Yêu thương sẽ đẩy lùi bạo lực

Chia sẻ

PNTĐ-Thay vì những bài học giáo điều, hãy dạy cho các em biết yêu bản thân và những người xung quanh. Khi biết yêu bản thân, các em sẽ biết tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người khác.

 
Những ngày qua, sự việc 5 nữ sinh ở trường THCS Phù Ủng, huyện ân Thi, tỉnh Hưng Yên đánh hội đồng, lột quần áo một nữ sinh cùng lớp được cho là chậm chạp, mặc cho cô bé đã xin tha khiến cả cộng đồng bàng hoàng đau xót. 
 
Bạo lực học đường vốn dĩ đã không thể chấp nhận. Hành vi bắt nạt người yếu thế không có khả năng kháng cự lại càng đáng lên án hơn.
 
Thủ phạm gây ra chuyện đau lòng trên, là các nữ sinh cấp 2 - đối tượng lâu nay vốn gắn liền với sự hồn nhiên, dễ động lòng trắc ẩn, còn non nớt chưa đủ khôn lớn cần được bảo vệ. Không hiểu, khi đang tâm bạo hành, gây tổn thương cho bạn học của mình tới mức phải nhập viện vì hoảng loạn, 5 em nữ sinh đã nghĩ gì? Lòng nhân ái, trái tim yêu thương vốn có, thường có ở độ tuổi của các em để đâu?
 
Chúng ta lên án thủ phạm trực tiếp gây ra bạo lực là đúng. Nhưng, vẫn là chưa đủ. Trong sự việc trên, còn những “thủ phạm” vô hình khác đã tiếp tay cho hành vi bạo lực tồn tại, sinh sôi. Xót xa thay, đây không phải là lần đầu tiên mà trong một thời gian dài, nạn nhân của vụ bạo lực bị hành hạ, không có ai, từ học sinh tới giáo viên của trường dũng cảm đứng ra đấu tranh, tố cáo sự việc để bảo vệ nạn nhân. Phải chăng, thói vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của người khác đã khiến họ “đứng ngoài cuộc”? Còn nhà trường, lẽ nào vì sợ sự việc bị phát giác sẽ mất thành tích, uy tín nên “nhắm mắt làm ngơ”? 
 
Trong cuộc sống hiện đại, thi thoảng, chúng ta lại được nghe kể về những chuyện đau lòng: Một người bị nạn nhưng có hàng chục người vây quanh bàn tán, quay clip đăng mạng thay vì ra tay giúp đỡ; nạn hôi của, hôi tiền của người đánh rơi; gây tai nạn giao thông, để mặc nạn nhân nằm trên đường rồi lái xe bỏ trốn; vờ như không biết khi ai đó bị móc túi, bạo hành…
 
Có rất nhiều lý do để ngụy biện cho thói vô cảm nhưng chắc chắn rằng, nếu từ nhỏ, các em học sinh đã quen chứng kiến cái xấu, đồng tình để mặc cái xấu chà đạp lên những giá trị nhân văn… thì khi lớn lên, các em cũng sẽ bị triệt tiêu động lực phải xóa bỏ cái xấu. Trong trường học, bạo lực học đường nếu được chấp nhận cho tồn tại, thì ở ngoài xã hội, các em cũng sẽ thấy các hành vi sai trái khác tồn tại như lẽ đương nhiên.
 
Vậy thì ngay từ bây giờ, để không còn nạn nhân của thói vô cảm, chúng ta phải thay đổi. Thay vì những bài học giáo điều, hãy dạy cho các em biết yêu bản thân và những người xung quanh.
 
Khi biết yêu bản thân, các em sẽ biết tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người khác. Khi yêu những người xung quanh, các em sẽ không làm tổn thương họ. Yêu thương là động lực thôi thúc con người đấu tranh xóa bỏ cái xấu, cái ác. Và ai là người nêu gương tốt, khơi lên, nuôi dưỡng niềm yêu thương và lòng trung thực, tính đấu tranh trong các em nếu như không phải là các thầy cô giáo? Đừng để thầy cô vì sự tồn tại của mình mà ngần ngại hay lảng tránh, ngoảnh mặt trước những ngang trái xảy ra với học sinh thân yêu của mình.
 
Nếu nơi nào cũng làm được như vậy, chắc chắn, nạn bạo lực, hành vi xấu sẽ không còn đất để tồn tại. 
 
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…