Đón Tết ở các gia đình đại trí thức xưa

Chia sẻ

PNTĐ-Đất nước đang chuẩn bị đón Xuân mới. Vào dịp này, thế hệ con, cháu của các gia đình đại trí thức lại có dịp hồi tưởng về không khí đón Tết xưa.

 
Đất nước đang chuẩn bị đón Xuân mới. Vào dịp này, thế hệ con, cháu của các gia đình đại trí thức lại có dịp hồi tưởng về không khí đón Tết xưa. Câu chuyện của họ, cho chúng ta hiểu hơn về bối cảnh xã hội, đời sống văn hóa, nếp nghĩ của một lớp người đến từ hơn nửa thế kỷ trước…
 
Tết sum họp dưới mái nhà của cha mẹ       
 
Đón Tết ở các gia đình đại trí thức xưa - ảnh 1
Gia đình GS Dương Quảng Hàm chụp ảnh dịp đầu năm mới

 
Tết của gia đình tôi cũng giản dị như các gia đình trung lưu cũ ở Hà Nội ngày xưa. Hàng ngày, bố tôi đi dạy học còn mẹ bán hàng quần áo ở cửa hàng 98B Hàng Bông. Khoảng 28 Âm lịch, mẹ tôi đóng cửa hàng tới tận ngày 8-10 mới mở cửa trở lại để có nhiều thời gian ăn Tết. 
 
Dịp Tết hàng năm, các chị gái tôi được mẹ ưu tiên cho tiền để may áo dài mới, còn áo rét thì vài năm mới được may. Mẹ tôi thường chăm lo ăn mặc cho con gái hơn vì con gái cần phải làm đẹp. Tối 30 Tết, anh chị em tôi rủ nhau lên gác 3 để đốt pháo mà bố mẹ phát cho. Tôi thích nhất pháo thăng thiên, sau khi đốt thì bay vút lên trời. Các anh lớn có thêm loại pháo sáng bọc trên que đồng. Tôi nhỏ hơn thì đốt pháo dây. Ngoài ra còn có loại pháo tép, chúng tôi khi đốt thường úp ống bơ sữa bò lên. Pháo nổ thì cái ống bơ cũng bay lên. 
 
Thời đó, mọi người thường đón Giao thừa ở nhà, chứ không đổ ra đường đi chơi, ngắm pháo hoa như bây giờ. Vì thế, hồ Gươm đêm Giao thừa cũng rất vắng vẻ, thanh bình. Chỉ đến khi Giao thừa thì mới có tiếng pháo thi nhau nổ ran. Sáng mồng Một, bố mẹ tôi mừng tuổi cho các con bằng tiền. Giá trị tiền không lớn, nhưng chúng tôi thích vô cùng vì cả năm có được tiêu tiền đâu. Sau đó, bố mẹ đi lễ ở nhà trưởng họ. Mẹ tôi còn đi lễ cầu may ở chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá. Trẻ con chúng tôi tụ tập chơi tam cúc, chơi bất. Trên phố Hàng Bông lúc này, mọi người cũng bắt đầu đổ ra phố để đi chơi Tết. Chị em phụ nữ mặc áo dài còn nam giới đa số còn mặc áo dài đen. Đến khoảng những năm đầu 1940 của thế kỷ trước, nam giới trẻ mới chuyển sang mặc âu phục. Nhà tôi nằm ngay chỗ đỗ tàu điện. Dịp Tết, xe điện vẫn chạy đủ chuyến. Có năm, tôi được các anh chị cho đi xe điện tới tận Hà Đông để ngắm phố phường vào xuân. 
 
Cuối năm 1946, khi tình hình ngoại giao giữa ta và Pháp đã căng thẳng đến cực điểm, mẹ tôi gửi 3 con nhỏ đi “tản cư” tại quê nhà. Tiếng súng Toàn quốc nổ ra, bố mẹ tôi và các anh chị lớn vẫn đang ở Hà Nội. Riêng chị cả tôi ngay từ sáng sớm đã được điều động đi theo cơ quan Đài phát thanh TNVN rời khỏi Hà Nội. Tối hôm đó, chị được đọc lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ trên sóng của Đài đóng tại nơi sơ tán. Đây là cái Tết đầu tiên mà gia đình chúng tôi ly tán vì khói lửa chiến tranh. 9 năm sau đó, khi Thủ đô được giải phóng, gia đình tôi mới gặp lại nhau nhưng bố tôi và anh cả đã không còn. Tết đông đủ kiểu cổ truyền của gia đình tôi đã mãi mãi đi vào dĩ vãng.
 
 (Ghi theo lời kể của ông Dương Tự Minh - con trai út của GS Dương Quảng Hàm, Hiệu trưởng trường Bưởi).
 
 
Nhớ những chiếc bánh chưng mẹ gói
 
Đón Tết ở các gia đình đại trí thức xưa - ảnh 2
Đại gia đình GS Nguyễn Văn Huyên đón Tết năm 1986

 
Dù là Tết trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ hay sau này khi đất nước đã hòa bình, bước vào giai đoạn khó khăn của thời bao cấp, mẹ tôi đều giữ nếp tự tay gói bánh chưng cho gia đình. Mẹ tôi gói bánh rất đẹp, gói tay, không cần dùng đến khuôn mà những chiếc bánh nào cũng vuông thành sắc cạnh. Dịp Tết, nhà tôi thường gói nhiều loại bánh chưng như bánh chưng mặn, nhân thịt và đậu xanh như mọi nhà, bánh chưng đường - đặc sản Lạng Sơn quê mẹ, bánh chưng gấc. Hình ảnh mẹ ngồi gói bánh chưng dịp Tết đã đi theo chúng tôi suốt thời thơ ấu.
 
Sau này, khi mẹ già yếu, chúng tôi cùng giúp mẹ gói bánh chưng. Có năm mẹ mệt nên gói phần lượt đầu, lá dong úp mặt xanh vào trong để tạo màu xanh cho bánh. Chị em chúng tôi, các anh rể gói tiếp lượt lá thứ hai, lá dong ngửa mặt xanh ra ngoài để bánh được đẹp. Mẹ tôi rất vui khi ngày Tết được thấy các thành viên trong gia đình quây quần người rửa lá, người chuẩn bị nhân, người gói bánh. Còn chúng tôi thầm ước, mẹ sẽ trường thọ, để có thể tiếp tục nhiều lần gói bánh chưng nữa mỗi khi Tết đến xuân về. 
 
Mẹ luôn nói con người cốt ở cái đức, ở sự học hành, chứ không phải manh áo, tấm quần. Mẹ đã gây dựng cho gia đình một luật bất thành văn là trong ngày đầu năm, mỗi người đều tự báo cáo, nhận xét những điều đã làm được và chưa làm được trong năm qua. Lần lượt từ bậc cao niên đến ấu niên thay nhau khấn báo dõng dạc trước bàn thờ tiên tổ, trong sự chứng kiến của các thành viên còn lại. Con trẻ thì bẽn lẽn cầm bản tự chuẩn bị sẵn để đọc. Ai cũng vui mừng vì làm được nhiều việc tốt, việc có ích trong năm. Sau này, khi bố mẹ tôi mất đi, nếp sinh hoạt này vẫn được các thế hệ con cháu duy trì đến tận ngày hôm nay. Cháu du học xa nhà thì đúng giờ gọi về, báo cáo với ông bà và cả nhà qua điện thoại. Sau đó, mọi người chúc Tết, mừng tuổi lẫn nhau, vui mừng trước sự lớn khôn của con trẻ. Điểm tựa gia đình đã giúp chúng tôi có thêm động lực, sự vững chãi để bước tiếp trên chặng đường đời.
 
 Ghi theo lời kể của PGS,TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu,  PGS.TS Nguyễn Văn Huy - các con của GS Nguyễn Văn Huyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1946-1975)
 
 
Đón Tết tao nhã mà giản dị, đầm ấm
 
Đón Tết ở các gia đình đại trí thức xưa - ảnh 3
Gia đình GS Nguyễn Xiển đón Tết trên Chiến khu Việt Bắc năm 1951

 
Mẹ tôi là con gái Hà Thành, lấy bố tôi là trai xứ Nghệ. Vì vậy, Tết trong gia đình tôi hội tụ đủ hương vị của hai vùng miền. Mâm cơm cúng Tết do mẹ tôi nấu, bao giờ cũng có các món cổ truyền, đặc trưng của Hà Nội như canh mọc, nem, canh măng, giò, chả… Nhưng, cùng với đó lại có các món của quê nội tôi như bánh chưng đường, bánh ngào, cháo canh… Mẹ tôi khéo léo, nấu các món ăn đều chuẩn vị nên được bà nội rất khen ngợi. Dịp Tết, mẹ còn may áo mới cho các thành viên trong gia đình. Thậm chí, mẹ còn giỏi cả thú chơi tao nhã, cầu kỳ như tỉa cả hoa thủy tiên để nở đúng vào đêm Giao thừa. 
 
Trong khi dưới bếp, những người phụ nữ rộn ràng chuẩn bị cỗ bàn, thì cánh nam giới trong nhà tôi lại lo việc dọn dẹp, bày biện nhà cửa. Ở nhà thờ họ, mọi người tập trung dọn dẹp. Những câu đối, bức trướng, hoành phi với những dòng chữ ý nghĩa, thêu rất đẹp thường được mừng vào các dịp khao vọng, nay được mang ra trưng bày. Nội dung của câu đối để sắp xếp theo trật tự. Ngày mồng Một Tết, con cháu cùng tới nhà thờ họ thắp hương, thành kính nhớ tới tổ tiên. Một người đàn ông trong họ có giọng tốt, am hiểu sâu sắc chữ Hán đọc to bài văn Tết tổ tiên, tóm tắt lại gia phả trước ban thờ cho con cháu cùng nghe. Đêm Giao thừa, bố tôi là người thắp hương khấn vái trời đất. Sau đó, cả nhà tôi và bà con chòm xóm cùng lắng nghe lời thơ chúc Tết của Bác Hồ kính yêu. Ai cũng xúc động, muốn xin hạnh phúc bình an cho gia đình, làng xóm, đất nước.
 
Ngày Tết, mọi người trong nhà tôi, từ già trẻ lớn bé đều thích nghe đọc sách, truyện văn học. Các bà, cô trong họ vì không biết chữ nên nhờ mẹ tôi đọc truyện Kiều cho nghe dù các cô đã thuộc lòng truyện. Các cụ bô lão ngâm nga và giảng nghĩa những lời văn hay chữ tốt được ghi trên bức trướng cho con cháu hiểu. Có cụ còn mang đàn nguyệt ra đánh, âm thanh du dương trong khói hương trầm se sắt làm không khí Tết càng thêm linh thiêng. Ngoài sân, lũ trẻ chúng tôi vui sướng vì được mặc áo mới, chạy nhảy vui đùa, chơi pháo thăng thiên. Sáng mồng Một, các con cháu làm lễ mừng tuổi cha mẹ và khai bút trên giấy đỏ về những ước nguyện của mình trong năm mới. 
 
Đến bây giờ, hàng chục năm đã qua, nhưng ký ức Tết thanh bình, giản dị, bên mẹ cha vẫn luôn in đậm trong ký ức của tôi. 
 
Ghi theo lời kể của nhà báo Nguyễn Lưu - con trai cố Giáo sư Nguyễn Xiển (1907-1997) Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam.
 
 
PV 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.