Bước qua mây mù

Chia sẻ

PNTĐ-Chồng Ngân vừa phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối. Cả nhà khuỵu ngã chứ chẳng phải mình anh. Bố mẹ chồng thì người lặng đi, người ngất lên ngất xuống...

 
Chồng Ngân vừa phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối. Cả nhà khuỵu ngã chứ chẳng phải mình anh. Bố mẹ chồng thì người lặng đi, người ngất lên ngất xuống. Ngân cũng chẳng còn nước mắt, vô hồn nhìn 3 đứa con thơ và chẳng dám nghĩ tới ngày mai sẽ ra sao.
 
Chuyện tới nước này, nhìn lại, Ngân thấy cũng chẳng khác gì cuộc đời vốn đã nặng gánh của cô gồng thêm một nỗi đau nữa mà thôi. Kể từ ngày bước về nhà chồng làm vợ, làm dâu rồi làm mẹ, đến nay, chưa ngày nào Ngân thấy bầu trời của mình tươi sáng cả.
 
Học hành tử tế, có công việc ổn định, Ngân gặp chồng mình ở tuổi 27. Hai người nên duyên vợ chồng được 1 tuần thì anh thú nhận với cô rằng đang có một khoản nợ rất lớn. Ngân sốc nhưng chẳng biết làm gì ngoài khóc. Chồng cô vỗ về, nói đó là do sai lầm tuổi trẻ và sẽ yêu thương Ngân thật nhiều để bù đắp, “chỉ duy nhất lần này thôi, anh hứa sẽ không để em phải khổ”. Ít nhiều trong Ngân nhen lên niềm hy vọng. Thôi thì đã đâm lao đành phải chấp nhận theo lao, Ngân dùng hết số tiền mừng cưới để trả nợ cho chồng. Dĩ nhiên, bố mẹ chồng cô không biết gì.
 
Nhưng gần Tết năm đó, cái Tết đầu tiên của đôi lứa thành vợ thành chồng, cái Tết của hy vọng về một tổ ấm sung túc thì chồng Ngân lại mang xe máy của cô đi cầm cố. Ngân lại khóc và lần này, cô đòi ly hôn bằng được. Lúc đó gia đình chồng mới biết, mọi người nhốn nháo hết cả lên, xúm vào hỏi hai vợ chồng cô “còn nợ bao nhiêu, tiêu gì mà lại nhiều thế được?”. Anh ta cứ lúng búng, không giải trình được rõ ràng và còn lộ ra nợ thêm.
 
Khi biết Ngân muốn ly hôn, cả nhà chồng cô cuống lên, nhanh chóng dồn tiền chuộc xe máy về trả cô. Bố mẹ anh ta ngọt nhạt muốn Ngân tha thứ cho chồng nốt lần này và tuyên bố: "Sau này bố mẹ không để con phải khổ?". Vì câu nói ấy, hy vọng trong Ngân lại một lần nữa trở lại, Ngân lại tha thứ cho chồng. Và, cô sống tiếp ở đó với nguồn sống duy nhất chính là sự kỳ vọng vào chồng sẽ thay tính đổi nết tu chí làm ăn.
 
Bước qua mây mù - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Nhưng càng sống với nhau, Ngân càng hiểu ra chồng mình không có lý trí, chẳng biết tính toán, không có chí tiến thủ. Mọi lời nói chỉ là hứa hão. Anh không biết cách tiết kiệm, chi tiêu hoang phí vì cái tính ưa sĩ diện của mình. Ngân hiểu các khoản nợ kia chẳng phải do cờ bạc đỏ đen mà vì anh không biết tính toán làm ăn nên thu về thì ít mà vung ra thì quá nhiều.
 
Phải mất tới gần 3 năm chắt bóp, hai vợ chồng mới xóa được hết nợ. Có vẻ chồng Ngân đã ngoan hơn, không chơi bời, chăm vợ chăm con nhưng kinh tế gia đình thì vẫn không khá giả.
 
Khoảng thời gian ấy, cùng với việc sinh 2 đứa con, Ngân chẳng còn thời gian nhìn lại mình. Ngân sau những ngày dài đầu tắt mặt tối kiếm tiền, nuôi con, nuôi chồng và trả nợ, chỉ còn xơ xác. Chẳng ai động viên cô cả, cứ như nghĩa vụ của Ngân là phải gồng mình lên như thế. Vậy là, cô chỉ biết luôn dặn lòng sẽ không nhắc lại chuyện cũ, chỉ nhìn về phía trước để sống. Đôi lúc Ngân buồn, nhưng tiếng thở dài của cô chẳng ai nghe thấy. Người chồng vẫn cứ nhu nhược và lười nhác. Bố mẹ đẻ, anh chị em ruột thì ở xa, có nghe chuyện thì cũng chẳng hiểu hết được nỗi lòng. Vậy mà, cuộc đời vẫn cứ muốn thử thách Ngân. 
 
Mẹ chồng Ngân khó tính, hay xét nét cô từng tý, nhất là khi khoản nợ đã xong, bà ngày càng thể hiện sự cáu kỉnh với Ngân rõ rệt. Ngân nhận ra lâu nay bà ngọt nhạt với mình chỉ để cô không bỏ con trai bà và trả nợ giúp anh ta mà thôi. Bà không nấu ăn giỏi nên mọi việc giỗ chạp, cỗ Tết đều do một tay Ngân đảm nhận. Có khi chỉ vì chuyện nhỏ mà bà giận cô cả tuần, Ngân hỏi không thèm trả lời nhưng lại đi nói xấu con dâu với hàng xóm, làm không khí gia đình thêm căng thẳng. Mâu thuẫn giữa mẹ chồng với Ngân càng lớn hơn khi con trai bà hàng xóm cưới được cô con dâu kiếm tiền giỏi giang.
 
Từ ngày cô ấy về, do kinh doanh tạp hóa có duyên nên nhà bà hàng xóm xây nhà to, mua xe, mua đất. Mẹ chồng Ngân thấy vậy suốt ngày xuýt xoa bà hàng xóm có phúc. Đã chẳng được động viên lại còn bị mẹ chồng mang ra so sánh, không ít lần Ngân tủi thân rơi nước mắt. Trước mặt Ngân bà luôn bóng gió, ước có được cô con dâu giỏi giang như vậy, rồi chẳng ý tứ gì mà bảo: “Nó chả cần học hành cao xa gì nhưng quanh phố này những đứa học cao học nhiều, có đứa nào bằng nó đâu”. Ngân mải chăm con, hoặc không đè nén nổi ấm ức trong lòng nữa, có ý đáp lại là kinh tế chủ yếu do đàn ông kiếm chứ không phải gánh nặng đó đặt lên vai đàn bà. Cô cũng đóng góp của nả cho cái nhà này cũng đâu ít. Thế là bà giận cô một thời gian.
 
Bước qua mây mù - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
Cũng vì xung khắc với nhau như thế nên mẹ chồng Ngân cũng không yêu chiều các con Ngân như những đứa cháu nội, ngoại khác của bà. Dù đã yêu cầu chồng can thiệp nhưng vì anh ta sợ mẹ giận nên tình cảm bà cháu, mẹ chồng con dâu cũng chẳng tốt lên là mấy. Bà bóng gió về Ngân với các con của cô, gieo vào lòng cháu nội những điều không hay về mẹ nó. Cuộc sống của Ngân ở nhà chồng chính vì thế ngày càng ngột ngạt, khó thở. Câu nói năm nào: “Bố mẹ sau này không để con phải khổ”, có lẽ chỉ mình Ngân còn nhớ, bà thì đã quên từ lâu, như chưa hề nói ra.
 
Từ ngày trả hết nợ cho chồng, Ngân lại gánh thêm đủ khoản khác. Các chị của chồng Ngân thi thoảng lại “nhờ vả không công” cô, nhẹ nhàng thì “đóng tiền học cho cháu hộ vì chị chưa có tiền”, nặng hơn tí thì “trời nắng nóng, mợ lo lắp điều hòa cho ông bà có chỗ ngủ mát mẻ với chứ”… Ngân “vâng” mà lòng ấm ức. Cứ có việc thì người bị gọi đầu tiên là Ngân, nhưng lúc vui chơi thì chẳng thấy ai mời cô được một tiếng. Mà không, tới lời cảm ơn, Ngân còn chưa từng được nhận. Như thể kiếp trước, cô mắc nợ gia đình này nhiều lắm vậy!
 
Ngân biết tin chồng bệnh nặng cũng là khi cô nhận ra mình mang thai lần nữa. Cái khổ lại đè thêm lên đôi vai gầy. Chưa một ngày Ngân được hạnh phúc. Bởi lúc nào cô cũng đi lo cho hạnh phúc của người khác. Ngân - người phụ nữ đã một mình vững vàng qua nhiều sóng gió giờ chỉ biết yếu ớt gọi điện cho mẹ mình, cầu cứu. Mẹ Ngân ở xa, nghe chuyện mà khóc cho con gái mình. Chẳng người mẹ nào muốn con gái mình cả đời vùi mình trong sự bạc bẽo ấy cả, nhưng nghĩa tử là nghĩa tận. Bà khuyên con gái đã trót khổ rồi thì hãy cố gắng bên chồng những ngày cuối thật vẹn tình trọn đạo. “Rồi 4 mẹ con về đây, về với ông bà ngoại. Bố mẹ sẽ giúp con nuôi dạy các cháu, sẽ để con được tự do tìm hạnh phúc đời mình. Con gái mẹ à, mạnh mẽ lên! Đừng đứng mãi dưới mây mù, cũng đừng quay đầu nhìn lại, hãy bước tiếp để vượt qua nó, con nhé!”.
 
 
Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.