Thế chân người cũ

Chia sẻ

PNTĐ-Lúc kết hôn, Mai hy vọng mình và chồng sẽ cùng nhau xây dựng hạnh phúc mới. Nào ngờ, trong suy nghĩ của chồng và gia đình anh, cô mãi chỉ là vật thế chân cho người phụ nữ khác…

 
Chị ấy là Thảo, vợ cũ của anh. Hai người họ kết hôn, chung sống với nhau được hơn 10 năm, có 1 con gái chung. Sau đó, Thảo qua đời vì bị bệnh hiểm nghèo. Mai biết, bố con anh đã bị sốc tâm lý khá nặng. Khi còn sống, Thảo luôn là chỗ dựa của cả nhà. Chị tần tảo chăm lo cho chồng con, hiếu đễ với  bố mẹ chồng. Đó là lý do gần 3 năm sau đó, anh đã sống trầm lặng, khép mình. Căn nhà của bố con anh cũng lạnh lẽo vì thiếu đi bàn tay phụ nữ sắp xếp. 
 
Mai là nhân viên cấp dưới của chồng, kém anh hơn 10 tuổi. Lúc đầu, Mai chỉ coi anh như đồng nghiệp lớn tuổi đáng kính trọng, nhưng rồi, trong quá trình làm việc, cô dần có cảm tình với anh từ khi nào không hay. Thi thoảng, về nhà anh chơi, cô không nỡ nhìn thấy bố con anh sống kiểu tạm bợ. Đến với anh, Mai không hề chần chừ, toan tính.
 
Thậm chí, cô còn là người chủ động bày tỏ tình cảm, trong khi lẽ ra, anh phải là người làm điều ấy. Mai cũng đã phải trải qua khó khăn để thuyết phục gia đình mình. Bố mẹ Mai không muốn cô phải đi làm vợ lẽ, mẹ kế. Mai trẻ trung, xinh xắn, được nhiều chàng trai theo đuổi, lẽ nào không thể chọn được một  người bạn đời xứng đáng hơn? Mẹ Mai khóc hết nước mắt xin cô nghĩ lại. Bà phân tích cho cô sự phức tạp khi làm người đến sau. Liệu Mai có đủ vị tha để chấp nhận đứa trẻ không phải do mình sinh ra và ngược lại. Chưa hết, Mai còn cần vượt qua sự ích kỷ để không ghen tuông với quá khứ của chồng.
 
Mai đã quả quyết với bố mẹ đã sẵn sàng đón nhận khó khăn ấy. Bởi đây là chọn lựa của cô. Sau này, sướng khổ ra sao, Mai xin tự chịu. Biết không thể ngăn cản được con gái, bố mẹ Mai đành đồng ý tác thành cho cô.
 
Thế chân người cũ - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Mai đã rất vui và nghĩ tới những tháng ngày hạnh phúc sắp tới. Chính chồng cô cũng đã hứa, sẽ không để cô buồn. Mai đâu có ngờ, cuộc sống chung hóa ra thật phức tạp, như những gì bố mẹ cô đã lường trước. Nhưng, buồn hơn nữa, sự phức tạp ấy lại không đến từ phía cô.
 
Càng sống với nhau, Mai càng hiểu ra, chồng cô chưa thể quên được người cũ. Anh và con luôn muốn được sống theo nếp mà ngày trước, chị ấy đã tạo ra. Là người vợ người mẹ trong nhà, Mai đã rất hào hứng tiếp quản vai trò nội tướng. Cô nghĩ ra rất nhiều món ngon, rồi dồn hết tâm huyết nấu cho hai bố con anh. Nhưng cuối cùng, cả hai đều không hưởng ứng mà chỉ có nhu cầu được ăn một vài món cố định. Hóa ra, đó là những món ăn do vợ cũ của anh thường nấu khi còn sống.
 
Chưa hết, thi thoảng, thấy Mai làm gì không đúng ý, chồng cô lại nhắc nhở: “Ngày trước, Thảo không làm như vậy”, “Thảo không như em đâu”… trong khi Mai không bao giờ có thể giống với chị ấy. Còn con riêng của anh, luôn khép lòng với Mai, dù cô rất cố gắng xích lại gần nó. 
 
 Mai biết, chồng là người nặng tình nên chưa bao giờ Mai đòi hỏi chồng phải quên đi người cũ. Mai tôn trọng sự riêng tư, quá khứ của anh và con. Nhưng, không quên đâu có nghĩa cứ để người đó hiển hiện như thể người thứ ba chen chân trong cuộc sống hôn nhân sau này của mình.
 
Chồng Mai không chỉ nhớ về người đó, mà còn muốn cô cũng phải giống như vợ cũ, làm theo cách mà chị ấy từng làm. Căn nhà mà Mai đang sống cùng bố con anh đã xuống cấp. Nhiều lần, cô ngỏ ý muốn cải tạo, rồi bày biện lại nội thất để đem về không gian sống mới. Nhưng, một lần nữa, chồng cô lại phản đối vì chưa sẵn sàng thay đổi chỉ vì tất cả đồ đạc trong nhà, sự bài trí ấy… đều có hình bóng của vợ cũ. Vì thế, Mai lại đành nhượng bộ. 
 
Ở phòng khách, có một chiếc tủ đựng các kỷ vật của Thảo. Một lần, Mai chỉ vô tình để các kỷ vật ra ngoài để lau dọn, nào ngờ, chồng cô nhìn thấy nổi giận. Anh còn nói sẵng cô từ lần sau, không được đụng đến những đồ vật quý giá ấy dù cho Mai đã thanh minh vì sao mình làm như vậy. Cứ như thế, lúc nào Mai cũng bị so sánh với người xưa. Vợ chồng cô hay xảy ra xung đột, cũng chỉ bởi hình bóng người cũ xen vào quan hệ giữa họ. Dần dần, Mai có cảm giác, mình chỉ là người thừa ở nơi mà cô đang gọi là nhà. Mai chưa từng được sống là chính mình. Cô phải đóng vai một người mà cô không quen biết, nếu muốn gia đình được yên ổn. 
 
Thế chân người cũ - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
Chồng đã vậy, đến cả mẹ chồng, các anh em của anh, Mai có cảm giác cũng chưa quên được người cũ. Nhất là khi Thảo phải ra đi trong đau đớn vì bệnh tật, lại càng khiến sự tiếc thương trong lòng người thân của anh tăng lên. Nhiều lần, cùng anh đưa con về nhà chồng chơi, trước mặt Mai, mẹ chồng cô lại ôm đứa cháu nội nhỏ dại vào lòng, rơm rớm nước mắt: “Khổ thân cháu, mới chút tuổi đầu đã mất mẹ. Rồi đây, bà mất đi rồi, ai sẽ thay bà chăm sóc cháu. Thảo ơi, nơi suối vàng, con phù hộ cho bố con nó mạnh khỏe, bình an nhé”. Mai sững người khi nghe những lời đó. Đúng là Mai không thể ngăn cấm mẹ chồng tiếc thương con dâu, hay một đứa trẻ còn trứng nước đã mồ côi mẹ thì thật tội nghiệp. Nhưng, Mai đâu có gây ra cái chết của Thảo.
 
Hiện nay, cô đang là mẹ kế của đứa trẻ. Lẽ nào, cô không đủ tin cậy để được mẹ chồng tôn trọng, gửi gắm cháu cho cô chăm sóc nuôi dưỡng? Trong mắt bà, cô liệu có vai trò, giá trị gì không? Các anh em chồng của cô cũng vậy, người chị dâu xấu số vẫn thường hiển hiện trong câu chuyện của mọi người. Mai biết, khi còn sống, Thảo quá tốt và đảm đang, để được mọi người ghi nhận. Nhưng, như thế không có nghĩa họ không thể mở lòng để đón nhận người mới như Mai.
 
Cứ như thế, Mai có cảm giác ngột ngạt, bị bủa vây bởi quá khứ của chồng. Từ chỗ vô tư lự, bây giờ, Mai không còn hồn nhiên nữa. Mai luôn tự hỏi Thảo là ai? Ngày trước Thảo như thế nào?
 
Nấu một bữa cơm, Mai hình dung cách mà Thảo đứng bếp. Nhìn mọi đồ vật trong nhà, Mai lại tưởng tượng chị ấy đang ở quanh đây. Thậm chí, khi mặc một bộ trang phục trên người, Mai lại rùng mình không biết cách ăn mặc của người ấy có giống Mai bây giờ không? Hay là Mai chỉ là manocanh di động, giúp cho chồng và con nhìn vào, tưởng nhớ về người cũ. Bởi suy cho cùng, Thảo mới chính là chủ nhân của căn nhà, là người mẹ, người vợ, người con dâu đảm đang… trong lòng những người đang sống. 
 
Lẽ nào, Mai không thể nhận được sự công bằng về cho mình. Nếu không thể quên được quá khứ, sao chồng Mai lại đồng ý đến với cô?
 
 
Bảo Châu

Tin cùng chuyên mục

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

(PNTĐ) - Trong lá đơn ly hôn đơn phương gửi ra tòa, anh nêu lý do hôn nhân đổ vỡ là do “vợ dù tha thứ nhưng không buông bỏ lỗi lẫm của chồng, khiến cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa”.
Đứt gánh hôn nhân vì mẹ... hoàn hảo

Đứt gánh hôn nhân vì mẹ... hoàn hảo

(PNTĐ) - Cuộc hôn nhân của con gái chị đang đứng bên bờ vực thẳm dù chị đã cố gắng hết sức để níu kéo, hàn gắn cho con. Lời con rể nói khi đặt bút ký vào đơn ly hôn khiến chị day dứt mãi “giá như vợ con không sống dưới cái vỏ hoàn hảo của mẹ thì có lẽ hôn nhân của chúng con đã không nửa đường đứt gánh”…