Những ngôi trường hạnh phúc

Chia sẻ

“Những ngôi trường hạnh phúc” là tên một phong trào do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) phát động trong toàn ngành nhằm hướng đến một môi trường sư phạm mẫu mực.

 
Những ngôi trường hạnh phúc - ảnh 1
Những cô giáo ở trường học hạnh phúc luôn tận tâm với nghề, yêu thương và lấy học sinh làm trung tâm (Ảnh: Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm)

 
Ở nơi thầy không ngại bị trò “chấm điểm”
 
Sáng hôm nay, như thường lệ, cô Đỗ Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng trường THCS Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm lại xuống nhà thể chất để đánh cầu lông với học sinh. Vừa thấy cô, lũ học trò chạy ùa ra, ríu rít: “Cô ơi, hôm nay mình chơi ở lưới nào?”, “Cô ơi, hôm nay chúng con sẽ thắng cô”, “Cô ơi, con với cô ghép thành một đội nhé”… 
 
Ở trường THCS Tây Mỗ, việc các thầy cô giáo cùng chơi, cùng học, cùng làm với học sinh đã không còn lạ. Nhờ vậy mà trong mắt trò, thầy cô thật gần gũi, thân thương. Vào giờ cơm trưa, các thầy cô cũng ngồi ăn cùng học trò, vừa ăn vừa trò chuyện. Riêng cô Hiệu trưởng còn có thói quen tự tay so đũa, lấy thìa rồi ân cần đưa cho học sinh đầu mỗi bữa. 
 
Mới rồi, trường THCS Tây Mỗ đã thực hiện một cuộc bình chọn giáo viên được học sinh tin yêu. Hàng trăm phiếu khảo sát được nhà trường biên soạn, sau đó phát về từng lớp để học sinh “chấm điểm”. Kết quả, bên cạnh những lời nhận xét tốt như “cô giảng bài hay”, “cô như người mẹ thứ hai”, nhiều học sinh đã thẳng thắn chỉ ra nhược điểm thầy cô nên khắc phục: “Cô còn ít nói”, “Cô nên cho học sinh đi thăm quan nhiều hơn”, “Cô hơi nghiêm nghị”… Cô Tuyết cho biết: “Chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận mọi góp ý của các em để hoàn thiện mình hơn, nhà trường có cơ sở điều chỉnh các hoạt động trở nên thiết thực và đem lại hạnh phúc nhiều hơn cho học sinh”. 
 
Chia sẻ nỗi lo “cơm áo gạo tiền” với phụ huynh học sinh (PHHS) đầu mỗi năm học, BGH trường THCS Tây Mỗ đã huy động các giáo viên giỏi lựa chọn từng đầu sách học sinh cần mua, tổ chức cho các nhà may chào hàng cạnh tranh cung ứng đồng phục. Kết quả, trường đã tiết kiệm cho PHHS được trên 500 triệu đồng. Tiền phát hành SGK do đơn vị phát hành tặng lại, thay vì bỏ túi cá nhân, trường công khai và sử dụng vào việc quét vôi phòng học. Các thầy cô còn đứng ra vận động xã hội hóa để xây dựng sân chơi đa năng, sân bóng đá cho học trò trị giá trên 600 triệu đồng; góp quỹ “Thắp sáng ước mơ”, trao tặng 225 suất học bổng tiếp sức đến trường cho học sinh. Cảm động nhất là vào mỗi mùa thi cuối năm, các thầy cô lại tình nguyện đến từ sáng sớm để truy bài cùng học sinh, phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu. Một tuần 3 buổi, học sinh nghèo được mời tới trường ăn sáng miễn phí để có sức học. Sự tận tâm đó của các thầy cô giáo đã góp phần đưa trường THCS Tây Mỗ luôn đứng trong top đầu của quận Nam Từ Liêm với thành tích có tỷ lệ cao học sinh thi đỗ lớp 10 hàng năm. Trường cũng trở thành ngôi trường hạnh phúc, an toàn, giảm thiểu  khoảng cách giàu nghèo, học sinh được phát triển tài năng, thể chất. 
 
Tương tự, ở trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, quận Đống Đa, học trò cũng luôn là nhân vật trung tâm, được thầy cô giáo tôn trọng. Hàng năm, trường có 2 đợt thăm dò ý kiến của học trò về các mặt lối sống, tác phong, đạo đức, phương pháp giảng dạy, thái độ làm việc của các thầy cô giáo, bao gồm cả các thành viên Ban giám hiệu. Những cán bộ, thầy cô giáo nhận được tín nhiệm cao của HS sẽ được vinh danh trên trang web nhà trường. 
 
Nhưng, để có thể được học sinh ghi nhận, từng thầy cô giáo ở trường Phan Huy Chú đã phải nỗ lực hết mình trong mỗi bài giảng, giữ gìn lời nói, tác phong. Thầy cô còn dành cho học sinh sự quan tâm, thấu hiểu thể hiện qua từng hành động rất nhỏ. Cô giáo Cao Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhiều thầy cô ở trường còn tỉ mỉ ghi chép gia cảnh, điểm mạnh, yếu của học trò ra cuốn sổ riêng. Nhờ thế, trường dù đông học sinh nhưng thầy cô không chỉ nhớ mặt, nhớ tên mà còn nhớ hoàn cảnh của các em. Khi học sinh phạm lỗi, việc đầu tiên các thầy cô làm không phải là trách phạt mà tìm hiểu nguyên nhân, động viên cha mẹ bình tĩnh, không được thất vọng về con em mình. 
 
Đây đó, buổi họp cha mẹ học sinh đầu năm bị biến tướng, chỉ để “thu tiền” thì ở trường Phan Huy Chú, họp cha mẹ là cơ hội để nhà trường và gia đình cùng bàn bạc phương pháp giáo dục học sinh tốt nhất. Quỹ lớp do cha mẹ học sinh đóng chỉ dùng để tổ chức hoạt động dành cho học trò như khen học khá giỏi… 
Nỗ lực sáng tạo để truyền cảm hứng cho trò
 
Cô giáo Phạm Thị Thu Oanh, sinh năm 1992, giáo viên trường mầm non Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên đã có 7 năm gắn bó với công việc nuôi dạy trẻ. Mỗi ngày, từ rất sớm, cô Oanh đã có mặt ở trường, sắp xếp lại lớp học để chuẩn bị đón trẻ. Chiều đến, khi các con đều đã được bố mẹ đón, cô lại là người cuối cùng ra về. Theo quy định của nhà nước, một ngày làm việc kéo dài 8 tiếng, nhưng với cô Oanh và các đồng nghiệp việc phải làm 10 tiếng/ngày là rất bình thường. 
Địa bàn xã Bạch Hạ nằm ở cuối huyện Phú Xuyên, nơi cuộc sống của người dân hãy còn vất vả. Vì mưu sinh, một số cha mẹ ít có điều kiện quan tâm nhiều đến con. Thấu hiểu điều đó, trong mỗi ngày trẻ trên lớp, cô Oanh luôn cố gắng chăm các con từ bữa ăn, giấc ngủ, dạy trẻ từ cách giao tiếp ứng xử, đôi khi thay cho cả phần cha mẹ. Cô cũng trăn trở, nghiên cứu tìm ra phương pháp giảng dạy “Lấy trẻ làm trung tâm”, dạy thông qua các trò chơi... để trẻ phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình. Thông thường, giáo viên cho trẻ làm quen với mặt chữ theo phương pháp nhóm chữ giống nhau như A, Ă, Â; O, Ô, Ơ...  Cô Oanh lại sáng tạo, dạy trẻ làm quen các nhóm chữ khó theo âm đọc như G, H; I, Y để trẻ cảm nhận các âm giống nhau nhưng mặt chữ khác nhau... Với những sáng tạo của mình, cô Oanh đã đạt giải Nhất hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và giải Nhì hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố năm học 2018 - 2019.
 
Hiện nay, thu nhập của cô Oanh và các đồng nghiệp còn khiêm tốn, chỉ trên dưới 5 triệu đồng/tháng nên phải tằn tiện mới đủ sống. Nhưng, không vì thế mà cô Oanh thôi yêu nghề. Dù công tác ở xa trung tâm, nhưng cô giáo Oanh vẫn tự học hỏi, tìm kiếm các phương pháp dạy học ưu việt như Montessori, một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của nhà giáo dục Ý Maria Montessori để ứng dụng vào bài giảng của mình. Nhờ đó, trẻ đã trở nên mạnh dạn, tự tin, tích cực trong quá trình tham gia các hoạt động cùng cô và các bạn.
Với thầy giáo 8x Bùi Quang Huy, giáo viên Địa lý - Ngữ văn trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, 10 năm đứng trên bục giảng, là từng đó năm thầy luôn tìm tòi, sáng tạo các tiết giảng hay dành tặng cho trò. Nếu được một lần dự giờ giảng của thầy, sẽ thấy đằng sau đó là cả sự kỳ công, tâm huyết. Ngoài tư liệu trong SGK, thầy Huy đã bỏ công làm các video để minh hoạt cho nội dung kiến thức trong bài. Dạy về kinh tế châu Âu, thầy cho các em xem đoạn phim về đập ngăn nước biển ở Hà Lan, để các em hiểu người Hà Lan đã làm gì để ứng phó với thiên nhiên, hay với bài “Thiên nhiên châu Âu” (sách Địa lý lớp 7), thầy lại chiếu clip minh họa về thảm thực vật, về rừng, cảnh quan tự nhiên ở châu Âu. Tư liệu trong clip do thầy bỏ công sưu tầm từ nhiều nguồn, nhờ cả người quen ở nước ngoài chụp, quay lại. Năm học 2018-2019, thầy đã ứng dụng thành công bảng tương tác thông minh, các phần mềm hỗ trợ vào bài giảng “Môi trường hoang mạc (sách Địa lý lớp 7”). Thầy còn đưa học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, cùng học sinh đến phố cổ Hà Nội, viện bảo tàng lịch sử, những địa danh nổi tiếng ở Thủ đô để các em thêm yêu bộ môn học, hình thành thế giới quan địa lý. Nhờ sự sáng tạo của thầy Huy mà chưa bao giờ, những tiết học Địa lý ở trường THCS Nguyễn Du bị cho là nhàm chán. Thầy Bùi Quang Huy đã được nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm học 2018-2019 do Sở GD-ĐT trao tặng.
 
Cô giáo, Thạc sĩ Vũ Thị Hiển, sinh năm 1978, giáo viên Ngữ văn trường THPT Quốc Oai, huyện Quốc Oai lại được biết tới với sáng kiến khuyến khích các em học sinh sáng tác thơ Hai-kư của Nhật Bản và thơ lục bát của Việt Nam. Mặc dù trên thực tế, không có một đề kiểm tra hay bài thi nào yêu cầu học sinh sáng tác một tác phẩm thơ, nhưng cô Hiển lại muốn tạo cho các em học sinh một tâm thế chủ động của người sáng tạo, qua đó sẽ kích thích sự hứng thú của học sinh trong các giờ học văn. Trên cơ sở giới thiệu về thể thơ, luật thơ, nguyên tắc sáng tác  thơ lục bát, cô đã khơi dậy được cảm hứng sáng tạo của học trò. Dần dần, sáng tác thơ đã trở thành một trong những hoạt động được học trò yêu thích trong giờ học văn. Nhờ có cô, nhiều học sinh từ chỗ ngại học Ngữ văn đã trở nên yêu văn chương, biết rung động trước cái đẹp của ngôn từ. Thậm chí có nhiều học sinh, dù đã ra trường vẫn có thói quen chia sẻ những sáng tác mới với cô Hiển. 
 
Có thể thấy, để “hiện thực hóa “những ngôi trường hạnh phúc”, đòi hỏi sự kỳ công, tâm huyết của các thầy cô giáo. Nhưng đổi lại, sẽ là những gương mặt hạnh phúc của học trò.
 
Hoàng Lan
 

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.