Thiếu dịch vụ y tế cho người cao tuổi

Chia sẻ

PNTĐ-Chất lượng dịch vụ y tế hiện nay vẫn chưa đầy đủ để đảm bảo chăm sóc lão khoa ở các cơ sở y tế và ngoài cộng đồng.

 
Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi (NCT) ngày càng cao đòi hỏi nhu cầu lớn trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ y tế hiện nay vẫn chưa đầy đủ để đảm bảo chăm sóc lão khoa ở các cơ sở y tế và ngoài cộng đồng.
 
Thiếu dịch vụ y tế cho người cao tuổi - ảnh 1
Dịch vụ chăm sóc y tế dành riêng cho NCT còn nhiều khoảng trống

 
Chỉ 40% bệnh viện có khoa lão
 
Theo ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), dự báo Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Đến năm 2049, tỷ lệ NCT sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một NCT. Đặc điểm của già hóa dân số ở Việt Nam là nữ cao tuổi nhiều hơn nam, với sự gia tăng tỷ lệ góa và tình trạng người già sống một mình; đời sống NCT còn nhiều khó khăn; tình hình sức khỏe còn nhiều hạn chế. Trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73 tuổi, số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi.
 
Nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy: Tỷ lệ người già trên 60 tuổi ở nước ta mắc từ 3 bệnh mãn tính trở lên chiếm khoảng 60 - 70% số lượng NCT. Già hóa dân số kéo theo sự gia tăng các bệnh mạn tính thường gặp ở NCT như: bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, hen suyễn, thoái hóa khớp...; hội chứng suy giảm nhận thức (bệnh Alzheimer), suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, trầm cảm... Trong khi đó, có đến 68% số người đang có bệnh ở độ tuổi 50-69 cho biết họ không được điều trị tại bất kỳ cơ sở y tế nào.
 
Khả năng tiếp cận dịch vụ phòng ngừa và điều trị cũng khác nhau đối với từng loại bệnh không lây nhiễm, ví dụ chỉ có 42% NCT bị tiểu đường đã được sàng lọc, bằng một nửa tỷ lệ ở nhóm cao huyết áp (80%).
 
Các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế cho biết việc NCT khó tiếp cận các dịch vụ y tế gắn với các bệnh không lây nhiễm một phần là do sự chắp vá, thiếu hụt trong cung cấp dịch vụ y tế. Cụ thể, hiện mới có khoảng 40% bệnh viện trên cả nước có khoa lão. Hệ thống khoa lão của các bệnh viện, hệ thống nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế và không có chăm sóc y tế… còn rất mỏng.
 
Thách thức của già hóa dân số đối với hệ thống y tế là rất lớn bởi già hóa dân số khiến chi phí y tế tăng cao. Theo Theo TS.BS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc bệnh viện Lão khoa Trung ương, chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ; NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc...
 
Cần xã hội hóa chăm sóc NCT
 
Để NCT sống khỏe và sống tốt đang là vấn đề cần được quan tâm. Khuyến nghị về giải pháp chăm sóc sức khỏe NCT thời gian tới, đại diện Tổng cục Dân số - KHHGĐ cho rằng, cần phát triển mạnh mẽ hệ thống chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế; khuyến khích phát triển các cơ sở chăm sóc NCT, cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của NCT; sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm đối tượng và với xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT…
 
Khuyến khích tư nhân tham gia phát triển các mô hình nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa, tại hội nghị “Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng” tổ chức cuối tháng 9/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị, thời gian tới, Việt Nam cần phát triển mô hình y học gia đình; chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng; đồng thời củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc NCT. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu mà đặc biệt là chăm sóc NCT tập trung vào các bệnh mãn tính. Quan trọng hơn, nước ta cần có chính sách phát huy tốt vai trò của NCT trong xã hội, đây là một trong những phương pháp chăm sóc tốt nhất…
 
Khẳng định việc hoàn thiện các chính sách về giải pháp, dịch vụ chăm sóc dài hạn và hướng tới chăm sóc NCT tại cộng đồng là nhu cầu cấp thiết hiện nay, các chuyên gia cho rằng: Ngoài việc đưa nội dung chăm sóc NCT vào các chính sách y tế, chúng ta cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về quyền được chăm sóc sức khỏe cũng như các kiến thức phòng chống và tự quản lý bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng để nâng cao chất lượng sức khỏe cho NCT.
 
Hương Minh 

Tin cùng chuyên mục

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

(PNTĐ) - Trong bốn năm, chị Xuân (36 tuổi) thực hiện 9 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm nhưng đều thất bại, đến chu kỳ thứ 10, chị đã được trọn vẹn ước mơ có con. “Được da kề da với con, nhìn con mỉm cười, mọi đau khổ nhiều năm qua đều trở nên nhỏ bé”, chị Xuân xúc động nói khi ôm con gái chào đời khỏe mạnh trong lòng. Nhưng để có được “kỳ tích” ấy, vợ chồng chị Xuân đã trải qua hành trình “tìm con” vô cùng gian nan và đầy kiên trì, nghị lực.
5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).