Phần nổi chết chóc của tảng băng chìm

Chia sẻ

Thế giới chấn động sau khi thi thể 39 người nhập cư chết cóng trong container Anh. Vụ này mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của hoạt động kinh doanh buôn người vào Anh.

 
 
Phần nổi chết chóc của tảng băng chìm - ảnh 1
Chiếc xe chở 39 người nhập cư xấu số

Vừa mới đây, 8 người nhập cư, trong đó có 4 trẻ em được cho đều là người Afghanistan cũng đã được phát hiện bên trong một xe tải đông lạnh đang trên hành trình di chuyển từ một cảng biển của Pháp lên phà sang Anh. 
40 triệu người đang làm nạn nhân của nạn buôn người
 
Sau vụ việc, cảnh sát Anh và Bỉ đang điều tra hoạt động buôn người đa quốc gia có thể diễn ra ở ngoài Bắc Ireland. Dù hoạt động này có trụ sở chính ở đâu nhưng có một điều chắc chắn là những tay buôn người đang cạnh tranh để thu hút khách hàng - những người muốn nhập cư theo con đường bất hợp pháp.
 
Ông Vernon Coaker, Nghị sĩ Anh thuộc Ủy ban quốc hội phụ trách xử lý nạn buôn người, cho biết: “Đó là một ngành kinh doanh khổng lồ. Một số người nói rằng với tội phạm, ngành này béo bở hơn là buôn ma túy”.
 
Con số nạn nhân bị buôn vào Anh là 7.000 người nhưng ông Coaker cho biết quy mô thực sự của vấn đề lớn hơn rất nhiều. Ông nói: “Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”. Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính hiện có 40,3 triệu người là nạn nhân buôn người. 
 
Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm cho rằng chỉ có hai tuyến đường buôn người chính: từ châu Phi sang châu Âu và từ Nam Mỹ sang phía Bắc. Ngành buôn người trị giá gần 7 tỷ USD/năm.
 
Ông David Wood, người từng phụ trách thực thi pháp luật về nhập cư của Bộ Nội vụ Anh, cho biết ông nghi có hàng chục nghìn người bị buôn vào Anh mỗi năm. Số người đó có thể từ 20.000 đến 40.000 người/năm. Nếu tính cả những người làm giả giấy tờ và cố tình ở quá hạn thị thực, con số có thể trên 100.000 người nhập cư trái phép/năm.
 
Những băng nhóm buôn người đang điều hành các đường dây tinh vi với một mạng lưới những kẻ tìm kiếm khách hàng tại nhiều điểm nóng khắp thế giới. Chúng có người ở các nơi khác nhau như Trung Quốc, tiểu vùng Sahara ở châu Phi, Afghanistan hay tiểu lục địa Ấn Độ. Chúng được gọi là những tay buôn.
 
Cách thức của chúng là tiếp cận những người dễ bị tổn thương, dụ dỗ họ bằng những câu chuyện tưởng tượng về vùng đất hứa. Ví dụ như nếu đến Anh, họ sẽ kiếm được cả gia tài vì chỗ nào cũng có việc làm và lương cao. Nghe theo lời dụ dỗ của chúng, nhiều người bán hết tài sản gia đình để cho một thành viên (thường là nam giới trẻ tuổi) có tiền thuê bọn buôn người đưa sang Anh. Họ nghĩ rằng khi tới Anh, người nhà kiếm được nhiều tiền và gửi về, rồi những người khác trong gia đình sẽ đi theo con đường đó.
 
Nhiều băng nhóm buôn người quảng cáo dịch vụ trên Facebook. Chúng đăng thông tin về hành trình, chi phí và những thứ liên quan. Có cả một nền kinh tế tham gia vào vòng tròn tội phạm này, từ các khách sạn, ô tô cho tới nhà hàng.
 
Khi đường dây buôn người qua Calais ở Pháp bị cảnh sát triệt phá, bọn buôn người chuyển trọng tâm sang nơi khác. Ví dụ như Zeebrugge ở Bỉ, một cảng hàng hóa và container. Tại đây, người ta không quan tâm tới việc phát hiện người nhập cư bị giấu trong các thùng hàng. Họ chỉ quan tâm xem hàng hóa được đóng thuế chưa. Do đó, đây là tuyến đường hấp dẫn với tội phạm có tổ chức.
 
Theo ông Coaker, các Chính phủ cần phối hợp và cảnh giác hơn. Ông nói: “Chắc chắn nếu chúng ta tăng cường an ninh ở Zeebrugge và Rotterdam, ở Hull hay ở Purfleet, bọn buôn người sẽ dùng các tuyến đường khác. Vì thế chúng ta phải rà soát việc này, xem xét và quyết định cách phản ứng với thực trạng ngay khi vừa thắt chặt nơi này thì chúng lại tìm tuyến đường khác”. Ông cho rằng cần phải có phản ứng quốc tế, đa cơ quan để giải quyết nạn buôn người bất hợp pháp. Ví dụ như cảnh sát biên giới, Cơ quan Tội phạm Quốc gia, cảnh sát địa phương, cơ quan tình báo…
Đánh cược mạng sống trên hành trình tử thần
 
Theo Kastrijot Ahmati, một tay buôn người sống ở Walthamstow, Đông Bắc London, người nhập cư sẽ phải trải qua hành trình 12 tới 16 tiếng từ Bỉ vào Anh tùy thuộc vào việc phà có trễ không. Thông thường, bọn chúng sẽ đòi tiền trước hoặc đòi thông tin một người thân ở Anh để đảm bảo có người trả tiền. Ahmati cho biết việc vào được Anh hay không sẽ giống như “rút thăm may rủi”.
 
Tuy nhiên, không ai ngờ hành trình bất hợp pháp sang Anh lại chịu nhiều rủi ro đến thế. Ahmad Al-Rashid, một người tị nạn Syria kể lại hành trình tới Anh khi ngồi trong thùng container được xe tải chở đi trong tình trạng không nước, thức ăn, thông gió hay nhà vệ sinh kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần. Anh cho biết nỗi sợ và tuyệt vọng trong thùng container đều bị lấn át bởi nhu cầu không khí. Ahmad nói: “Chúng tôi phải hét lên, gào lên, đấm vào cửa, thét lên với hy vọng có ai đó sẽ tới giúp”.
 
Trước thảm kịch xảy ra với 39 nạn nhân, vào giữa năm 2000, cộng đồng quốc tế cũng đã bàng hoàng khi 58 thi thể của những người vượt biên trái phép cũng đã được tìm thấy bên trong một container chở cà chua ở thành phố cảng Dover, Anh. Cảnh sát cũng phát hiện các bằng chứng cho thấy các nạn nhân đã điên cuồng đập tay vào container để bám víu lấy hi vọng sống còn. Cuối cùng, chỉ có 2 người may mắn sống sót nhờ có thêm chút dưỡng khí khi những người khác trong container chết đi. Và cũng chỉ ít năm sau, 23 nạn nhân khác cũng đã bị đuối nước khi nhóm buôn người bỏ rơi họ trên bãi biển ở vịnh Morecambe. 
 
Trái với nhiều người sống ở các vùng xung đột phải di cư để bảo toàn mạng sống, nhiều người di cư tới châu Âu, đặc biệt là Anh vẫn chấp nhận dấn thân vào hành trình tử thần lại tới từ những khu vực yên bình, cuộc sống không quá khó khăn. Điều gì thúc đẩy họ bán tài sản, gom góp tiền của để ly hương tới châu Âu tìm cuộc sống mới, mong đổi đời với những nghề như làm móng tay hay trồng cần sa bất hợp pháp? Họ thấy những hàng xóm xung quanh ra nước ngoài và gửi về rất nhiều tiền cho họ hàng, gia đình xây nhà cửa, sắm đồ đạc. Chính món lợi kinh tế đó đã thúc đẩy họ tha hương, bất chấp rủi ro để sống và làm việc bất hợp pháp, thay vì lao động chăm chỉ, hợp pháp ở quê nhà.
 
Ở một số nước, việc đi lao động xuất khẩu hợp pháp hay bất hợp pháp để tìm việc và gửi tiền về nhà đã trở thành truyền thống. Cứ lớp này nối tiếp lớp kia mà bất chấp hậu quả. Với nhiều người, Anh là điểm đến phổ biến nhất vì có nhu cầu lao động chân tay giản đơn cao.
Nhưng, ngay cả khi có may mắn sống sót qua cuộc hành trình khi tới châu Âu, thì họ vẫn phải chấp nhận đối mặt với bi kịch mới. Đàn ông thường được đưa tới làm việc trong các trang trại cây gai dầu. Họ bị khóa trong các căn nhà được cải tạo để trồng gai dầu và buộc phải chăm sóc cây cả ngày lẫn đêm. Phụ nữ thì được đưa tới làm việc trong các tiệm làm móng. Cả nam và nữ đều có nguy cơ bị bắt làm nghề mại dâm. Nhiều người buộc phải làm việc cật lực để gia đình trả nợ cho những kẻ môi giới đưa ra nước ngoài. Nhiều người mắc kẹt trong khoản nợ này hàng năm trời và không dám tìm kiếm giúp đỡ vì đang sống bất hợp pháp ở Anh.
 
Nhiều người vỡ mộng khi cuộc sống ở trời Tây không như tưởng tượng. Trong nhiều vụ ở Anh, cảnh sát phát hiện có những người nhập cư bất hợp pháp phải làm việc tới 60 giờ/tuần ở các tiệm làm móng mà chỉ được trả có 30 bảng/tháng, thậm chí còn bị quỵt lương. Họ phải ngủ trên thảm trong các phòng gác mái của tiệm móng tay. Với những người làm việc trong các trại trồng cây gai dầu, họ không biết đâu là ngày là đêm vì cửa sổ luôn bị đóng kín. Nếu chẳng may làm chết cây, họ sẽ bị chủ đánh đập, chửi mắng. Nếu dám bỏ trốn, họ sẽ bị truy lùng và giết chết. Nhiều người không dám trốn vì cũng không biết đi đâu, về đâu.
 
Một người tâm sự: “Tôi chỉ sống ngày qua ngày. Tôi không thể nhìn thấy gì trong tương lai. Không ai tốt với tôi”.
 
Khi nhận ra lao động ở quê nhà hạnh phúc và thoải mái hơn nhiều thì đã quá muộn. Có những người quá sợ bọn buôn người nên không dám khai gì với cảnh sát. Do đó, cảnh sát không biết họ là nạn nhân buôn người và coi họ như tội phạm và trục xuất về nước trong bẽ bàng.
 
Dương Thùy (theo Mirror) 
 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.