Thiết chế gia đình Việt đang “lung lay”

Chia sẻ

PNTĐ-Gia đình cần có sự hỗ trợ, quản lý của nhà nước để đảm bảo an sinh xã hội, quyền và trách nhiệm của các thành viên...

 
Gia đình cần có sự hỗ trợ, quản lý của nhà nước để đảm bảo an sinh xã hội, quyền và trách nhiệm của các thành viên, hoàn thiện dịch vụ xã hội để hỗ trợ các gia đình trẻ giải quyết những khó khăn, thách thức trong việc tổ chức cuộc sống, chăm sóc trẻ em và phụng dưỡng người già... là những vấn đề đặt ra tại Hội thảo khoa học "Gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức tuần qua tại Hà Nội. 
 
Thiết chế gia đình Việt đang “lung lay” - ảnh 1
Hội thảo nhằm đưa ra cách tiếp cận mới để bảo vệ gia đình Việt trước những thách thức của thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế

 
Khoảng trống trong an sinh xã hội cho gia đình
 
Trong xã hội phương Đông, gia đình là một thiết chế an sinh xã hội (ASXH) truyền thống có vai trò quan trọng trong chăm sóc và đảm bảo đời sống cho các thành viên. 
 
 Tuy nhiên hiện nay, gia đình truyền thống bị tác động và suy yếu bởi quá trình công nghiệp hóa (CNH), đô thị hóa. Ngày càng có nhiều thanh, thiếu niên rời nông thôn ra thành phố học tập, lao động kiếm sống, xu hướng hạt nhân hóa gia đình gia tăng, quá trình CNH thúc đẩy các dòng di cư trong nước và quốc tế khiến cho tỷ trọng các gia đình thiếu khuyết tăng lên và quy mô gia đình nhỏ đi... Sự tác động này đang khiến cho gia đình - nguồn an sinh truyền thống đang bị phá vỡ cấu trúc do tác động của biến đổi kinh tế, xã hội và nhân khẩu. 
 
 Theo GS.TS Đặng Nguyên Anh (Viện Hàn lâm KHXHVN), gần đây thảo luận chính sách hướng vào việc các gia đình tự an sinh cho chính mình thông qua năng lực tự phòng ngừa, thích ứng và khắc phục rủi ro. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của gia đình đối với ASXH.
 
Song cũng cần nhận thấy những giới hạn của phương thức "tự an sinh" do quá tải về thời gian, nguồn lực đối với gia đình trong cuộc sống hiện đại. Các thành viên nữ vẫn phải lo toan việc nhà, đi làm, đồng thời phải chăm sóc các thành viên khác. Chức năng kinh tế, chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm được nhấn mạnh trong các gia đình hiện đại, nhưng sự phúc lợi và tình thương không được chia sẻ công bằng.
 
Nguy cơ đổ vỡ gia đình, ly hôn luôn tiềm ẩn từ nguyên nhân bất bình đẳng giới, xung đột thế hệ, tranh chấp kinh tế và những mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân thường ngày. Vì thế, sự can thiệp của Nhà nước thông qua các quy định, chính sách là cần thiết bởi gia đình không thể tự an sinh, tự lo toan trong các trường hợp đó. 
 
Thực tế hiện nay có rất ít chính sách ASXH dành cho gia đình (lấy gia đình làm đơn vị thụ hưởng hoặc can thiệp). Ngoại trừ một số chính sách đối với những gia đình có công, các hộ nghèo... Song hầu hết các chính sách ASXH mới chỉ gắn với cá nhân thành viên chưa tiếp cận theo hộ gia đình.
 
Ví dụ như: chính sách trợ giúp người cao tuổi, khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ người khuyết tật. Nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ bao phủ ASXH thực tế còn thấp, khả năng tiếp cận của các nhóm dân cư trong một số dự án, chương trình còn hạn chế. Các chính sách ban hành tuy nhiều về số lượng, song bất cập thiếu đồng bộ nên sử dụng nguồn lực kém hiệu quả và không đảm bảo được tính bền vững.
 
 GS.TS Đặng Nguyên Anh cho rằng, mạng lưới ASXH truyền thống dựa trên gia đình đang bị suy giảm, trong khi các thiết chế ASXH hiện đại lại chưa hình thành hoặc chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được tốt nhu cầu của xã hội. Việc củng cố lại chức năng gia đình nhằm đảm bảo ASXH là rất cần thiết, đồng thời cần phải có sự chuyển hướng. Một trong những giải pháp là tập trung đầu tư ASXH từ cấp cá nhân lên cấp độ hộ gia đình, chú trọng vai trò của cộng đồng, nhất là với những ai không có khả năng thay đổi hoàn cảnh và điều kiện sống. Thực tế cho thấy nơi nào gia đình và cộng đồng làm tốt ASXH thì nơi đó gánh nặng an sinh được giảm bớt.
 
Nhiều “rào cản” trong quan hệ hôn nhân 
 
Theo GS, TS Nguyễn Hữu Minh (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới), tỷ lệ ly hôn và ly thân có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 1989-2016. Cụ thể, tỷ lệ ly thân, ly hôn của người dân từ 15 tuổi trở lên từ 1,3% (1989) lên 2,3% (2016). Cùng với đó, vấn đề không đăng ký hết hôn vẫn còn tồn tại trong quan hệ hôn nhân của người dân, do các nguyên nhân như: tảo hôn, thiếu hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật. Sự tồn tại của hôn nhân không đăng ký kết hôn trong nhiều thập kỷ qua đã để lại nhiều hậu quả đáng tiếc như người dân coi thường pháp luật, xảy ra tranh chấp tài sản của các bên khi ly hôn, gây khó khăn cho việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, không đảm bảo quyền và lợi ích cho vợ, chồng, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.
 
Thiết chế gia đình Việt đang “lung lay” - ảnh 2
Nhà nước cần quan tâm hoạch định các chính sách làm “bệ đỡ” để ứng phó với các thách thức. Ảnh minh họa

 
Cùng với đó, số lượng hôn nhân với người nước ngoài qua môi giới có số lượng ngày càng tăng. Những cuộc hôn nhân qua môi giới đáp ứng được mục đích kinh tế cho các cô dâu Việt, nhưng cũng tạo ra nhiều hệ quả nặng nề. Sự thiếu hiểu biết của các cô dâu trước khi xuất cảnh làm hạn chế khả năng thích ứng, giáo dục, chăm sóc con cái và tăng nguy cơ bạo lực. 
 
Những tác động của quá trình CNH và hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều thách thức đối với mối quan hệ hôn nhân. Hiện tượng sống chung không đăng ký kết hôn, không muốn kết hôn, làm mẹ đơn thân, ly hôn sớm... ngày càng gia tăng để lại nhiều hậu quả không mong muốn cho phụ nữ và trẻ em. Quyền lực cao hơn của nam giới đối với phụ nữ trong gia đình vẫn phổ biến, bạo lực chồng đối với vợ tồn tại và gia tăng trầm trọng với mức độ nguy hiểm trong các gia đình. Thời gian qua xảy ra liên tiếp các vụ thảm án gia đình có nguyên nhân từ bạo lực gia đình rất nghiêm trọng.
 
Tình trạng trẻ bị bỏ rơi, bạo lực gia tăng
 
Trong bối cảnh có nhiều biến đổi trước tác động của quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, những biến đổi về đa dạng cấu trúc và chức năng gia đình đã khiến cho nhiều gia đình không thích ứng và kiểm soát được các mối quan hệ, dẫn đến tình trạng rối loạn cấu trúc, rối loạn chức năng và khủng hoảng gia đình. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại không ngừng tăng lên.
 
Nghiên cứu “Chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong gia đình Việt Nam hiện nay: Một số thách thức” của TS Đặng Bích Thủy (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) cho thấy những thách thức mà các gia đình đang phải đối mặt đó là: Cha mẹ thiếu thời gian dành cho con; Thiếu kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em; Thiếu kỹ năng phương pháp dạy con cái; Thiếu kỹ năng và kiến thức trong cung cấp kiến thức tự bảo vệ bản thân của trẻ em. Việc không đủ thời gian chăm sóc con cái do quá bận với việc làm ăn kinh tế của một bộ phận gia đình dẫn tới tình trạng con cái bị bỏ rơi, cô đơn, không được quan tâm dễ dẫn đến chứng bệnh trầm cảm. Sự hạn chế về kiến thức dinh dưỡng cho trẻ em là rào cản quan trọng đối với chức năng chăm sóc trẻ em trong gia đình.
 
Một bộ phận cha mẹ còn áp dụng biện pháp trừng phạt thân thể và tinh thần đối với con cái. Việc sử dụng biện pháp đánh bằng tay, bằng roi, đuổi con ra khỏi nhà và các hình thức bạo lực thân thể khác là biểu hiện của sự bất lực của cha mẹ không có kỹ năng giáo dục con cái, dẫn tới việc cha mẹ vi phạm quyền trẻ em. Việc bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực trong một bộ phận gia đình không những chưa thực hiện tốt mà còn có nhiều bằng chứng về việc trẻ em bị bạo lực ngay trong chính gia đình mình.
 
 Theo TS Đặng Bích Thủy, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa trong việc hoạch định các chính sách mang tính "bệ đỡ" cho các gia đình để ứng phó với các thách thức của quá trình hiện đại hóa và hội nhập. Những chính sách này cần tập trung vào nhóm gia đình có mức sống thấp, gia đình nông thôn, miền núi. Trong vấn đề bảo vệ trẻ em, gia đình cần quan tâm tới việc bảo vệ một cách toàn diện, không chỉ tập trung bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi nguy cơ liên quan đến tệ nạn xã hội (nghiện hút, phạm pháp...), mà còn bao gồm cả các vấn đề liên quan đến sinh hoạt tình dục trước hôn nhân, có thai, sinh con ở tuổi vị thành niên, vấn đề quấy rối, xâm hại tình dục. 
 
 
Xem xét xây dựng Luật về gia đình
 
“Đối với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần xem xét xây dựng bộ Luật về Gia đình nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, tăng cường giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về gia đình. Chính phủ và các thành viên Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình, thí điểm thành lập Phòng gia đình cấp tỉnh lồng ghép các yếu tố liên quan đến công tác gia đình như trẻ em, người cao tuổi...”. 
 
 T.S Trần Tuyết Ánh (Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ VHTT&DL)
 
 
Hạ Thi 

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.