Cần lắp camera giám sát

Chia sẻ

Sở GD-ĐT Hà Nội đang chỉ đạo phòng GD-ĐT quận Nam Từ Liêm phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để xác minh làm rõ sự việc cô giáo bị tố bạo hành học sinh.

Cần lắp camera giám sát - ảnh 1
Trường TH Trung Văn, Nam Từ Liêm nơi bị PHHS tố cáo giáo viên bạo hành học sinh

 
Phụ huynh nói có, cô giáo nói không
 
Thông tin với báo chí, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sau khi nhận được đơn tố cáo của phụ huynh về việc cô giáo chủ nhiệm lớp 2B, trường tiểu học Trung Văn, quận Nam Từ Liêm đánh học sinh, Sở đã yêu cầu Phòng GD-ĐT quận khẩn trương làm rõ sự việc. 
 
Theo đơn tố cáo của 17 phụ huynh, cô giáo P.T.T.H đã có những hành vi như: dùng chân đạp vào bụng, lấy thước kẻ nhôm đánh vào đầu, giật tóc, xé vở... nếu học sinh nào mắc lỗi trên lớp. Cô giáo còn xưng hô "mày tao", nói tục, nói bậy với học sinh. Phụ huynh đã lén lắp camera trong lớp học để ghi lại những hình ảnh dạy và học trên lớp 2B.
 
Bà Giang Thanh Thủy, Hiệu trưởng trường tiểu học Trung Văn cho biết, nhà trường nhận được đơn của 17 phụ huynh lớp 2B tố cáo cô giáo chủ nhiệm lớp 2B có những hành vi, lời nói vi phạm đạo đức nhà giáo từ cuối tháng 11/2019. Tuy nhiên, khi làm việc với cô giáo H không thừa nhận hành vi đánh học sinh. Các chứng cứ phụ huynh gửi chưa rõ ràng nên bước đầu chưa thể kết luận cô P.T.T.H có bạo hành trẻ hay không. Cô giáo H chỉ thừa nhận có những hành vi vi phạm quy chế như làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong lớp. Hiện, cô giáo H đã bị tạm đình chỉ trong quá trình công an quận Nam Từ Liêm vào cuộc điều tra sự việc.
 
Tuy chưa có kết luận chính thức về vụ việc, song thêm một lần nữa, phụ huynh và dư luận lại lo ngại về tình trạng an toàn trường học, đạo đức, hành vi của giáo viên đứng lớp.
 
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ: Tất cả các hành vi giáo viên đánh học sinh đều vi phạm pháp luật. Pháp luật không cho phép giáo viên dùng bạo lực với học sinh trong bất kỳ hình thức kỷ luật nào. Bộ GD-ĐT cũng đã quy định các hình thức kỷ luật học sinh nếu học sinh vi phạm quy định của lớp, của trường, trong đó không bao giờ có hình thức đánh học sinh.
 
Theo luật sư Cường để giáo dục tốt một đứa trẻ, cần sự chung tay của gia đình và nhà trường. Việc giáo viên bạo hành học sinh chính là một trong những bài học nuôi dưỡng mầm mống bạo lực trong tâm hồn các em khi đang độ tuổi phát triển về nhân cách, nhồi nhét vào đầu học sinh tư tưởng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Điều đó là phản giáo dục và vô cùng nguy hiểm.
 
Có nên lắp camera trong lớp học?
 
Trước sự việc này, nhiều PHHS cho rằng, cần phải lắp camera giám sát trong lớp học, để ngăn chặn nạn giáo viên bạo hành học sinh. Câu chuyện lắp đặt camera trong nhà trường cũng luôn nhận được sự quan tâm của phụ huynh, song cũng có nhiều ý kiến trái chiều.
 
Cách đây không lâu, tại trường tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TPHCM), phụ huynh đã bí mật lắp camera theo dõi, sau khi nhận được những phản ánh của học sinh về việc bị cô giáo bạo hành. Từ những chiếc camera quay lén đó, phụ huynh và BGH nhà trường đã thấy rõ sự việc giáo viên liên tục đánh, tát tai, mắng chửi học sinh. Chiếc camera đã nói rõ sự thật và giáo viên bị xử lý kỷ luật.
 
Hiện nay, chủ yếu là các trường ngoài công lập đã lắp hệ thống camera để phụ huynh theo dõi các hoạt động trong giờ học của con. Giáo viên tại các trường công lập vẫn còn nhiều tâm tư khi cho rằng việc lắp camera gây áp lực cho việc giảng dạy của các thầy cô giáo.
 
“Lắp camera trong lớp học cũng chỉ quay được một phần lớp học, chưa chắc đã hoàn toàn an toàn. Việc cần làm hiện nay là tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Tôi nghĩ chiếc camera chỉ là cách đối phó với những cá nhân riêng biệt. Nó xuất phát từ một số vụ bạo hành trẻ. Còn với mỗi nhà giáo, cái tâm dành cho học trò mới là gốc rễ giải quyết vấn đề này” - cô giáo Đ.H.N (Phú Thọ) chia sẻ.
 
Trái ngược với quan điểm trên, bà Phạm Thị Minh Tuyết - Hiệu trưởng trường tiểu học An Dương (Hà Nội) cho biết: “Khi lắp camera giáo viên sẽ có tâm lý e ngại, cảm giác bị theo dõi, nhưng hiện nay đa phần giáo viên đều cho rằng hệ thống này là thiết yếu. Lắp camera không chỉ giúp phụ huynh an tâm mà còn giúp giáo viên bảo vệ chính mình. Khi có vấn đề gì xảy ra, bị phụ huynh và học sinh hiểu lầm thì đó là minh chứng để giải đáp các khúc mắc. Camera lớp học chính là căn cứ để thực hiện tốt việc minh bạch trong môi trường học đường. Trường tiểu học An Dương là 1 trong số ít những trường công lập đã lắp camera trong trường, trong lớp học. Việc này giúp giáo viên tiết chế cảm xúc, có trách nhiệm trong từng hành vi của mình, tạo nên một môi trường dạy và học an vui”.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, Hà Nội cũng cho rằng, chiếc camera có cản trở hoạt động dạy học của giáo viên hay không là do suy nghĩ của mỗi giáo viên. Nếu giáo viên nghĩ rằng lắp camera để tốt cho mình, để từ đó cố gắng hơn thì sẽ không quá e ngại. Nếu giáo viên nghĩ rằng như thế là giám sát thì sẽ tâm tư. Tôi nghĩ rằng chiếc camera không quá ảnh hưởng tới việc dạy và học trên lớp. Khi giáo viên dành tâm huyết tốt nhất cho bài giảng, cho học sinh, khi đó sẽ chẳng còn nghĩ đến chiếc camera.
 
Nói về vấn đề này, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm cho biết sắp tới, Phòng sẽ đề xuất việc lắp camera an ninh cho tất cả các trường trên địa bàn. Nhưng để lắp được camera trong lớp sẽ phải tùy vào điều kiện ngân sách, cũng như bàn bạc lấy ý kiến của giáo viên, phụ huynh, học sinh.
 
P.V  

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.