nữ chưa bao giờ kể với ai về vụ bạo hành, 87% nạn nhân nữ chưa yêu cầu chính quyền hoặc các cơ chế chính thống hỗ trợ, 43% trường hợp bạo hành gia đình được trình báo với công an, 61% trường hợp bạo hành được trình báo chuyển thành hòa giải, 12% trường hợp trình báo dẫn tới một tội danh hình sự... 
 
 
Hết
 
Hạ Thi - Hồng Nhung

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.