Một tay dựng nghiệp và giữ lửa làng nghề

Chia sẻ

PNTĐ-Từ hai bàn tay trắng, với sự say nghề, quyết đoán, tầm nhìn chiến lược, bà đã dựng nên nghiệp lớn...

 
Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội là Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2012, nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2003, Giải thưởng Quả cầu Vàng, Ngôi sao Việt Nam 2006, Bông hồng Vàng Thủ đô 2008, Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2018... Từ hai bàn tay trắng, với sự say nghề, quyết đoán, tầm nhìn chiến lược, bà đã dựng nên nghiệp lớn. Không những vậy, bà còn có nhiều hoạt động góp phần giữ lửa làng nghề cho con cháu đời sau. 
 
 
Một tay dựng nghiệp và giữ lửa làng nghề - ảnh 1
Bà Hà Thị Vinh luôn mơ ước khẳng định thương hiệu gốm sứ Việt trên thế giới

Đi lên từ hai bàn tay trắng
 
Bà Vinh là thế hệ thứ 15 trong một gia đình làm gốm sứ. Trước khi dựng nghiệp, bà làm việc tại Xí nghiệp Bát Tràng. Năm 1988, Xí nghiệp hoạt động khó khăn, gốm sứ sản xuất ra tấp đống hết kho xí nghiệp lại tấp ra ngoài đường không bán được, lại phải cáng đáng một gia đình với chồng là thương binh mất sức lao động và đàn con thơ, bà quyết định nghỉ chế độ, thành lập tổ hợp tác Mỹ Hạnh. Bà nhận định, tổ hợp tác muốn phát triển phải xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Bà đã lặn lội từ Nam ra Bắc để đi tìm kiếm đối tác.
 
Cuối cùng, bà tiếp cận được một khách hàng người Italia. Qua thuyết phục và chứng minh bằng năng lực, tổ hợp tác Mỹ Hạnh được nhận đơn hàng lớn đầu tiên trị giá tới 20.000 USD để sản xuất đồ lưu niệm phục vụ Thế vận hội Italy 90. Hè năm đó, những biểu tượng quả bóng với cành lúa mạch, gạt tàn thuốc hình chiếc giày bằng gốm sứ từ làng gốm Bát Tràng, Việt Nam đã vượt biển đến với khách quốc tế. Sau Italia, bà Vinh lại mở rộng thị trường sang Nhật Bản với đơn hàng 30.000 USD, rồi Đài Loan, Hàn Quốc… Có thời điểm, Tổ hợp tác xuất 9, 10 container 40 feet/tuần ra nước ngoài. Khi môi trường hoạt động cho doanh nghiệp bắt đầu thuận lợi, bà đã giải tán Tổ hợp tác để thành lập Cty TNHH Gốm sứ Quang Vinh. 
 
Bản lĩnh thương trường, tư duy chiến lược của nữ doanh nhân Hà Thị Vinh có thể thấy qua lần bà bình tĩnh đưa công ty cũng như nhiều hộ sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng vượt qua giai đoạn cam go, tưởng chừng sắp bị phá sản. Năm đó, một số tư thương nước ngoài sang Bát Tràng đặt làm sản phẩm gốm sứ để mang về nước cung cấp cho các đầu mối. Dù chỉ nhận được đặt cọc trị giá 10-20% đơn hàng, nhiều cơ sơ vẫn tin tưởng ồ ạt sản xuất. Chỉ đợi có vậy, mấy tháng sau, các tư thương quay trở lại, ép giá sản phẩm xuống còn 50% giá ban đầu. Trong thế nước sôi lửa bỏng, bà Vinh đã đưa ra quyết định táo bạo là vay tiền ngân hàng để mua lại toàn bộ sản phẩm của các cơ sở, với điều kiện họ phải tạm dừng sản xuất. Không có hàng để trả cho đầu mối, các tư thương tưởng thắng hóa bại, buộc phải mua lại toàn bộ số hàng của Quang Vinh với giá cao hơn 10%. Phần chênh lệch thu được Quang Vinh không những đủ trả lãi ngân hàng mà còn có lời giúp công ty tiếp tục đầu tư vào sản xuất. 
 
Muốn phát triển phải bền vững
 
Bà Vinh xác định sự nghiệp muốn phát triển phải theo hướng bền vững. Trước đây, tại làng nghề Bát Tràng, các cơ sở sản xuất gốm sứ thường sử dụng lò nung bằng than, củi, vừa cho lượng nhiệt không ổn định làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, vừa gây ô nhiễm môi trường. Khoảng đầu năm 2000, bà Vinh đã tiên phong thay thế lò nung bằng than củi sang sử dụng nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường là khí gas hóa lỏng. Năm 2002, bà tiếp tục áp dụng hệ thống lò gas con thoi theo công nghệ của Đức.  
 
Một tay dựng nghiệp và giữ lửa làng nghề - ảnh 2
Sản phẩm gốm sứ của công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh

 
Bà Vinh sinh được 3 người con thì cả 3 người con đều được bà định hướng nối nghiệp gia đình. Hiện, con trai cả của bà đang là Giám đốc điều hành Công ty gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Minh Long Bát Tràng. Con gái thứ 2 được bà đưa sang Anh học cao học về Quản trị Kinh doanh quốc tế, sau đó trở về tham gia điều hành công ty với chức vụ Phó Giám đốc kinh doanh. Con trai út tốt nghiệp ĐH Gốm sứ tại Giang Tây, Trung Quốc, hiện phụ trách kỹ thuật của công ty. Anh đã nghiên cứu kết hợp thành công hoá silicat xương và men giúp công ty sản xuất ra dòng sản phẩm gốm sứ siêu mỏng, siêu nhẹ nhưng vẫn cứng, chắc. Giải pháp này đã được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật nông nghiệp nông thôn năm 2012. Con dâu út của bà là họa sỹ - thiết kế người Trung Quốc, chuyên đảm nhiệm thiết kế mẫu mã sản phẩm. 
 
Hiện nay, công ty Quang Vinh đã khẳng định uy tín trên thị trường, với 2 cơ sở lớn tại Bát Tràng và Quảng Ninh. Từ ngày mới thành lập chỉ có 6 lao động, đến nay, công ty đã có gần 300 lao động, trong đó 90% là lao động nữ. Sản phẩm của công ty chủ yếu được bán tại thị trường của hơn 20 quốc gia như: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Mỹ, Úc, Hà Lan…  
 
Ấp ủ nhiều kế hoạch bảo tồn văn hóa truyền thống 
 
Bà Vinh tâm sự: Người dân Bát Tràng, trong đó có bà, không chỉ tự hào về lịch sử làng nghề 700 tuổi của mình, mà còn vì đến nay, họ vẫn gìn giữ, phát triển thịnh vượng nghề của cha ông. Không chỉ vậy, Bát Tràng còn là “làng khoa bảng - đất danh hương” với 9 Tiến sĩ, rất nhiều hương cống - cử nhân, sinh đồ - tú tài; nhiều võ quan được phong tước quận công… 
 
Muốn con cháu nhớ về truyền thống của làng, công ty Quang Vinh đã đầu tư, mời người tới viết, xuất bản một cuốn sách riêng về Bát Tràng. Cuốn sách đã trình bày khá toàn diện về lịch sử, sự phát triển của làng Bát Tràng qua các chương, từ lịch sử phát triển, các di tích thờ cúng, lễ tiết, hội làng và phong tục tập quán với những nét độc đáo riêng, văn học dân gian làng hay giải nghĩa vì sao Bát Tràng được mệnh danh là làng văn, làng võ… 
 
Một tay dựng nghiệp và giữ lửa làng nghề - ảnh 3
Sản phẩm gốm sứ của công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh

 
Bà Vinh cũng có nhiều hoạt động để bảo tồn, tôn vinh tinh hoa, văn hóa các làng nghề truyền thống. Hiện nay, chi nhánh công ty ở Quảng Ninh không chỉ sản xuất mà còn trưng bày sản phẩm của Quang Vinh và một số làng nghề khác; là trung tâm xúc tiến thương mại, nơi các làng nghề có thể giao lưu, tìm kiếm khách hàng. Chi nhánh còn dành hơn 10.000m2 để nghiên cứu, sản xuất phục chế gạch cổ Bát Tràng - một loại gạch đặc biệt, có độ ẩm bằng 0 nên không bám rêu, độ rắn chắc cao. Bà Vinh hy vọng, sản phẩm gạch cổ Bát Tràng sẽ được lát trên các con đường cổ của làng, hay trong nhiều di tích lịch sử khác trên cả nước.  
 
Ngoài ra, bà còn đang khẩn trương xây dựng Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt tại Bát Tràng, dự kiến sẽ đưa vào khai thác sau 1 năm nữa. Đây sẽ là một bảo tàng lớn về gốm sứ, trại sáng tác cho các nghệ nhân, sinh viên, người yêu gốm đến tìm hiểu về nghề. Còn ở Quảng Ninh, bà đang kêu gọi vốn đầu tư vào dự án xây dựng Khu sinh thái làng nghề. 
 
Là nữ tỷ phú, nhưng bà Vinh vẫn luôn giữ nét giản dị, khiêm tốn, cầu thị. Phương tiện đi lại thường xuyên của bà vẫn là xe buýt. Bà có tài nấu ăn ngon, những món cổ truyền của dân tộc qua bàn tay chế biến của bà luôn tròn vị, không lai tạp. Dù bận rộn, bà vẫn thường vào bếp nấu ăn cho gia đình, nhất là khi có khách tới chơi nhà. Nhìn bà lúc ấy, thấy toát lên nét đẹp của người phụ nữ Hà Nội vừa đảm việc nước, giỏi việc nhà, khéo giữ hạnh phúc.
 
 
Trung Thu 

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.