Không phải cứ hi sinh là hạnh phúc

Chia sẻ

PNTĐ-Bây giờ thực sự tôi đã hiểu ra không phải người phụ nữ mà cả đời cứ sắm trọn vai người vợ hiền thục, biết hi sinh là chồng sẽ hiểu, sẽ trân trọng, yêu thương mãi mãi...

 
Tôi vốn là người phụ nữ được đánh giá thông minh. Khi còn nhỏ đi học, tôi luôn được đứng trong nhóm học tốt của trường, của lớp. Lớn lên đi làm thì cũng tàm tạm gọi là được việc, nhanh nhẹn. Nhưng, tôi sinh ra trong một gia đình khá gia giáo nên bố mẹ giáo dục con cái theo kiểu truyền thống, đặc biệt là phụ nữ thì luôn phải nhẫn nhịn, hi sinh để vun vén hạnh phúc gia đình. Có lẽ vì thế khi lấy chồng, sinh con, tôi gần như chấp nhận lui về làm hậu phương cho chồng tôi yên tâm và chu toàn với sự nghiệp ở bên ngoài. 
 
Trong bốn năm đầu của cuộc sống hôn nhân, tôi sinh liền hai đứa con. Đứa nọ cách đứa kia chỉ được hơn hai năm. Từ một người nhanh nhẹn hoạt bát, tôi trở thành một bà mẹ bỉm sữa thực sự. Tôi chỉ thuê người giúp việc khi con còn trứng nước, mẹ chồng thì thi thoảng mới tạt qua hỗ trợ khi các cháu ốm đau. Vậy nên, việc nhà và chăm lo cho con chủ yếu một tay tôi. Chồng có phụ giúp cũng chỉ là thi thoảng, bởi công việc của anh tương đối bận bịu, vất vả.
 
Khỏi nói, như nhiều bà mẹ bỉm sữa khác, tôi luôn trong trạng thái tất bật, mệt mỏi, thậm chí có nhiều lúc đầu bù tóc rối đến nỗi soi gương tôi cũng không nhận ra mình nữa. Tuy nhiên, tôi rất ít khi kêu ca phàn nàn với chồng về những điều tôi cho là rất nhỏ nhặt, rất đàn bà ấy. Tôi luôn cho rằng mình là đàn bà thì việc chăm lo cho chồng, cho con là đương nhiên. Chẳng phải là các cụ đã dạy: đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm đó thôi.
 
Tôi sẽ cứ sống bình lặng như thế, nếu như một ngày không bắt gặp tin nhắn vu vơ trong điện thoại của chồng. Tin nhắn kiểu như ỡm ờ, nửa vời... Tôi hoang mang. Tôi đã làm gì sai để chồng tôi ngả dần vào cơn say nắng chớm đến kia? Hay, tôi đã trở nên nhàm chán, cũ kĩ đến mức chồng tôi cũng cảm thấy nhạt? Phàm những gì mới lạ bao giờ cũng quyến rũ và có sức mê hoặc hơn những thứ đã quá thân thuộc. Của lạ mà... 
 
Tôi cũng không biết mở lời ra sao với chồng. Cũng chỉ là những tin nhắn vu vơ của một cô ả nào đó, tôi chưa đủ cơ sở để khẳng định chồng đã ngoại tình. Anh cũng đã hồi đáp gì đâu, chưa có gì chắc chắn nên tôi quyết định im lặng. Chỉ có điều từ hôm ấy, lòng tôi cứ trĩu nặng một nỗi buồn.
 
Không phải cứ hi sinh là hạnh phúc - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Linh bạn thân tôi, sau một hồi nghe những lời tâm sự gan ruột của tôi, nó thở dài: “Mình đã từng góp ý với cậu rồi mà, hi sinh ít thôi mà không nghe cơ”. Tôi đã hi sinh ư? Chăm chút cho gia đình bằng tất cả trách nhiệm và tình yêu thương của một người mẹ, người vợ có phải là hi sinh không? Chồng tôi không ép buộc, không đòi hỏi, nhưng tôi tự nguyện. Mẹ tôi luôn nói phụ nữ giữ gia đình chính bởi chữ nhẫn. Tôi đã nhẫn nhịn, nhẹ nhàng để có một cuộc sống yên bình bao lâu nay, thế là chưa đủ sao? Tại sao chồng tôi vẫn giấu những cung bậc tâm trạng bất thường sau lưng vợ?
 
Linh nói: “Cậu đã làm đủ trách nhiệm của người phụ nữ gia đình nhưng mà tháng năm trôi đi khiến cậu nhạt. Mà khi đã nhạt, đàn ông họ dễ bị cảm nắng bên ngoài. Cậu thử nghĩ đi, bộ quần áo mới đây nhất, bộ mỹ phẩm ày ưng ý nhất cậu mua là khi nào? Bây giờ cậu thích gì, muốn gì chính cậu còn biết nữa không?”.
 
Tôi ngẩn người. Ờ nhỉ, tôi thích gì chính tôi có biết không? Đã bao lâu tôi không tự thưởng cho mình một cái gì đó. Tôi cũng không bao giờ dừng lại đôi chút thời gian để tự hỏi bản thân muốn gì, để nuông chiều bản thân mình dù chỉ là chốc lát. Nhưng kì lạ là nếu hỏi chồng thích gì và các con muốn gì có lẽ tôi trả lời dễ dàng hơn là bản thân tôi cần điều gì đó. Quần áo chồng con tôi luôn mua những đồ đẹp nhất, đắt nhất, nhưng tôi lại luôn lưỡng lự trước một cái gì đó mua cho mình. 
 
Linh nói: “Cậu phải thực sự thay đổi đi. Thay đổi không phải là hư hỏng, mà thay đổi để chính cậu và người xung quanh thấy cậu đáng quý, đáng trân trọng hơn...”.
 
Tôi không đưa đón con đều đặn nữa, một tuần tôi tìm lí do hợp lí nào đó “đẩy” cho chồng vài lần. Và từ xa quan sát ba cha con, tôi mới nhận ra, không phải chồng mình bận đến nỗi không có thời gian để phụ giúp vợ. Hai bé con được đi cùng bố lại rất thích thú. Thêm những lần tôi báo với chồng có công việc đột xuất, để cho anh tự xoay xở với hai đứa nhỏ sau giờ làm.
 
Lúc ấy, anh sẽ xoay xở với cơm nước, với chuyện nhà cửa và tắm rửa cho hai đứa trẻ. Những việc đó anh khá lóng ngóng và vụng về, thường bao giờ khi tôi trở về cũng đều phải dọn dẹp lại bãi chiến trường ba bố con đã bày ra. Nhưng các con tôi lại rất thích thú khi được mẹ “nới lỏng” kỉ luật bằng việc giao toàn quyền cho cha.
 
Chồng tôi bắt đầu thắc mắc khi nhận ra những thay đổi của vợ. Rồi, anh tỏ ra ghen bóng gió một chút. Những gặng hỏi của anh khiến tôi luôn phì cười và tôi lại thấy vui vui. Bởi lâu rồi chồng tôi đâu có “giữ” tôi như thế. Có khi thấy vợ làm một kiểu tóc mới, một bộ váy mới, anh nhìn tôi rất lạ. Không cấm đoán, không dò hỏi truy vấn quá đà, nhưng thái độ của anh rõ ràng là khác.
 
Rồi bất ngờ, anh thuê người giúp việc theo giờ. Anh nói giờ anh đã hiểu những vất vả của vợ. Để cả nhà có thời gian cho nhau nhiều hơn, thì anh thấy đó là việc nên làm. Anh cũng xung phong những ngày cuối tuần đưa vợ con đi chơi. Thấy vợ gặp gỡ bạn bè anh cũng muốn ghé qua một chút...
 
Cứ thế, thời gian gia đình chúng tôi sinh hoạt gần gũi nhau cũng nhiều hơn, nhiều thứ được có thể được chia sẻ cùng nhau không kể vui buồn. Vì thế khoảng cách giữa tôi và anh cũng ngày một gần lại. Những gì tôi muốn, tôi nghĩ không phải anh đều hiểu cả nhưng chí ít anh cũng cảm thấy cần phải quan tâm đến tâm tư của tôi, đến nhu cầu của tôi cũng như các con.
 
Bây giờ mỗi lần tôi mặc một chiếc váy mới, hoặc trang điểm chuẩn bị đi đâu đó, anh lại hỏi tôi đi đâu, đi với ai, có cần anh đưa đi không. Đến nỗi bạn thân của tôi phá lên cười khi thấy chồng tôi “dằn mặt” nó: “Em đừng có mà biến vợ anh thành người khác đấy”. 
 
Và, bây giờ thực sự tôi đã hiểu ra không phải người phụ nữ mà cả đời cứ sắm trọn vai người vợ hiền thục, biết hi sinh là chồng sẽ hiểu, sẽ trân trọng, yêu thương mãi mãi. 
 
 
    Đinh Hương

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.