Phố Hàng Mã vào mùa Trung thu

Chia sẻ

PNTĐ-Phố Hàng Mã vào mùa Trung thu, người dân có thể tìm bất cứ thứ đồ chơi nào, từ truyền thống đến hiện đại. Đó là những chiếc trống trung thu, chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao…

 
Những ngày tháng 9, khi Rằm Trung thu cận kề là dịp người người, nhà nhà đi mua sắm cho con em mình những món đồ chơi Trung thu. Một trong những con phố nhộn nhịp vào dịp này ở Hà Nội là phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
 
Phố Hàng Mã vào mùa Trung thu - ảnh 1

 
Thời Pháp, phố Hàng Mã được đặt tên chung là Rue du Cuivre với phố Hàng Đồng bây giờ. Dân ở đây gồm một số gia đình người làng Tân Khai đến định cư mở cửa hàng bán giấy và đồ mã dùng cho công việc cúng lễ theo tập tục phương Đông, và đồ hàng giấy dùng trong trang trí.
Lịch sử Hàng Mã còn nổi tiếng với kiến trúc đặc trưng của phố cổ Hà Nội là những ngôi nhà hình ống và nhà chồng diêm.
 
Nhà hình ống với bề rộng có hạn, nhưng người dân đã khéo léo kết hợp không gian ở, thờ phụng, nghỉ ngơi, sản xuất và công việc buôn bán. Nhà chồng diêm là loại nhà hai tầng có cửa giả hoặc cửa sổ cỡ nhỏ mở ra phía mặt đường phố, những ngôi nhà như thế này ngoài mái ngói hắt nghiêng ra ngoài mặt phố còn có mái tranh vẩy thêm ra hè để che mưa nắng cho cửa nhà hoặc cửa hàng buôn bán.
 
Phố Hàng Mã có một lịch sử lâu đời là nơi bán các loại hàng mã. Theo tục lệ lâu đời, những người chết đi ban đầu được chôn kèm những đồ tùy táng (đồ thật) nhưng sau người ta thấy việc đó tốn kém và lãng phí quá nên thay bằng các hình mô phỏng bằng giấy, tre, gỗ… đốt để thay thế.
 
Trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt tin rằng trần sao âm vậy nên người sống thường mua các đồ mô phỏng (hàng mã) để cúng tiến cho người đã khuất. Mã ngày xưa là xe ngựa, tiền giấy, người thế thân còn mã bây giờ thì nhà lầu, xe hơi, điện thoại di động.  
 
Khi nếp sống văn minh càng chiếm ưu thế, các mặt hàng phục vụ đám hiếu  suy giảm. Từ một con phố từ một con phố chuyên bán mặt hàng phục vụ đám hiếu thì nhiều năm trở lại đây, phố Hàng Mã còn được biết đến như một thiên đường của đồ chơi và trang trí, đặc biệt nhộn nhịp vào dịp Tết và Trung thu.
 
Vào dịp Tết, Hàng Mã có một phong vị rất riêng. Phố không đông kịt như dịp Trung thu nhưng man mác một nỗi niềm hoài cổ. Giữa cái không khí rét ngọt chuẩn bị đón một năm mới, ngắm những món đồ xa xưa như câu đối viết trên gỗ, gươm đồng, lọ sành, những hũ tiền hoen gỉ… xen lẫn những phong bào lì xì đỏ chót, đèn lồng nhấp nháy cảm giác như trở về một vùng không gian đầy hoài niệm. Nếu muốn thưởng thức hương vị của một Hà Nội ngày Tết có phần xa xưa, hoài cổ thì những con phố như Hàng Mã vào dịp cuối năm là một lựa chọn rất thích hợp. 
 
Vào dịp Trung thu thì đây là khu vực trung tâm của lễ hội trong phố cổ. Đặc biệt, những ngày cận kề Trung thu, nhiều gia đình đưa con đi mua đồ chơi truyền thống. Khung cảnh nườm nượp người qua lại, nhiều đồ chơi đa sắc màu khiến nơi đây chẳng khác gì một chợ phiên. Thế nên buổi tối vào những dịp ấy đi dạo phố Hàng Mã, bạn sẽ có một ấn tượng rất mạnh. Phố sáng choang, lung linh bởi rất nhiều ánh đèn màu, các loại đồ chơi muôn hình vạn trạng. Có lẽ vào dịp đó, không có con phố nào ở Hà Nội lại nhiều ánh sáng rực rỡ và thu hút như thế. 
 
Dịp Trung thu là dịp trẻ em được mua những món đồ chơi, được lập hội để phá cỗ dưới tiếng trống rộn ràng, màu sắc lấp lánh của những chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao… Với người lớn là dịp tìm về những ký ức ấu thơ, nuôi dưỡng những giá trị truyền thống cho con em mình.
 
Tại Hàng Mã, người dân có thể tìm bất cứ thứ đồ chơi nào, từ truyền thống đến hiện đại. Người mua dễ dàng nhận ra rất nhiều đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc được bày bán rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều gian hàng bày bán đồ chơi Trung thu truyền thống. Đó là những chiếc trống trung thu, chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao, những chiếc mặt nạ bồi vẽ mặt ông địa, sư tử, đèn gù…
 
Những món đồ chơi này vẫn được người mua lựa chọn. Chả thế mà đến nay để tìm được hương sắc của truyền thống vào mỗi dịp Trung Thu, người người lại tìm đến phố Hàng Mã. Giữa những nhộn nhịp người qua lại ở Hàng Mã dịp này, sự đa dạng của những món đồ chơi, những món đồ chơi truyền thống, mong muốn của người tiêu dùng, của người bán luôn dành cho Trung thu cổ truyền một vị trí đặc biệt. Để mỗi mùa Trung thu cận kề, mọi người lại được đến với chợ phiên truyền thống.
 
 
Minh Phương 

Tin cùng chuyên mục

Trung uý Mai Chi ra MV tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng để làm nên “Đất nước muôn đời”

Trung uý Mai Chi ra MV tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng để làm nên “Đất nước muôn đời”

(PNTĐ) -Đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ca sĩ- Trung uý Mai Chi thuộc Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng ra mắt MV “Mẹ yêu con” như một nén tâm hương tưởng nhớ đến những người chiến sĩ đã hy sinh thầm lặng vì độc lập, hoà bình hôm nay.
Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường

Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường

(PNTĐ) - Không chỉ dịp lễ tết, mỗi độ xuân sang, mà mỗi dịp cuối tuần, du khách đến với 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình của huyện Thạch Thất đều có thể được thưởng thức những bản tấu chiêng vang vọng giữa núi rừng hoà vào màu xanh của nương lúa. Chiêng ngân mang theo nét văn hoá độc đáo của người Mường, làm thổn thức bao tâm hồn du khách.
Tri ân anh hùng liệt sĩ qua triển lãm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”

Tri ân anh hùng liệt sĩ qua triển lãm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”

(PNTĐ) - Từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5/2024 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội diễn ra triển lãm đặc biệt "Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử" nhằm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024). Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan đến tìm hiểu những năm tháng hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.