Chống quấy rối tình dục: Người trẻ làm gì để bước qua sự im lặng?

Chia sẻ

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng muốn hỗ trợ người bị quấy rối và xâm hại tình dục lên tiếng tố cáo thủ phạm, vượt qua nỗi đau của mình. Tuy nhiên liệu xã hội, cộng đồng, người thân, mỗi cá nhân chúng ta đã đủ sẵn sàng và thấu hiểu...

Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân bị quấy rối tình dục

Người bị quấy rối và xâm hại tình dục không chỉ phải chịu những tổn thương về mặt thể chất và tinh thần từ chính vụ việc, họ còn phải đối diện với những lời nói và hành vi đổi lỗi từ những người xung quanh. “Cô ấy có ăn mặc hở hang?”, “Con trai gì mà phản kháng yếu thế?”, “Cô ấy làm gì khiêu khích hung thủ?”, “Con bé có bịa chuyện không?”,… Những lời, hành vi, thái độ đổ lỗi cho người bị quấy rối và xâm hại tình dục tồn tại khá phổ biến trong đời sống hàng ngày.

Chống quấy rối tình dục: Người trẻ làm gì để bước qua sự im lặng? - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Theo thông tin của tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam: “Năm 2014, 87% nữ giới được khảo sát tại Hà Nội và TP.HCM xác nhận họ đã bị quấy rối tình dục  (QRTD) tại nơi công cộng; 67% người qua đường không có phản ứng gì để giúp đỡ. Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE cũng đã chỉ ra những con số báo động: Hơn một nửa (58,4%) nạn nhân chia sẻ họ không làm gì và giữ kín việc họ bị bạo lực giới, và chỉ có 0,6% thủ phạm bị xử lý hình sự. Hậu quả của vụ việc là 90,4% nạn nhân cho biết họ cảm thấy lo lắng, sợ hãi, trầm cảm và tự ti sau khi bị bạo hành; 68,5% các nạn nhân chia sẻ họ bị ám ảnh và thường xuyên nghĩ về các vụ QRTD, hiếp dâm và cưỡng dâm mà họ đã trải qua. Hành vi tự đổ lỗi là tất yếu: Khoảng 31,5% nạn nhân trực tiếp đổ lỗi cho mình như nguyên nhân gây ra hành vi bạo lực giới. 68,5% nạn nhân không trực tiếp đổ lỗi cho bản thân mình, nhưng hầu hết các nạn nhân đều đề cập những hình thức đổ lỗi gián tiếp, hoặc “vô thức”. Nhiều nạn nhân sử dụng những từ ngữ mang tính “bao biện” chứng minh mình không có lỗi như: “mình không nghĩ mình là đứa ăn mặc đến nỗi hở cái này, khoe cái kia”, “Bình thường tới mức tầm thường mà vẫn bị”, “mình mập và xấu lắm nhưng vẫn trở thành mục tiêu”, hay “hôm đó mình tuyệt đối không ăn mặc hở hang gì hết”, “mình là con trai mà còn bị”…

Lên tiếng bằng cách chia sẻ

 “Mình 13 tuổi, các bạn nam hay tới lớp mình và đùa giỡn, xô đẩy để cố ý đụng chạm mình, thường là eo hay lưng, và dùng các từ tục tĩu khi nói chuyện với mình. Mình đã cố ý tránh mặt họ nhưng cho đến hôm qua, đám bạn trai phục sẵn ở cửa lớp khiến mình không thể đi đâu. Một bạn giả vờ ngã để bóp mạnh ngực mình trong khi một người khác đánh vào lưng. Họ trêu: “Sao ngực bé vậy?!” rất lớn. Mình đã khóc rồi chạy đi. Hôm nay, mình nói với các bạn nữ chuyện ấy và khuyên họ nên tránh xa thì trái với dự định, các bạn ấy nhăn nhó mắng mình không được nói xấu “bạn” của họ. Trong giờ học, mình còn nhận được tờ giấy với nội dung cảnh cáo không được nói ra nếu không thì sẽ bị rạch mặt quay đưa lên Facebook.”.

“Hồi bé đã có lần anh họ cầm tay của mình và em trai rồi đặt vào chỗ kín của anh ấy. Hơn 10 năm sau, mình mới kể với mẹ thì không ngờ mẹ dửng dưng với chuyện đó. Mẹ cười, rồi bảo có sao đâu, lúc đấy anh ấy đang dậy thì nên tò mò mấy chuyện đó thôi mà. Mẹ nói mình đang làm quá. Mình ước mình chưa từng kể cho mẹ nghe”.

“Năm 10 tuổi, em bị người thân QRTD suốt 4 năm. Khi đã quá sợ hãi, em khóc lóc van xin ông dừng lại, em không hé nửa lời với bất kì ai. Khi 15 tuổi, em kể với bạn thân và bạn hỏi lại “Sao cậu vẫn có thể sống tiếp được nhỉ, nếu là tớ, tớ đã đi chết lâu rồi!”. Sau khi nghe điều đó, em đã nghĩ tới cái chết nhưng thật may, số thuốc ngủ được bạn thấy và đem vứt. Sau này, không bao giờ em muốn nghĩ tới hay nhắc tới quá khứ đó nữa nhưng đôi lúc vẫn ám ảnh. Nay em 19 tuổi, vừa có mối tình đầu nhưng vì luôn có cảm giác tội lỗi khi xưa nên em chấm dứt mối quan hệ này chỉ sau 2 ngày. Thật kinh khủng…”

 Trên đây là 3 trong số gần 5000 lời chứng ẩn danh kênh Facebook S.O.S - Share Our Stories. Được lập ra từ tháng 4 năm 2016 bởi một nhóm bạn trẻ và dưới sự tư vấn, hỗ trợ của các tổ chức về giới như iSEE, UN Woman Vietnam. Đến nay, kênh Facebook này đã phần nào giải tỏa những gánh nặng của QRTD, mang đến những câu chuyện có thật để giúp những người khác không phải trải qua những điều tương tự. Đinh Thảo Linh – một trong các thành viên sáng lập cho rằng, ai cũng có thể chia sẻ những trải nghiệm thực tế của chính bản thân nếu từng là nạn nhân của QRTD; hoặc nói lên những suy nghĩ, cảm nhận của mình, những điều mắt thấy tai nghe về tệ nạn QRTD trong xã hội hiện nay. Tất cả những chia sẻ đều mang tính ẩn danh và không một ai biết bạn là chủ nhân của những chia sẻ đó.

Dẫu vậy, bước đầu mọi việc mới chỉ được giãi bày trong bóng tối, cần lắm những sự chung tay của cộng đồng để thông điệp về chống QRTD thêm mạnh mẽ, trở thành hành động hiệu quả, mang lại xã hội tốt đẹp, bình yên hơn cho phụ nữ. Chiến dịch “YOU CAN TALK TO ME” – do S.O.S - Share Our Stories Viện iSEE Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam hợp tác thực hiện, tài trợ bởi Chính phủ Úc được mở ra nhằm nâng cao nhận thức về văn hoá đổ lỗi cho nạn nhân và xây dựng một cộng đồng tin cậy, có hiểu biết, sát cánh cùng nạn nhân trong quá trình chữa lành vết thương tinh thần. Được triển khai thành các hoạt động xuyên suốt trong thời gian từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020, chiến dịch mở màn bằng một chương trình nghệ thuật của các nghệ sỹ 9X tại TP.HCM và Hà Nội. Họ đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam và nhiều đất nước khác, thể hiện các tác phẩm về chủ đề công bằng và bền vững trong xã hội. Tiếp đó sẽ là chuỗi hội thảo, buổi trao đổi kiến thức được tổ chức tại các trường đại học tại Hà Nội.

Mai Chi

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.