Ghi dấu Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới

Chia sẻ

PNTĐ-Năm 2018, Việt Nam một lần nữa ghi dấu ấn trên bản đồ y khoa thế giới khi trở thành nước đầu tiên áp dụng thành công phương pháp mổ nội soi tuyến giáp một lỗ.

 
Năm 2018, Việt Nam một lần nữa ghi dấu ấn trên bản đồ y khoa thế giới khi trở thành nước đầu tiên áp dụng thành công phương pháp mổ nội soi tuyến giáp một lỗ. Vừa qua, kỹ thuật này cũng đã được Hội đồng bình chọn sự kiện khoa học và công nghệ (KH&CN) tiêu biểu năm 2018 bình chọn là sự kiện khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực Y tế tiêu biểu xuất sắc nhất; đồng thời là 1 trong 10 thành tựu khoa học công nghệ xuất sắc nhất Việt Nam.
 
Kỹ thuật mổ “made in Việt Nam”
 
Phẫu thuật mổ mở tuyến giáp đã là một kỹ thuật khó, bởi tuyến giáp nằm ở vùng cổ trước, cạnh các cấu trúc quan trọng như: bó mạch cánh, khí quản, dây thần kinh quặt ngược, tuyến cận giáp trạng (điều hòa chuyển hóa canxi trong cơ thể). Hơn nữa, tuyến cận giáp, vô cùng nhỏ - chỉ bằng hạt gạo, nếu tổn thương tuyến này cũng khiến bệnh nhân bị tê tay, chân… Đã có những phẫu thuật viên từng bỏ nghề, vì phẫu thuật tuyến giáp gặp nhiều rủi ro. 
 
Năm 2003, PGS.TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc bệnh viện (BV) Nội tiết TƯ đã thành công với ca mổ nội soi tuyến giáp đầu tiên. Trong khi các nước khác phải sử dụng công cụ phức tạp, chế tạo khung treo rắc rối tốn nhiều tiền để mổ nội soi tuyến giáp, thì giải pháp của PGS.TS Lương đơn giản hơn, dễ thực hiện, nhanh, hiệu quả, an toàn, chi phí rẻ; thông qua việc tạo một đường rạch ở vùng nách - ngực và phương pháp dùng khí CO2 để tạo khoang quanh tuyến giáp...
 
Ghi dấu Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới - ảnh 1
PGS. TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc bệnh viện Nội tiết TƯ chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp cho nhiều bác sĩ trên thế giới.

 
Sau đó, kỹ thuật này được chuyển giao cho nhiều bác sĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Bồ Đào Nha, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan… và bệnh viện tuyến dưới ở trong nước. Kỹ thuật từng chinh phục cả thế giới này nay lại được những bác sĩ thế hệ tiếp theo kế thừa, nâng lên tầm cao mới với phương pháp mổ nội soi tuyến giáp một lỗ, lần đầu tiên được ghi nhận trên thế giới.
 
ThS. BS Phan Hoàng Hiệp - Trưởng khoa Điều trị kỹ thuật cao (BV Nội tiết TƯ), người trực tiếp “thai nghén” và phát triển, sáng tạo kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp một lỗ cho biết: “Phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ (qua đường nách) là cả một công trình dày công nghiên cứu; xuất phát từ thực tế BV Nội tiết TƯ là nơi tiếp nhận lượng bệnh nhân thực hiện phẫu thuật về tuyến giáp lớn nhất cả nước. Trong khi, hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới phẫu thuật nội soi một lỗ đang rất phát triển và được ứng dụng nhiều cho vùng bụng và vùng ngực. Bởi vậy, việc cải tiến kỹ thuật và phương pháp điều trị, đặc biệt đối với tuyến giáp hết sức cần thiết”.
 
Sau thời gian “thai nghén” dần dần kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ (qua đường nách) được ra đời. Bệnh viện Nội tiết TƯ là đơn vị đầu tiên ứng dụng thành công phương pháp này. Từ ca mổ đầu tiên ngày 1/8/2018, tới nay, BV đã điều trị cho hơn 30 ca với hiệu quả rất tốt, an toàn, loại bỏ được tổ chức cần cắt bỏ mà vẫn đảm bảo được cấu trúc tuyến giáp và dây thần kinh thanh quản. Đồng thời, giữ được tính thẩm mỹ cao, đem đến sự hài lòng cho bệnh nhân. 
 
Phẫu thuật nội soi tuyến giáp từ hõm nách
 
ThS.BS Phan Hoàng Hiệp chia sẻ, kỹ thuật này có nhiều ưu điểm vượt trội, cả bệnh nhân và bác sĩ đều được hưởng lợi. Đối với bệnh nhân, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ chỉ cần rạch một đường dưới da dài 2 - 3cm tại hõm nách, sau đó sử dụng dụng cụ nội soi một lỗ giống như nội soi ổ bụng thông thường. Kỹ thuật tiên tiến này giúp vết mổ có tính thẩm mỹ cao, được giấu đi, chỉ có một sẹo duy nhất nằm trọn trong hõm nách. Đặc biệt, khi thực hiện kỹ thuật này, dụng cụ phẫu thuật sẽ đi thẳng vào tuyến giáp thay vì phải bóc tách rộng ra, đảm bảo tốt cho việc đốt cắt trong quá trình cầm máu. Vì thế, hạn chế tối đa việc gây tổn thương lên các vị trí khác…
 
Ghi dấu Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới - ảnh 2
Các bác sĩ BV Nội tiết TƯ thực hiện ca phẫu thuật nội soi tuyến giáp 1 lỗ cho bệnh nhân

 
Bệnh nhân phẫu thuật tuyến giáp theo phương pháp mổ mở thường phải nằm viện từ 4 - 6 ngày. Với phương pháp phẫu thuật nội soi 1 lỗ, bệnh nhân đỡ đau hơn và chỉ phải nằm viện 3 - 4 ngày, tùy thể trạng người bệnh. Chi phí của phương pháp này cũng chỉ tương đương mức giá của các phương pháp mổ tuyến giáp bình thường (khoảng 15 triệu đồng/ca). Với những ưu điểm trên, đối tượng chính được bác sĩ chỉ định kỹ thuật này đó là: bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh lý tuyến giáp, người chưa có gia đình, người mong muốn giữ được thẩm mỹ chuẩn bị tiến tới hôn nhân…
 
Tuy nhiên, áp dụng phương pháp nội soi tuyến giáp một lỗ, bác sĩ không thể dùng dụng cụ nội soi (trocar) thông thường vì chúng có đường ống dẫn to, gấp khúc, chỉ phù hợp nội soi ổ bụng và lồng ngực; trong khi thực tế yêu cầu thiết bị nội soi vùng cổ để cắt bỏ u tuyến giáp phải nhỏ và thẳng. Để phương pháp này được thực hiện hiệu quả, từ dụng cụ có sẵn được sử dụng trong y tế, Ths.BS Phan Hoàng Hiệp đã sáng tạo, kiến trúc, chế tác cho phù hợp với mục đích, cách sử dụng của mình.
 
“Lúc đầu là ý tưởng, sau mỗi lần mổ cho bệnh nhân lại điều chỉnh. Đến nay dụng cụ này đã hoàn thiện. Ngoài ra, sau mỗi ca phẫu thuật, các bác sĩ cũng có những cải tiến giúp thời gian phẫu thuật được rút ngắn, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng. Cụ thể, với bệnh nhân đầu tiên, thời gian mổ kéo dài từ 65 - 70 phút, nhưng nay chỉ còn 30 - 35 phút là chúng tôi đã hoàn thành tốt ca mổ” - BS Hiệp vui mừng kể.
 
 Không dừng ở những khối u tuyến giáp lành tính, thời gian tới, ThS.BS Phan Hoàng Hiệp sẽ mở rộng nghiên cứu, ứng dụng phương pháp mổ nội soi tuyến giáp một lỗ trên cả những bệnh nhân u tuyến giáp ác tính. Những sáng tạo không ngừng của các bác sĩ đã góp phần nâng tầm Việt Nam trên bản đồ y tế thế giới.
 
Yên Hưng

Tin cùng chuyên mục

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

(PNTĐ) - Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.
7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.
Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

(PNTĐ) - Trong bối cảnh ngành y tế Thủ đô đang mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số, hướng tới mô hình y tế thông minh, Bệnh viện Nam Thăng Long đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi chính thức triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 17 của Hà Nội thực hiện chuyển đổi này, khẳng định nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc hiện đại hóa dịch vụ khám chữa bệnh.