Đừng “nhân danh tình yêu” để… bạo hành trẻ

Chia sẻ

PNTĐ-“Nhiều cha mẹ thường ngụy biện, nhân danh tình yêu, sự quan tâm và mục đích “muốn tốt cho trẻ” để sử dụng bạo lực thể chất... gây nên những tổn thương tinh thần cho trẻ”.

 
“Nhiều cha mẹ thường ngụy biện, nhân danh tình yêu, sự quan tâm và mục đích “muốn tốt cho trẻ” để sử dụng bạo lực thể chất; nhân danh noi gương rồi so sánh con gây nên những tổn thương tinh thần cho trẻ” - bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và phát triển bền vững (MSD) chia sẻ.
 
Đừng “nhân danh tình yêu” để… bạo hành trẻ - ảnh 1
Trẻ em luôn cần được yêu thương và bảo vệ. Ảnh minh họa

 
Gia đình thành nơi trải nghiệm cảm xúc tiêu cực 
 
Tại Hội thảo giới thiệu chiến dịch “Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực” do Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH phối hợp với MSD tổ chức mới đây, bà Phương Linh cho biết, trong một cuộc khảo sát trẻ em từ 8 - 16 tuổi ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cho thấy vấn đề mà các em lo lắng, băn khoăn nhất chính là bị cha mẹ quát mắng, đánh trong gia đình, sau đó mới đến các vấn đề xảy ra tại trường.
 
Trả lời câu hỏi “em nào đã bị bố mẹ quát mắng, đánh”, tất cả các em nam đều giơ tay. Trong khi đó, tất cả phụ huynh tham dự khảo sát khi được hỏi: “Có ai chưa từng đánh/mắng con không?” thì không cánh tay nào đưa lên. Có người còn khăng khăng “con tôi nên tôi được quyền đánh. Đánh là để giáo dục”. 
 
Bà Bùi Xuân Hoa, giảng viên thỉnh giảng môn Giáo dục trẻ em, khoa Gia đình, đại học Văn hóa Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại, nhiều sinh viên của mình kể các em bị ám ảnh tâm lý sâu sắc đến tận khi trưởng thành bởi việc dạy dỗ bằng đòn roi hay sự so sánh của cha mẹ từ hồi còn nhỏ. “Đa số cha mẹ đánh, mắng con lý do để dạy con, hoặc không kiềm chế được cơn nóng giận của mình, nhưng lại không quan tâm đến hậu quả của việc “trút giận” ấy đối với trẻ” - bà Xuân Hoa nói.
 
Theo thống kê của Cục Trẻ em, trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Rất nhiều vụ bạo lực trẻ em núp dưới “mác” giáo dục con vẫn còn tồn tại trong các gia đình với các biện pháp trừng phạt thân thể như: Đánh bằng tay hoặc bằng roi/ gậy; tát, bạt tai, véo, giật tóc; bắt phạt con trẻ duy trì các tư thế không thoải mái trong thời gian dài. Một số trường hợp trừng phạt bằng tinh thần như: Mắng chửi, mỉa mai, miệt thị, so sánh trẻ với con vật/đồ vật, với trẻ khác… cũng được thực hiện ở mức độ dày đặc. 
 
Điều 27 Luật Trẻ em năm 2016 đã ghi rõ, trẻ có quyền “được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ”. Các văn bản dưới Luật khác cũng đã ghi nhận và bảo vệ quyền trẻ em như Bộ luật Dân sự (sửa đổi) năm 2015, Luật Giáo dục năm 2005, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2008, Luật Bình đẳng giới năm 2006...
 
Các hành vi vi phạm quyền trẻ em nói chung, quyền được bảo vệ của trẻ em nói riêng, tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, trên thực tế, đa số phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên vẫn chưa ý thức được đó là các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền của trẻ em. Đồng thời cũng chưa nhận thức được rằng trừng phạt thể chất và tinh thần không mang lại kết quả tích cực về giáo dục như họ mong đợi. 
 
 
Lan tỏa chiến dịch giáo dục không bạo lực
 
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cũng nhấn mạnh: “Bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại không phải là công việc, nhiệm vụ của riêng một cá nhân hay tổ chức nào. Đó là một hành trình dài “Lan tỏa yêu thương” và thúc đẩy “Giáo dục không bạo lực” với sự vào cuộc của nhiều bên liên quan, trong đó, bố mẹ là nhân tố quan trọng nhất”. 
 
Việc giáo dục không bạo lực sẽ được thể hiện bằng những thông điệp “Ngừng đánh con”, “ngừng quát mắng con”, “cùng con tìm giải pháp”, “con là duy nhất, sao phải lo lắng”, bằng các hoạt động tập huấn, truyền thông cộng đồng, truyền thông xã hội và đối thoại chính sách sẽ được triển khai. Các CLB Cha mẹ tốt cũng được thành lập để giúp phụ huynh đưa ra giải pháp tốt nhất cho các tình huống cụ thể trong ứng xử giữa cha mẹ và con…
 
“Bằng các buổi tập huấn chuyên sâu và miễn phí cho bố mẹ, chúng tôi mong muốn bố mẹ có những kỹ năng cần thiết khi dạy trẻ, như kỹ năng thấu hiểu và lắng nghe trẻ, nắm bắt các giai đoạn phát triển của trẻ để dễ dàng chấp nhận thái độ bướng bỉnh hay chống đối của trẻ… từ đó đưa ra cách xử lý tình huống cụ thể. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tôn trọng ý kiến của trẻ, có kỹ năng khen thưởng và khích lệ phù hợp, đặt ra các nội quy trong gia đình, kiềm chế căng thẳng và làm gương cho gia đình” - chị Nguyễn Hải Anh, Quản lý chương trình Gia đình Việt cho biết.
 
“Tình yêu thực tế chỉ có thể được thể hiện thông qua hình thức khích lệ, khen thưởng, kỷ luật tích cực. Đồng hành cùng con chính là những giải pháp hữu hiệu nhất cho sự phát triển của trẻ” - bà Nguyễn Phương Linh khuyên.
 
 
Hồng Nhung 

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Hè này con muốn về quê

Hè này con muốn về quê

(PNTĐ) - Mùa hè vừa chớm, lũ trẻ về quê chơi rộn ràng cả xóm. Riêng nhà bà Vân vẫn vắng bóng hai đứa cháu nội, chỉ vì lịch học thêm dày đặc và những e ngại vụn vặt của người lớn.
Hạnh phúc giản dị

Hạnh phúc giản dị

(PNTĐ) - Chị về đến nhà, đầu đau như búa bổ, hai tay rã rời. Nghĩ đến hai con cần phải ăn tối xong trước giờ học bài, chị tự nhủ: “Mình nằm chút thôi rồi dậy ngay”. Vậy mà khi chị tỉnh dậy, trời đã tối mịt.
Yêu sau cưới

Yêu sau cưới

(PNTĐ) - Ngân và Trung cưới nhau qua mai mối khi cả hai đã bước vào độ tuổi mà gia đình không còn muốn con cái "kén cá chọn canh" nữa. Trung khi ấy 30 tuổi, là một người đàn ông thành đạt, trầm tính và chín chắn, đang làm trưởng phòng kỹ thuật tại một công ty lớn. Ngân 28 tuổi, là cô giáo tiểu học hiền lành, chu đáo, sống giản dị và có phần khép kín.
4 “mẹo” đồng hành cùng con tuổi teen

4 “mẹo” đồng hành cùng con tuổi teen

(PNTĐ) - Khi con bước vào tuổi teen, nhiều cha mẹ thấy con trở nên khó bảo, không chịu hợp tác. Để có thể đồng hành cùng con, cha mẹ cần có phương pháp phù hợp. Dưới đây là 4 mẹo hay cha mẹ có thể tham khảo từ thạc sĩ giáo dục Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Học viện The Zen Parenting Academy.