Mỹ: Quyết chặn nạn gian lận "chạy" trường

Chia sẻ

PNTĐ-Vụ bê bối “chạy” trường đại học tại Mỹ bước vào giai đoạn mới khi nhiều phụ huynh gian lận để con được vào học trường danh tiếng đã nhận tội.

 
Mỹ: Quyết chặn nạn gian lận
Bà Huffman đối mặt từ 4 tới 10 tháng tù giam vì chạy điểm thi cho con

 
Các công tố viên mới đây đã thông báo nữ diễn viên Mỹ Felicity Huffman và hơn chục phụ huynh giàu có khác bị cáo buộc tội tham gia đường dây chạy trường đại học đã đồng ý nhận tội.
 
Công tố viên muốn đề nghị bà Felicity Huffman phải chịu án tù từ 4 tới 10 tháng vì dùng tiền để gian lận trong các bài thi và hối lộ lãnh đạo các trường đại học và huấn luyện viên thể thao. Bà Huffman dự kiến sẽ ra tòa lần nữa vào ngày 21/5 tới để nghe phán quyết.
 
Nữ diễn viên Huffman thừa nhận đã chi 15.000 USD cho một quỹ từ thiện giả gắn với kẻ cầm đầu đường dây chạy trường Rick Singer để nhờ giúp con gái gian lận kỳ thi SAT. Singer đã sắp xếp để con gái bà này được thi SAT tại một địa điểm thi do một người đã được Singer hối lộ trông thi. Con gái bà Huffman đạt 1420/1600 điểm kỳ thi SAT, cao hơn 400 điểm so với kết quả kỳ thi SAT sơ bộ cách đó một năm.
 
Nói về vụ việc trong một tuyên bố trước công chúng, bà Huffman nói: “Sai lầm này là điều tôi mang theo suốt cuộc đời còn lại. Mong muốn giúp con gái không phải là cái cớ để vi phạm luật hay không trung thực”.
 
Một trường hợp khác là Jane Buckingham, một nhà tư vấn tiếp thị nổi tiếng ở Beverly Hills, thừa nhận trả cho Singer 50.000 USD để gian lận điểm cho con trai. Bà sẽ đối mặt với 8 đến 14 tháng tù giam.
 
Giai đoạn nhận tội của các phụ huynh liên quan diễn ra chưa đầy một tháng sau khi chính phủ điều tra đường dây gian lận, hối lộ quy mô nhằm giúp phụ huynh chạy trường cho con. Tới nay, 1/3 trong số 50 người bị cáo buộc trong vụ việc đã nhận tội hoặc đồng ý nhận tội.
 
Trong khi đó, người cầm đầu đường dây chạy trường là Singer cũng hợp tác với giới chức điều tra và nhận tội tại Boston. Ông này có một công ty chạy trường ở Newport Beach. Ông ta đã hướng dẫn các cha mẹ nộp tiền vào quỹ từ thiện giả mạo dưới dạng quyên góp từ thiện để hợp thức hóa khoản tiền chi để chạy trường. 
 
Gần như tất cả những phụ huynh nào chưa đạt được thỏa thuận với công tố viên sẽ gặp rủi ro tương đối cao so với những phụ huynh đã thừa nhận tội vi phạm luật pháp. Những người trì hoãn nhận tội bị cáo buộc chi số tiền lên tới cả triệu USD cho Singer để chạy trường. Với số tiền lớn và hành vi liều lĩnh như vậy, họ có thể nhận án tù nặng.
 
Với những phụ huynh thừa nhận trả tiền cho Singer để vào đại học theo “cửa phụ”, kịch bản án tù với họ cũng nặng nề không kém. “Cửa phụ” tức là vào trường đại học theo suất dành cho vận động viên. Singer nhận tiền, thường bắt đầu ở mức 250.000 USD, để làm giả hồ sơ thể thao, hối lộ huấn luyện viên để một người được công nhận là vận động viên và vào đại học theo con đường đó. 
 
Đối với các huấn luyện viên nhận hối lộ, họ cũng sẽ chịu hình phạt thích đáng. Theo thông báo của công tố viên, ông Michael Center, cựu huấn luyện viên quần vợt nam tại Đại học Texas ở Austin, bị cáo buộc nhận 60.000 USD tiền mặt và 40.000 USD tiền quyên góp cho chương trình quần vợt để đảm bảo một sinh viên được nhập học theo suất vận động viên.
 
Được biết, sau vụ chạy trường rúng động dư luận Mỹ, các Nghị sĩ Dân chủ bang California đã đề xuất một gói dự luật để ngăn chặn các phụ huynh và học sinh dùng tiền vào đại học theo “cửa phụ” tại các trường đại học tại bang này. Một dự luật đề xuất cấm các trường hợp nhập học theo dạng “thừa kế” hay “ưu đãi”. Trước đây, học sinh liên quan tới các nhà tài trợ hay cựu học sinh trường đại học thường được nhập học theo kiểu “thừa kế”. Một dự luật khác yêu cầu các trường hợp nhập học đặc biệt hoặc nhập học ngoại lệ phải được sự đồng ý từ 3 thành viên quản lý trường. Một dự luật lại yêu cầu nghiên cứu về sự cần thiết của điểm SAT và ACT trong quá trình tuyển sinh đại học.
 
Mục tiêu chung của gói dự luật là đảm bảo không học sinh nào có lợi thế hơn học sinh nào chỉ vì gia đình giàu có hay có quan hệ xã hội. Một thành viên của đảng Dân chủ là Nghị sĩ Kevin McCarty đăng lên Facebook trước khi công bố gói dự luật: “Đã tới lúc đóng cửa phụ của người giàu vào đại học. Cứ mỗi học sinh được nhận vào trường thông qua hối lộ, sẽ có một học sinh trung thực, tài năng bị từ chối nhập học”.
 
 
Dương Thùy (theo MSN)

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.